Tất cả nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam thời kỳ này được khái quát thành khẩu hiệu chiến lược là "Kháng chiến và kiến quốc". Để kháng chiến và kiến quốc thắng lợi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đoàn kết chặt chẽ các dân tộc lại. Xuất phát từ tư tưởng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Chính phủ đã thực thi nhiều biện pháp để tập hợp, sử dụng những nhân sĩ, trí thức, tìm kiếm nhân tài phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Người nhanh chóng củng cố và chấn chỉnh lại Mặt trận Việt Minh. Các đoàn thể quần chúng và đảng phái dân chủ như Công thương cứu quốc, Sinh viên cứu quốc, Công giáo cứu quốc,v.v. . . theo đó cũng lần lượt được củng cố và mở rộng. Với mục đích tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động cho nhân dân cả nước cũng như tránh sự chia rẽ của kẻ địch đối với đồng bào miền Nam và đồng bào miền Bắc, trước khi lên đường sang Pháp đàm phán, ngày 1 tháng 6 năm 1946, trong thư gửi đồng bào Nam Bộ, Người viết: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi! Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi của tổ tiên ta"(1).
Khi khẳng định 54 dân tộc trên đất nước ta đều là con Lạc, cháu Hồng, đều chung một nguồn gốc, Người chỉ rõ: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Êđê, Xơ đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. . . Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. . . Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta"(2).
Thực hiện quyền làm chủ thực sự thuộc về nhân dân, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh chỉ ra : "Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến Pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống.v.v. . . (3). Theo Người, "Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân được tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử"(4).
Chủ trương tiến hành sớm cuộc Tổng tuyển cử thể hiện tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh và Chính phủ ta. Nó không chỉ là mong muốn của nhân dân cả nước mà còn là việc làm khẳng định dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành nước tự do và độc lập. Để Tổng tuyển cử trở thành ngày hội lớn của toàn dân, ngày 5 tháng 1 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu phát huy quyền làm chủ của mình, tự do lựa chọn bầu ra những đại biểu xứng đáng thay mặt cho mình để gánh vác việc nước .
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần và trách nhiệm của những người làm chủ đất nước, cả dân tộc Việt Nam đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra Quốc hội của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 6 tháng 1 năm 1946.
Đánh giá về thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, Hồ Chi Minh đã nói: "kết quả của sự hy sinh, đấu tranh của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta. . . khòng kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc"(5).
Ngay sau khi được lập ra, Quốc hội nhanh chóng thể hiện sự đồng thuận của mình khi bỏ phiếu thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân cộng hòa ngày 9 tháng 11 năm 1946. Về giá trị của Hiến pháp, Hồ Chí Minh nói đây là "Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà, . . . một vết tích lịch sử Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông . . . Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do" (6 ) .
Cùng với việc hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức của Quốc hội và soạn thảo ra bản Hiến pháp đầu tiên của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chăm lo tới việc xây dựng và củng cố lại lực lượng công an và quân đội. Người coi đó là một nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 21 tháng 2 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL- thành lập Việt Nam công an vụ. Công an có nhiệm vụ tìm hiểu, thu thập những tin tức liên quan đến sự an toàn quốc gia; truy tìm các can phạm để đưa ra tòa án trừng trị. Tiếp đó, ngày 22 tháng 5 năm 1946, Chính phủ ra sắc lệnh số 71/SL về việc đổi Vệ quốc đoàn thành Quân đội quốc gia Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ của Quân đội quốc gia Việt Nam phải "Trung với nước, hiếu với dân". Đó là bản chất cách mạng, là bổn phận thiêng liêng, trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là niềm vinh dự lớn lao của người chiến sĩ trong quân đội quốc gia đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, tự do"(7)
Bên cạnh đó, việc giải quyết nạn đói và nạn dốt cũng được Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm và coi đó là những việc cần làm ngay. Để giải quyết nạn đói nhanh chóng và hiệu quả, Người đã viết nhiều thư gửi đồng bào toàn quốc ra sức cứu đói, hô hào nhân dân chống nạn đói, coi cuộc chống nạn đói cũng như cuộc chống giặc ngoại xâm.
Trong thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!...Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập"(8).
Trước nạn đói ngày càng trầm trọng, trên tinh thần nhường cơm sẻ áo, Người đề nghị với đồng bào cả nước và bản thân Người cũng gương mẫu thực hiện trước: "Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo"(9) với nạn dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"(10), Vì Vậy Người đề nghị phải mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ. Một phong trào những người biết chữ dạy cho những người chưa biết chữ, những người chưa biết chữ gắng học cho biết chữ phát triển rộng khắp trên mọi miền của đất nước. Tháng 9 năm 1945, nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trong thư gửi các em học sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính và nhờ một phần lớn ở công học tập của các em"(11). Nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo tích cực của Chính phủ và sự nỗ lực của toàn dân, chỉ trong một thời gian ngắn chúng ta đã cơ bản giải quyết được nạn đói; nền văn hóa, giáo dục của nước ta nhanh chóng được khôi phục và phát triển. Tính ưu việt của chế độ xã hội mới đã được khẳng định và phát huy.
Đối với giặc ngoại xâm. Đứng trên nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Người đề ra sách lược ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt phù hợp với từng thời điểm lịch sử, nhằm phân hóa kẻ thù, loại trừ từng bước các thế lực thù địch, tranh thủ thời gian để củng cố và phát triển lực lượng của ta. Người đã nhân nhượng một phần yêu cầu của quân Tưởng để tập trung đối phó với thực dân Pháp ở miền Nam, bằng cách mở rộng thêm 70 ghế cho Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội vào Quốc hội không thông qua bầu cử. Hồ Chí Minh và Chính phủ kiềm chế quân Tưởng bằng nhiều biện pháp, trên nhiều bình diện, với nhiều sách lược sắc sảo. Khi Tưởng vào Việt Nam, Hồ Chí Minh nêu khẩu hiệu "Hoa - Việt thân thiện". Các tuyên bố của Chính phủ Việt Nam, các thư điện của Hồ Chí Minh gửi Tưởng Giới Thạch thường khẳng định tình hữu nghị và quan hệ lịch sử, văn hóa truyền thống giữa hai nước. Khi Tưởng tuyên bố không hề có dã tâm gì về lãnh thổ. . . hy vọng Việt Nam sẽ tự trị để dần dần đi tới độc lập", chúng ta nắm lấy tuyên bố này để đối phó với các tướng lĩnh của Tưởng ở miền Bắc.
Hành động nhân nhượng của Chính phủ ta đã thể hiện một yêu cầu cơ bản là giữ vững sự tồn tại của chính quyền của dân, do dân và vì dân, một chính quyền của sự đoàn kết thống nhất để tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp và kiến thiết quốc gia, thực hiện tư tưởng độc lập, tự do của Hồ Chí Minh với khẩu hiệu hành động cấp bách là "Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết". Bằng những sách lược đúng đắn đó, ta đã hạn chế và vô hiệu hóa đến mức thấp nhất mọi hoạt động chống phá của quân Tưởng và tay sai, làm thất bại âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng của chúng.
Còn đối với thực dân Pháp, ta chủ trương chống Pháp - vừa đánh vừa đàm rồi "hòa để tiến". Ngay từ rất sớm, Hồ Chí Minh và Trung ương đã nhận định thực dân Pháp chưa từ bỏ âm mưu trở lại Đông Dương. Tránh một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù trong khi ta vẫn còn yếu, ngày 3 tháng 3 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương họp do Hồ Chí Minh chủ trì đã chọn giải pháp hòa để tiến". Hội nghị phân tích: "Vấn đề lúc này không phải là muốn đánh hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình, biết người, nhận định một cách khách quan những điều lợi hại trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng" Lập trường đàm phán của ta là: độc lập nhưng liên minh với Pháp để "Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của dân ta: chính phủ, quân đội, nghị viện, tài chính, ngoại giao . . . và sự thống nhất quốc gia của ta"(12).
Căn cứ vào lập trường mà Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã xác định, ngày 6 tháng 3 năm 1946, tại ngôi nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, trước đại diện của các nước Trung Hoa, Anh và Mỹ, Hồ Chí Minh và Vũ Hồng Khanh đã ký với Giăng Xanhtơni bản "Hiệp định Sơ bộ", đồng ý để quân Pháp ra miền Bắc và nhượng cho chúng một số quyền lợi khác. Việc đàm phán ký kết Hiệp định Sơ bộ là một thắng lợi ngoại giao rất quan trọng; mở ra một thời kỳ tạm hòa hoãn với Pháp, lấy hòa để biến thời gian thành lực lượng.
Sau Hiệp định Sơ bộ, chúng ta cùng Pháp còn tiếp tục mở hội nghị trù bị ở Đà Lạt ( 19 - 4 đến 11 -5 -1946) rồi Hội nghị Fontainbieau (6-7 đến 12-9-1946) và chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những biện pháp ngoại giao nhằm kéo dài thời gian hòa hoãn. Dù Hội nghị Fontainbieau tan vỡ nhưng Hồ Chí Minh vẫn kiên nhẫn đàm phán với Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước 14-9-1946,v.v. . . để chúng ta có thêm thời gian hòa hoãn, chuẩn bị những điều kiện cần thiết sẵn sàng đánh Pháp và thắng Pháp.
Đúng như tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù chúng ta có nhiều nhân nhượng với Pháp trên nhiều lĩnh vực, nhưng Pháp đã lộ rõ dã tâm xâm lược của mình bằng những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Với tinh thần: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(13) Chủ tịch Hồ chí Minh một lần nữa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, khí phách hào hùng của dân tộc, lôi cuốn cả nước bước vào trường kỳ kháng chiến. Và để 9 năm sau đó, dân tộc Việt Nam đã làm nên một Điện Biên lịch sử lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Thắng lợi đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chính phủ và Trung ương Đảng trong việc lãnh đạo đấu tranh, giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ thời kỳ những năm 1945- 1946 là một nguyên nhân đặc biệt quan trọng, những bài học kinh nghiệm đó vẫn còn mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Lê Huy Du và Lê Văn Phong
(1)(2)(3)(4)(5)(6)(7)(8)(9)(10)(13) Hồ Chí Minh TT, t4 Nxb CTQG. 1995. Tr 246, 217,8,133,189,440,115,31,8,33,480.
(11) văn kiện Đảng 1945- 1954. Tập 1, BNCLSĐTU', Hà Nội. 1978, tr. 26
(12) văn kiện Đảng 1945- 1964. Tập 1, BNCLSĐTU', Hà Nội. 1978, tr. 42.