Thứ Sáu, 27/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Tư, 22/2/2012 16:17'(GMT+7)

Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập

 Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; các nhà báo lão thành và hơn 150 đại biểu là các nhà báo, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và nghiên cứu sinh ngành báo chí.

Với 54 tham luận gửi đến hội thảo, các nhà báo, nhà khoa học đã đóng góp những kết quả nghiên cứu vừa mang tính lý luận chuyên ngành, vừa mang tính thực tiễn sâu sắc, có ý nghĩa thiết thực đối với hoạt động báo chí, cả trong tác nghiệp, quản lý báo chí và trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ nhấn mạnh: Văn hóa và báo chí – truyền thông có mối quan hệ khăng khít, biện chứng. Báo chí là bộ phận của văn hóa nhưng báo chí cũng sáng tạo ra và phổ biến văn hóa, lưu truyền văn hóa… Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của báo chí cách mạng Việt Nam từng dạy: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến người làm báo chí”. Do vậy, người làm báo phải hiểu văn hóa, có văn hóa, coi hoạt động báo chí không những là hoạt động chính trị - xã hội, mà còn là một hoạt động mang đậm tính văn hóa. Chúng ta tự hào trong làng báo Việt Nam đã có những nhà báo được đồng nghiệp, được công chúng ngưỡng mộ, đón nhận như những nhà văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế cũng còn có những nhà báo coi nhẹ tính văn hóa, yêu cầu về văn hóa trong hoạt động nghề nghiệp.

Bàn về “Văn hóa truyền thông và truyền thông có văn hóa”, GS. Hà Minh Đức cho rằng: Văn hóa truyền thông phải góp phần bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao những giá trị nhân văn của truyền thống văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại. Truyền thông văn hóa phải đảm bảo tính trung thực, không bịa đặt; tránh khuynh hướng thực dụng, thương mại hóa; đồng thời, cần nâng cao phê phán cái tiêu cực, cái xấu.

Với nhà báo lão thành Phan Quang, văn hóa báo chí biểu hiện cuối cùng ở hiệu quả xã hội của từng tác phẩm, ở cống hiến của từng người làm báo trong suốt cuộc đời tác nghiệp, ở tác động dài lâu của từng cơ quan báo chí, truyền thông vào tiến trình phát triển. Mối quan hệ văn hóa – báo chí thường là tiềm ẩn, song đấy lại là cái âm thầm, bền bỉ khắc họa nhân cách nhà báo chân chính; là cái hun đúc, kết tinh nên thực chất của nền báo chí quốc gia./.

Việt Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất