Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 10/11/2008 16:4'(GMT+7)

Bên trong chưa chiếu, bên ngoài đã có đĩa lậu

Một số bản phim “lậu” được chiếu trước thời điểm phim chiếu rạp

Một số bản phim “lậu” được chiếu trước thời điểm phim chiếu rạp


Tuy nhiên, có một “nạn nhân” khác của nạn in sang băng đĩa lậu lâu nay vẫn “im hơi lặng tiếng” - đó là các nhà phát hành phim chiếu rạp cũng đau đầu vì chuyện phim chưa chiếu ở rạp thì bên ngoài đã có đĩa lậu.  

Đĩa lậu: đầy đủ, chỉ thiếu mỗi... tem lưu hành

Thời gian qua, với sự năng động, nhạy bén của các nhà nhập khẩu phim và phát hành phim trong nước, khán giả Việt đã có thể thưởng thức được rất nhiều phim mới của điện ảnh thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Nhiều “bom tấn” của điện ảnh thế giới: Xác ướp Ai Cập, Anh hùng thành Rome, Chúa tể của những chiếc nhẫn, Anh hùng thành Troy... của điện ảnh Mỹ, Âu đến các bộ phim nổi tiếng châu Á: Anh hùng, Thập diện mai phục, Kungfu, Thần thoại, Giang sơn mỹ nhân, Lăng mộ Tần Vương – Xác ướp 3, Họa bì...

Những bộ phim này trước khi về đến Việt Nam đã được các nhà nhập khẩu và phát hành phim trong nước thông qua các kênh truyền thông quảng bá cho các bộ phim này trong một thời gian dài trước khi phim được công chiếu chính thức tại rạp. Thông thường, một bộ phim, nhất là phim nhập từ nước ngoài về và là những bộ “bom tấn” thì bao giờ  đơn vị phát hành phim đã quảng bá cho bộ phim, đồng thời trước ngày phim được chiếu đồng loạt tại các rạp, chính thức ra mắt khán giả thì khoảng 1 tuần lễ trước đó đã tổ chức sự kiện ra mắt phim với giới truyền thông và các đơn vị liên quan. Chính vì vậy, các bộ phim khi được chiếu rạp thì khán giả đã có thể tiếp cận được thông tin khái quát về nội dung và các minh tinh, siêu sao màn bạc nào tham gia bộ phim này. Nắm bắt được tâm lý háo hức chờ đợi của các bộ phim sắp chiếu, thời gian gần đây, trên thị trường băng đĩa lậu đã xuất hiện rất nhiều phim chưa chiếu rạp  nhưng đã có đĩa DVD bán trên thị trường.

Điểm qua một số bộ phim được chiếu rạp gần đây, có rất nhiều bộ phim chưa ra mắt báo giới nhưng bên ngoài đã xuất hiện đĩa này bán tràn lan trên thị trường. Người ta vẫn còn nhớ bộ phim Mười của Hãng phim Phước Sang hợp tác với một đối tác Hàn Quốc thực hiện đã phải “dở khóc dở mếu” khi phim đến cuối tháng 12. 2007 mới được công chiếu tại các rạp thì bên ngoài, bộ phim này đã có mặt ở các kệ băng đĩa từ tháng 8.2007. Lý do bộ phim này “lọt” ra ngoài trước khi ra mắt khán giả là bộ phim đã được chiếu tại xứ sở Kim Chi trước khi chiếu rạp Việt Nam. Khi đó, ông bầu Phước Sang đã phải cố vớt vát bằng cách tuyên bố bản phim sắp chiếu sẽ khác với bản phim “đĩa lậu”. Tuy nhiên, đến khi phim được chiếu chính thức thì so ra 2 bản phim này chỉ là... một. Hậu quả bộ phim này sau đó đã không có được doanh thu tốt bằng các bộ phim được chiếu trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua như: Nụ hôn thần chết, Em muốn là người nổi tiếng... Tuy nhiên, đó là chuyện phim trong nước, rủi ro lớn hơn mà các nhà nhập khẩu và phát hành phim trong nước hiện nay đang mắc là các bộ phim mà các đơn vị này mua lại từ các hãng nước ngoài. Trong khi phim chưa ra mắt rạp thì bên ngoài đã có phim đĩa lậu. Điển hình trong thời gian gần đây là các bộ phim: Giang sơn mỹ nhân, Đại chiến Xích Bích, Họa bì… 

Các bộ phim này chưa chiếu rạp đã có bày bán ở ngoài thị trường trước khi phim được chiếu chính thức từ 1 -2 tuần trước. Có dịp đối chiếu với bộ phim lậu và phim được chiếu chính thức tại rạp, người ta nhận ra, cả 2 bản phim này đều là một. Thậm chí, có những bộ phim khi chiếu rạp chỉ có phụ đề không có thuyết minh, nhưng khi xem trên đĩa lậu có đầy đủ cả chế độ  thuyết minh lẫn phụ đề. Phim còn  có cả potter, hình ảnh bắt mắt kèm theo giới thiệu hãng sản xuất, diễn viên chính và nội dung tóm tắt của bộ phim, chỉ trừ là không có tem lưu hành và phổ biến phim của cơ quan quản lý văn hoá. Các phim này được bày bán công khai trên các kệ đĩa ở một số cửa hàng băng đĩa tại đường Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quang Khải (Q1 – TP.HCM) và cả ở đội quân bán dạo lề đường. Đĩa được sao chép theo chất lượng DVD do đó, nếu là bản phim đẹp sẽ có chất lượng hình ảnh rất sắc nét và được bán đồng giá 10.000đ – 15.000đ/chiếc tuỳ theo mua ở cửa hàng hay mua ở những người bán dạo.

Điển hình như bộ phim Họa bì – một bộ phim được đánh giá là “bom tấn” của Trung Quốc hiện vẫn đang chiếu ở các rạp. Trước khi nhà nhập khẩu và phát hành phim này là BHD có một buổi Event ấn tượng ra mắt bộ phim vào ngày 20.10 tại rạp Thăng Long và công chiếu chính thức vào 4 ngày sau đó thì ở ngoài thị trường, khán giả đã có bản phim này bằng đĩa DVD và đĩa này bán rất chạy vì trước đó giới  truyền thông đã quảng bá bộ phim này một cách rầm rộ. Khi xem qua thì đây là bản phim camera (được quay lén khi phim chiếu tại rạp) có lẽ khi bộ phim ra ở Trung Quốc cách đó 1 tháng, tuy chất lượng hình ảnh không đạt, nhưng có cả thuyết minh, phụ đề hẳn hoi. Hay mới đây nhất, bộ phim hành động Xin đừng gác máy vừa được BHD cho ra mắt báo giới vào đầu tuần này trước khi được khởi chiếu chính thức vào ngày  7.11.2008 thì hiện nay, bộ phim này đã có bản đĩa lậu được bày bán tràn lan và được khá nhiều người lùng mua.

Biết, nhưng chưa có phương án khắc phục

Đem câu hỏi này đặt ra với một đại diện nhà nhập khẩu phim mạnh ở Việt Nam hiện nay thì được khẳng định: chuyện này hãng đã biết nhưng vẫn chưa có phương án khắc phục được. Lý do mà đại diện này đưa ra làm phim nước ngoài thương thảo khi về đến Việt Nam để đưa đến rạp phục vụ khán giả phải trải qua nhiều khâu từ thương thảo ký kết đến việc vận chuyển, sau đó còn phải qua khâu kiểm duyệt nội dung trước khi phim được chiếu rộng rãi đến công chúng. Để bộ phim đến được với khán giả tại các rạp một cách nhanh nhất thì bộ phim cũng bị chiếu chậm so với thế giới thường ít nhất phải mất 3 – 4 tuần. 

Trong khi đó, khi phim được chiếu ở nước ngoài thì đầu nậu sẽ tìm nguồn phim trên Internet hay bằng con đường tiểu ngạch, xách tay từ nước ngoài mang về Việt Nam sau đó in lại potter, làm phụ đề thuyết minh rồi bán ra thị trường.

Trong bối cảnh nhập khẩu và phát hành phim hiện nay, để khắc phục tình trạng trên chỉ có cách chiếu cùng thời điểm với các nước? Tuy nhiên, đây là một giải pháp khó khả thi vì quy trình nhập phim đến khi phim chiếu rạp hiện không cho phép. Trường hợp nếu rút ngắn được thời gian này thì các nhà nhập khẩu phim cũng sẽ “vướng” chướng ngại lớn hơn là kinh phí mua phim sẽ không thể nào kham nổi. Do đó, một giải pháp tránh thiệt hại đến nhà nhập khẩu và phát hành phim là kêu gọi sự vào cuộc của các đơn vị quản lý văn hoá tăng cường kiểm tra thị trường băng đĩa và kêu gọi khán giả “nói không” với các bản phim “lậu”. Tuy nhiên điều này xem ra nói thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào.

Cao Hoài An

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất