Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 6/11/2008 20:27'(GMT+7)

Bảo tồn di sản văn hóa thế giới Hội An: Những mục tiêu cấp thiết

Theo Đề cương “Dự án đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch” do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung tư vấn thiết kế, mục tiêu chính của Dự án là bảo tồn khu phố cổ lâu dài, bền vững; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa (vật thể và phi vật thể) của đô thị cổ Hội An một cách cân đối, hài hòa, bền vững, làm cơ sở để Hội An trở thành một trung tâm văn hóa - kinh tế lớn của Quảng Nam; một điểm đến quan trọng, không thể thiếu trong con đường di sản miền Trung của hoạt động du lịch.

Quy mô của Dự án đối với di sản văn hóa vật thể là khoanh vùng bảo vệ khu phố cổ Hội An theo hồ sơ khoanh vùng của Trung tâm Quản lý bảo tồn di tích Hội An (gồm 3 vùng là: vùng bảo vệ đặc biệt, vùng chỉ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo di tích và thắng cảnh rộng 25ha và vùng bảo vệ cảnh quan, diện tích khoảng 28ha). Từ đó đề xuất quy hoạch-kiến trúc cho các vùng ngoại vi ảnh hưởng trực tiếp đến khu phố cổ (vùng đệm) nhằm giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An hiện tại và tương lai. Công tác tu bổ bảo tồn bao trùm toàn bộ đô thị cổ và các điểm văn hóa xung quanh (các làng nghề, làng cổ, di tích, di chỉ khảo cổ). Đối với di sản văn hóa phi vật thể là tìm tòi, thống kê, lưu trữ, tổ chức xuất bản, đưa sản phẩm vào phục vụ sinh hoạt... những giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng của vùng đất Quảng Nam được thể hiện đặc thù tại vùng đất Hội An. Tổng vốn đầu tư cho Dự án là gần 1.100 tỷ đồng. Dự kiến thực hiện trong 12 năm (từ 2009 đến 2020).

 Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải: Việc triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị đô thị cổ Hội An là rất cấp thiết và mang tính chiến lược lâu dài nên cần phải chớp lấy thời cơ thu hút đầu tư. Mục tiêu của dự án cần cụ thể, đặt thời gian thực hiện ở từng gian đoạn cho mỗi mục tiêu. Ngoài việc bổ sung các lý do thuyết phục, các ngành chức năng phải tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân đã từng gắn bó với Hội An để dự án hoàn thiện hơn.

Đây là dự án tiếp nối “Dự án tổng thể đầu tư bảo tồn tu bổ và khai thác di tích đô thị cổ Hội An giai đoạn 1997-2005” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Tiến sỹ Trần Minh Đức, Giám đốc Phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền Trung: “Trong những năm qua, công tác phát huy giá trị văn hóa phi vật thể chưa được chú trọng, cùng với sự bổ sung các địa chỉ văn hóa mới tại đô thị cổ Hội An. Nếu kết hợp tốt sự phát triển văn hóa phi vật thể và vật thể với phát triển du lịch thì có thể xóa bỏ được tình trạng nghèo nàn về nội dung tham quan, hưởng thụ văn hóa tại Di sản văn hóa thế giới Hội An”.

Tại cuộc họp góp ý đề cương Dự án, ông Phùng Tấn Đông, chuyên viên Trung tâm Văn hóa thông tin Hội An cho rằng, định hướng tu bổ và tôn tạo di sản Hội An của dự án với việc phục hồi diện mạo của thương cảng Hội An trước đây là khó khả thi bởi khó có tiêu chí, cơ sở nào mô tả chính xác diện mạo của Hội An cách đây đã hơn bốn trăm năm. Và, việc tôn tạo và bảo tồn Hội An cần phải đạt đến sự hài hòa giữa đương đại và truyền thống. Nếu chỉ chú trọng đến truyền thống sẽ lặp lại vấn đề “giả cổ” như lâu nay. Còn Phó Giám đốc Sở Xây dựng, ông Hoàng Sừ thì cho biết, phải đặt yếu tố “bảo vệ” lên hàng đầu trong việc qui hoạch, bảo tồn, tôn tạo, bởi Hội An đang đối mặt với các nguy cơ đáng lo ngại như nguy cơ cháy nổ, đô thị hóa, mối mọt, thiên tai... Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cũng tỏ ra lo ngại cho những nguy cơ đang là nỗi lo lớn của Hội An và cho rằng, những mục tiêu của các dự án bảo tồn và tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Hội An cần chú trọng đến các nguy cơ trước mắt.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả cho biết, các hội nghị thường niên của Ủy ban Di sản thế giới và UNESCO,  thường lên danh sách phân loại 3 nhóm di sản là: Di sản mới sẽ được công nhận, di sản có nguy cơ và nhóm danh sách các di sản sẽ bị tước công nhận. Điều đó cho thấy, việc bảo tồn, bảo vệ, phát huy Di sản thế giới Hội An là rất cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, việc đầu tư, thực hiện dự án phải đảm bảo Luật Di sản và công ước quốc tế. Đồng chí Trần Minh Cả cho rằng, giữ gìn, phát huy Hội An ngoài qui mô 3 vùng còn phải mở rộng ra các vùng khác ở qui mô phi vật thể; cần làm rõ nội dung và tên các giải pháp, chú trọng đến các mục tiêu phòng tránh thiên tai, cháy nổ, môi trường, mối mọt, áp lực đô thị hóa... Ngoài việc gấp rút hoàn thiện đề cương dự án, đơn vị tư vấn cần bổ sung những lý do thuyết phục hơn bởi đặc thù của di sản Hội An là “di sản sống” cần có phương án bảo vệ kịp thời để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2009./.
(Báo Quảng Nam)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất