(TCTG) -Cách mạng - sáng tạo - đổi mới là giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chi Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta và dân tộc ta mà tầm cao trí tuệ đã bao trùm trên nhiều lĩnh vực, nhưng Người chỉ khiêm tốn nhận mình là nhà cách mạng chuyên nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, đã vận dụng những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm của các nước anh em, của bè bạn vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thể nói đổi mới là một nội dung xuyên suốt trong sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh. Sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một sự nghiệp đầy sáng tạo. Sáng tạo trong việc tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, sáng tạo trong những công việc ở tầm chiến lược và cả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội...
Ngay sau nước nhà giành được độc lập, năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hết sức quan tâm đến công việc làm thay đổi toàn diện đời sống xã hội của đất nước. Người chủ trương thành lập ngay Ban Vận động đời sống mới và phát động phong trào thực hiện đời sống mới sâu rộng trong quần chúng. Các đồng chí trong Ban Vận động đời sống mới xin ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh về khẩu hiệu thực hiện đời sống mới, Người nói ngay đó là cần kiệm liêm chính. Người giải thích cần kiệm liêm chính cũng cần thiết như hàng ngày ta ăn cơm và hít thở không khí, phải luôn luôn mới mẻ. Ngay sau khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp bùng nổ trong phạm vi cả nước, Người đã viết cuốn sách nhỏ nhan đề Đời sống mới, ký bút danh Tân Sinh, có nghĩa là “đời sống mới”. Cuốn sách được viết dưới dạng hỏi đáp để quần chúng dễ hiểu. Người chỉ rõ: Trong kháng chiến cứu quốc và đồng thời kiến quốc, thực hành đời sống mới là một điều cần kíp. Thực hành đời sống mới là cần kiệm liêm chính để làm cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới. Ngày nay, đó cũng là mục đích của công cuộc đổi mới đất nước.
Bản Di chúc được Người soạn thảo, bổ sung, sửa chữa và hoàn thành trong 4 năm cuối đời. Đó là những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Điều lớn lao và vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chính trong thời điểm còn đầy những thử thách, hy sinh đối với cả dân tộc ta như vậy, Người đã chỉ ra những định hướng quan trọng mà toàn Đảng toàn dân ta phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành được thắng lợi. Người nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của nhân dân; củng cố quốc phòng; chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc.
Đó là nội dung cơ bản của cả một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bằng thiên tài trí tuệ và khả năng dự báo chiến lược, Người đã cho thấy những khó khăn, phức tạp, gian khổ của công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh và cảnh báo những khả năng mắc phải như bị động, thiếu xót và sai lầm. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, và cũng là rất vẻ vang. Đây là cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân"[1]. Người chỉ rõ “tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” là một công việc cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn nên phải có kế hoạch rõ ràng, chu đáo để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm mà việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Có thể nói tư tưởng đổi mới trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, là chỉnh đốn Đảng.
Mục đích của công việc chỉnh đốn Đảng là để làm tốt hơn nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng. Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng là một việc phải làm thường xuyên, liên tục đối với một chính đảng cầm quyền, nhất là trước những vận hội, thời cơ và cả những thử thách, nguy cơ hay trước những bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng, những cột mốc của lịch sử... Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm của các nước anh em, của bè bạn quốc tế vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hơn thế nữa, Đảng ta cũng luôn sáng tạo từ chính bản thân mình để phát triển hoàn thiện đường lối cách mạng. Sáng tạo từ chính bản thân mình đó là tự đổi mới... Và quá trình tự đổi mới cũng chính là quá trình tự chỉnh đốn Đảng. Đảng ta là Đảng cầm quyền nên tự đổi mới và tự chỉnh đốn luôn luôn là một yêu cầu sống còn. Đảng cầm quyền mà không tự đổi mới và tự chỉnh đốn sẽ dễ trì trệ và mắc sai lầm. Trong bài: Đồng chí Lê Duẩn - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Sau khi kháng chiến thắng lợi đã không kịp thời chỉnh đốn Đảng, thực hiện dân chủ rộng rãi, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết, bồi dưỡng đạo đức cách mạng như Di chúc Bác Hồ đã dặn"[2]. Phải chăng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sai lầm về chủ quan, duy ý chí và sự khủng hoảng kinh tế - xã hội? Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chăm lo đến nhiệm vụ đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng. Trong năm 1947, giữa khói lửa ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, ký bút danh X. Y Z., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê bình thái độ trì trệ, bảo thủ và chỉ rõ trong mọi công việc phải luôn luôn tìm ra những sáng kiến, “chớ khư khư giữ theo “sáo cũ”.
Chủ trương, đường lối của Đảng phải được kiểm nghiệm qua thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng. Những cái đúng cần được phát huy, nếu sai phải sửa chữa kịp thời.
Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng phải bao gồm cả những công việc ở tầm vĩ mô như lãnh đạo hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho đến những công việc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng là phải lo những việc to lớn nh đổi nền kinh tế đến tương cà mắm muối của dân. Tự đổi mới sự lãnh đạo và tự chỉnh đốn Đảng là để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là nhiệm vụ vô cùng khó khăn và phức tạp. Trong bài giảng tại Trường Công an trung ương, tháng 12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đánh đổ giai cấp địch đã khó, đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội còn gian khổ, khó khăn hơn nhiều. Chính vì vậy mà trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng càng phải trong sạch, vững mạnh hơn bao giờ hết.
Hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã có dịp kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển qua các kỳ Đại hội VII (1991), Đại hội VIII (1996), Đại hội IX (2001), Đại hội X (2006) và các kỳ họp hội nghị Trung ương. Sau khi đánh giá khái quát những thành tựu về công tác xây dựng Đảng, chỉ rõ những khuyết điểm cần khắc phục, Đại hội VIII (1996) của Đảng xác định: “Đảng ta phải luôn tự đổi mới và chỉnh đốn”. Đại hội đã đề ra hai nhiệm vụ quan trọng: xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng kinh tế là trung tâm.
Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người để xây dựng Đảng trong sạch, mạnh mẽ đang là một yêu cầu bức xúc của toàn Đảng, toàn dân ta. Vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu hình ảnh tổ chức Đảng như cỗ máy phát điện làm ra ánh sáng và năng lượng để vận hành mọi công việc của đất nước. Người đã dày công chuẩn bị cho công việc thành lập Đảng ta về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đặt nền móng cho công tác chỉnh đốn Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức.
Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng về tư tưởng là làm cho hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta; giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tổ chức học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng một cách hệ thống và có hiệu quả thiết thực. Trong bài giảng tại lớp huấn luyện đảng viên mới của Thành uỷ Hà Nội ngày 14 - 5 - 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Muốn xây dựng chi bộ “bốn tốt” thì phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên. Muốn có lập trường vô sản vững chắc, thì đảng viên phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng. Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học tập văn hoá, kỹ thuật và nghiệp vụ.
Học tập lý luận cũng phải theo tinh thần đổi mới, trước hết là phải nhận thức đúng về chủ nghĩa Mác - Lênin trên mọi phương diện. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối chính sách của Đảng là phải tạo nên sức mạnh vật chất, từ tổng kết thực tiễn, khái quát thành những vấn đề lý luận để đưa cuộc sống vào nghị quyết.
Hơn 20 năm thực hiện đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng bộc lộ những mặt yếu kém, khuyết điểm cần sửa chữa, khắc phục. Bằng thái độ khách quan và dũng cảm, Đại hội IX của Đảng đã tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật đau lòng đó: “Điều cần nhấn mạnh là: tình trạng tham nhũng và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, gây bất bình và làm giảm lòng tin trong nhân dân”[3]. Vì vậy, trong điều kiện cơ chế thị trường, kinh tế nhiều thành phần, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế về kinh tế, văn hoá, giáo dục… , công tác chỉnh đốn Đảng phải gắn với việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một luận điểm mà nó đã trở thành châm ngôn về xây dựng chủ nghĩa xã hội: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa. Cùng với việc mở rộng cuộc vận động người tốt việc tốt, chúng ta phải coi đó là tiêu chí rèn luyện, phấn đấu để cán bộ, đảng viên phải là những con người xã hội chủ nghĩa. Làm theo lời dạy của Người là phương pháp học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập Di chúc của Người thiết thực nhất, hiệu quả nhất. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên học tập chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhưng việc học tập phải đem lại những kết quả thiết thực. Những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin phải đi vào cuộc sống và trở thành sức mạnh vật chất. Đồng chí Vũ Kỳ kể lại: "Ngày 14 - 5 - 1966, vào lúc 8 giờ, Bác đến nói chuyện với lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành uỷ Hà Nội tổ chức tại trường Chu Văn An. Là người sáng lập Đảng, tự tay vun trồng những mần non của Đảng ngay từ những ngày đầu tiên, mỗi lần được gặp các thế hệ đảng viên mới, Bác cũng rất vui, cảm thấy như mình được trẻ lại. Trong buổi gặp mặt hôm ấy, sau khi nói xong bài nói đã chuẩn bị sẵn, Bác nói thêm một câu thật thấm thía: Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác - Lênin mà sống với nhau không có tình, có nghĩa thì chỉ là giáo điều, sách vở"[4]. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập Di chúc của Người cũng như vậy. Nghiên cứu nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, viết nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh, nói nhiều về tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng không làm theo lời Người dạy thì cũng cả có ý nghĩa gì. Có lẽ cán bộ, đảng viên chúng ta ai cũng nhớ lời dạy của Người là “các cơ quan Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân”; “phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Nhưng làm được như vậy thì thật là vô cùng khó khăn.
Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng về chính trị là kiên định con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ (khoá VII), năm 1994, đã chỉ rõ những nguy cơ mà Đảng và nhân dân ta phải phấn đấu vượt qua, trong đó có nguy cơ chệch hướng và diễn biến hoà bình. Trong những bài học kinh nghiệm mà Đại hội VIII đã tổng kết sau 10 năm đổi mới, bài học về giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội được đưa lên hàng đầu. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là bài học xuyên suốt trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng. Nhưng do đặc điểm và xu thế của thời đại nên ngày nay phải nhận thức cho đúng và đầy đủ về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta không chỉ phấn đấu cho nền độc lập về lãnh thổ mà còn độc lập về chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh - quốc phòng. Đó chính là độc lập toàn diện và đầy đủ. Chỉnh đốn Đảng trong điều kiện cơ chế thị trường, lấy hiệu quả công việc làm thước đo sự tiến bộ của trật tự xã hội là phải nhận nhận thức đúng về mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng về tổ chức là tăng cường sức chiến đấu của Đảng từ trung ương đến cơ sở. Trong lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã có những bước trưởng thành quan trọng về bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo, nhưng về tổ chức vẫn còn nhiều khuyết điểm, hạn chế. Đại hội X của Đảng nhận định: “Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình trong các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản, chưa góp phần tích cực ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu”[5]. Đại hội tiếp tục xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có hiệu quả thiết thực nhất là phải dựa vào quần chúng. Đảng ra đời trong phong trào cách mạng của quần chúng và ngày càng trưởng thành cũng qua quá trình lãnh đạo phong trào quần chúng. Nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chính là dựa vào mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân.
Đổi mới sự lãnh đạo và chỉnh đốn Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang là một nhu cầu bức xúc của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, trước hết là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng trong bản Di chúc lịch sử của Người luôn luôn là một di sản vô giá.
PGS, TS Phùng ĐứcThắng
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, Hà nội, 1996, tr. 505.
[2] Võ Nguyên Giáp: Đồng chí Lê Duẩn - người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng Việt Nam, trong sách Lê Duẩn, một nhà cách mạng lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, NXB CTQG, Hà Nội, 2002, tr. 40.
[3] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, Hà Nội, 2001, tr. 15.
[4] Vũ Kỳ: Bác Hồ viết di chúc, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr. 56-57.
[5] Đảng CSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 268.