Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 11/11/2008 13:40'(GMT+7)

"Sân chơi" của những tìm tòi sáng tạo

Tranh sơn dầu: "Gọi bạn" - Họa sỹ Trần Đức Lợi

Tranh sơn dầu: "Gọi bạn" - Họa sỹ Trần Đức Lợi

Bản sắc tranh sơn dầu Việt

Tranh sơn dầu mới du nhập vào nước ta những năm đầu thế kỷ XX, sớm được các hoạ sĩ tiếp nhận, nắm bắt kỹ thuật bằng tài năng, tâm hồn của người Việt. Sơn dầu là chất liệu sáng tác được nhiều hoạ sĩ ưa thích. Theo Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, sơn dầu là chất liệu dẻo, quánh, vẽ mỏng cũng được, vẽ dày cũng được, thậm chí vẽ như trát vữa vào cũng không sao. Ưu thế của sơn dầu là từ khi vẽ cho đến lúc khi khô là không thay đổi về màu. Chính vì thế tranh sơn dầu có khả năng rất tốt trong việc nắm bắt những hình sắc vốn có của tự nhiên.

Tranh sơn dầu bộc lộ rõ cảm nhận về màu sắc, ánh sáng, bút pháp. Khả năng biểu đạt của chất liệu sơn dầu cho phép hoạ sĩ đi đến tận cùng việc diễn tả ý đồ, cảm xúc như mong muốn. Trên bề mặt tranh sơn dầu được vẽ bằng các mảng phẳng hoặc diễn tả công phu trau chuốt với lớp màu mỏng mịn hay sự xáo động của các nhát bút đặt cạnh nhau bằng các lớp màu dày, chắc khoẻ. Có thể nói sơn dầu là chất liệu sáng tác chủ lực hiện nay trong đời sống mỹ thuật hiện nay. "Thoạt tiên, người ta tưởng rất phổ biến, bởi vì những người khi bắt đầu bắt tay vào nghề vẽ, kể cả sinh viên đều bắt đầu chất liệu sơn dầu vì đây là chất liệu phổ cập, dễ sử dụng. Nhưng thực ra sơn dầu rất khó nắm bắt kỹ thuật của nó, làm chủ được nó không phải là đơn giản. Sơn dầu tạo có khả năng biểu đạt lớn, nên tạo cho người nghệ sĩ có biên độ sáng tạo rất rộng. Chính vì thế, người nghệ sĩ có thể thoả sức sáng tạo trên chất liệu sơn dầu. Chính vì thế, tranh sơn dầu thể hiện rất rõ nét tài năng của người hoạ sĩ. Với tranh sơn dầu, sức của người hoạ sĩ đến đâu thì lộ ra đến đấy, rất khó giấu những khiếm khuyết. Thế nên có người nói tranh sơn dầu khó tính"- Hoạ sĩ Vi Kiến Thành- Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá- Thể thao- Du lịch) phân tích.

Tranh sơn dầu và sức hút với các thế hệ hoạ sĩ

Từ Đà Nẵng ra hội tụ cùng đồng nghiệp tại triển lãm, hoạ sĩ Hà Dư Anh - tác giả của bức tranh Nắng chiều" cho biết anh chuyên sáng tác tranh bằng chất liệu sơn dầu vì nó giúp người nghệ sĩ theo kịp được nhịp điệu của cuộc sống, thể hiện được nhanh ý tưởng nắm bắt được trong cuộc sống và thể hiện thành công những điều cảm nhận trong cuộc sống.

170 tác phẩm trưng bày tại triển lãm được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) chọn lựa trong số 1.030 tác phẩm của 549 tác giả từ 45 tỉnh, thành phố gửi về tham dự Triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam 2008. Đây thực sự là cuộc ra quân hùng hậu để chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về nghệ thuật sơn dầu. Hoạ sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN nhận xét: "Ở đây chúng ta thấy được sự chuyển biến trong phong cách nghệ thuật, chuyển biến từ tìm tòi về bút pháp rồi về hình thức nhưng vẫn gắn với cuộc sống, đề tài phong phú. Ở đây ta có thể thấy những tác phẩm vẽ rất thực, có những tác phẩm rất hiện đại. Nhưng có những tác phẩm nhìn vào đó là những cảm xúc, những nét bút, mảng màu. Triển lãm lần này là những tác phẩm hoàn toàn mới trong những năm gần đây, nghĩa là từ sau thời kỳ đổi mới đến thời kỳ hội nhập quốc tế và do đó trẻ trung hơn, mạnh mẽ hơn, cảm xúc cũng lạ hơn".

Đồng nhất với ý kiến này, ông Hoàng Đức Toàn - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch) cho rằng: "Các thế hệ đi trước thường vẽ bằng cảm xúc trên cơ sở hình và màu có chọn lọc, có lựa chọn, theo bút pháp tả thực. Anh em hoạ sĩ trẻ thì tiếp cận nhiều phương thức mới công với cảm xúc của mình. Nhịp sống ngày nay đã thay đổi rất nhiều, nhanh hơn, nên biểu hiện của anh em là mảng, màu, hình bằng cảm xúc, không phải là hình cụ thể. Đó là thay đổi về tư duy. Tôi nghĩ điều này cũng là điều phản ánh qui luật một cách tự nhiên. Và ở triển lãm này, mỗi thế hệ đều có thành tựu của mình, đều có dấu ấn của mình và đều lao động tích cực, mang lại hơi thở mới trong triển lãm này. Chúng tôi đề cao những tìm tòi, sáng tạo của mỗi tác giả".

Đề tài của các tác phẩm trong triển lãm đều gắn với đời sống. Những biểu hiện của nó rất khác nhau: Từ những trăn trở, những nhìn nhận trong cuộc sống, từ lao động, từ các phiên chợ, đến việc thể hiện phong cảnh thiên nhiên, đất nước, vẻ đẹp con người, sự trân trọng các giá trị lịch sử..., đều được các hoạ sĩ đề cập với một thái độ trân trọng, tìm tòi, nhưng mỗi cách biểu đạt của mỗi hoạ sĩ khác nhau rất nhiều. Không chỉ nhận được sự hưởng ứng tích cực của các hoạ sĩ trong cả nước, với số lượng lớn, mà triển lãm có nhiều tác phẩm công phu, khuôn khổ lớn: 1,5 mét x 1,5 mét, 2 mét x 2 mét.

Sức sống mạnh mẽ của dòng chảy tranh sơn mài từ các hoạ sĩ thế hệ mở đường như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Lương Xuân Nhị... tạo nên một phong cách sơn dầu VN giàu bản sắc dân tộc vẫn đang được các thế hệ tiếp theo tiếp thu và phát huy tinh hoa sơn dầu Việt. Tất nhiên, mỗi một thế hệ có một quan niệm, có một cách tiếp cận hiện thực khác nhau, nhưng họ đã làm chủ được chất liệu, kỹ thuật. Sơn dầu là chất liệu quí hiếm, đắt tiền. Trước đây những trung tâm mỹ thuật lớn thì người ta mới làm như: HN, TPHCM, Đà Nẵng, Huế... nhưng ở triển lãm này đáng mừng là thấy chất liệu sơn dầu đã phổ cập. Đáng mừng là có một thế hệ hoạ sĩ trẻ yêu chuộng sơn dầu. “Dẫu chưa đủ để mở sang một trang mới, một thời kỳ phát triển mới của sơn dầu Việt nhưng từ sân chơi này, từ những tín hiệu mới chỉ được nhen nhóm, thấp thoáng này cũng đủ để nuôi hy vọng, biết đâu 5- 10 năm sau mỹ thuật Việt Nam sẽ có được những tài năng chạm tới được những đỉnh cao mà các thế hệ hoạ sĩ tiền bối đã làm được với sơn dầu”...- Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn tin tưởng.

Và như lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng, "Thông qua triển lãm để mỗi nghệ sĩ có được những kinh nghiệm trong sáng tác, chuẩn bị tốt hơn cho những tác phẩm tiếp theo, đặc biệt là trong những hoạt động mỹ thuật lớn như Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010 và kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam 2008 góp phần phát hiện đội ngũ hoạ sĩ trẻ tuổi yêu nghệ thuật sơn dầu. Họ sẽ tiếp tục khơi nguồn dòng chảy sơn dầu giàu bản sắc của dân tộc VN để "đối thoại" với khu vực và thế giới./.

Mai Hồng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất