Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 30/9/2009 17:26'(GMT+7)

Bài hát cho thiếu nhi hiện nay

Thiếu nhi rất thích ca hát, hoạt động này đối với các em là một nhu cầu cấp thiết, tự nhiên. Các nhà giáo dục học đã từng nhận định: Giáo dục đạo đức nhân cách cho trẻ em bằng âm nhạc có một hiệu quả đặc biệt.

Ở nước ta hiện nay, đời sống âm nhạc nói chung chủ yếu vẫn ở lĩnh vực thanh nhạc. Đối với thiếu nhi, điều này càng rõ. Chúng ta đã có rất nhiều bài hát hay trong mấy chục năm qua, góp phần dạy dỗ các em về tâm hồn trí tuệ. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, nếu sự nỗ lực của giới nhạc sĩ sáng tác và các cơ quan phổ biến tác phẩm không có sự gia tăng, chắc chắn không thể đáp ứng được đòi hỏi tự nhiên về âm nhạc của trẻ em.

Mấy năm gần đây, do một số nguyên nhân nào đó, bài hát dành cho thiếu nhi dường như số lượng không nhiều và chất lượng thì có phần giảm sút. Trong các hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi hoặc học sinh phổ thông, rất ít thấy xuất hiện những sáng tác mới, hay của các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Thường các em đưa lên sân khấu những bài hát từ 3 nguồn: Một là: hát lại những bài hát hay, nổi tiếng, ra đời từ rất lâu, vẫn còn lưu truyền đến hôm nay. Hai là: do những người sáng tác không chuyên, chủ yếu là người dàn dựng chương trình “tự biên” kịp thời “lấp chỗ trống” và cũng tiện dịp giới thiệu mình. Ba là: một số em ở độ tuổi thiếu niên đã hát ca khúc dành cho người lớn. Việc thiếu vắng những sáng tác mới, có giá trị chất lượng đã làm giảm sút hiệu quả những liên hoan, hội diễn, làm nghèo nàn sinh hoạt âm nhạc của các em.

Trước đây, một số cơ quan như Uỷ ban thiếu niên-nhi đồng TW, Hội nhạc sĩ Việt Nam, Đài phát thanh thường phối hợp tổ chức các cuộc vận động sáng tác bài hát cho thiếu nhi, do đó thu thập được nhiều tác phẩm cho các em và kích thích phong trào sáng tác. Nhưng từ năm 1979 - Sau cuộc vận động của Uỷ ban năm quốc tế thiếu nhi - không thấy có cuộc vận động chính thức nào khác. Thỉnh thoảng cũng có một vài cuộc nhưng do một số cơ quan đoàn thể nào đó đứng ra “com măng” một vài tác giả đã quen biết, chứ không vận động rộng rãi, và chủ yếu nhằm tuyên truyền cho cơ quan đoàn thể, địa phương mình.

Cần thấy một điều, các cơ quan phổ biến tác phẩm âm nhạc là cực kì quan trọng đối với việc hấp thụ bài hát, trong đó các đài phát thanh, truyền hình có vị trí đặc biệt. Cần ghi nhận từ khi có 2 phương tiện thông tin trên, rất nhiều bài hát mới đến được với các em. Nhưng một thực sự cũng nên được xem xét: Việc sử dụng phổ biến những bài hát mới chủ yếu vào những dịp kỉ niệm hoặc có sự kiện thời sự chính trị nào đó. Còn những ngày tháng bình thường trong năm, nhất là những năm gần đây hầu như rất ít giới thiệu tác phẩm mới.

Chúng ta đều biết mọi khái niệm về tư tưởng đạo đức đối với các em chỉ có thể chuyển hoá, thuyết phục được trong một tác phẩm âm nhạc nhờ cậy vào hiệu quả của thẩm mĩ âm nhạc; bởi vậy, chất lượng bài hát vẫn phải được coi trọng hàng đầu. Bài hát ấy đề cập đến cái gì, biểu hiện vấn đề gì đã là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải là biểu hịên như thế nào, với một giai điệu một ngôn ngữ âm nhạc ra sao. Đối với tuổi thơ, tốt nhất là những bài hát hãy nói đến những gì gần gũi, thân thiết nhất với đời sống tâm hồn các em: Cảnh đẹp thiên nhiên, quê hương xứ sở, những quan hệ tình cảm đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột, mái trường, thầy cô bè bạn... mở rộng hơn nữa là những ước mơ về tương lai. Những chủ đề lớn như nói về Tổ quốc, Đảng, lãnh tụ, những sự kiện chính trị, truyền thống lịch sử đương nhiên là cần thiết nhưng cần chuyển hoá nội dung để phù hợp với khả năng thẩm thấu của các em, không thể như cách nói đối với người lớn.

Ngoài việc tạo dựng nên những ngôn ngữ âm nhạc đẹp, trong sáng, phù hợp với tuổi thơ hồn nhiên, người sáng tác phải đặc biệt dày công trong việc xây dựng lời ca. Những khái niệm trừu tượng, từ ngữ sáo mòn sẽ xa lạ và không thể khiến các em cảm thụ. Ý tứ văn học độc đáo, lời lẽ giản dị tự nhiên, giàu hình tượng, đậm chất thơ là một yêu cầu không thể thiếu đối với việc soạn lời ca. Nhìn vào khối lượng phong phú bài hát cho các em suốt mấy chục năm qua, những bài có phần lời (ca từ) đạt yêu cầu trên không nhiều, ngay cả những bài có giai điệu hay được các em truyền tụng. Tình trạng kể lể rông dài ôm đồm nhiều nội dung, rao giảng răn dạy quá nhiều điều, thuyết minh tuyên truyền những chủ điểm thời sự chính trị vẫn còn khá phổ biến ở nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi. Trẻ em thu nhận thế giới xung quanh bằng đôi mắt trẻ thơ, cảm nhận mọi điều từ trái tim non trẻ của chúng chứ không bằng những gì người lớn muốn áp đặt cho chúng. Vậy nên sáng tác cho thiếu nhi là công việc khó khăn, nhất là những tác giả chỉ quen tư duy suy tưởng theo cảm quan cá nhân và tự cho rằng đó là quy luật, là chân lý.

Hiện nay, có một thực tế rất cần giới sáng tác để tâm suy nghĩ: Đối với người lớn, bài hát để giải trí, phục vụ sinh hoạt vui chơi thư giãn có phần lấn át những tác phẩm ca khúc có giá trị tư tưởng tình cảm sâu sắc trong khi với trẻ em lại tỏ ra “cứng”, “già” với những bài ca chuyển tải quá nhiều nội dung chính trị giáo huấn. Lẽ ra phải ngược lại mới đúng. Cái thiếu nhi cần thì lại thiếu. Với trẻ em, chỉ cần sáng tạo nên những bài hát có giai điệu đẹp, dễ nhớ, dễ hát, hấp dẫn, đề cập đến những tình cảm, sinh hoạt gần gũi với đời sống thường ngày như đã nói ở trên là rất bổ ích. Giáo dục có hiệu quả nhất với tuổi thơ là thông qua việc bồi dưỡng mĩ cảm, chứ không thể trực tiếp áp đặt theo con đường lí trí. Tình hình đang phổ biến là giới sáng tác dường như sao nhãng điều này.

Vấn đề cần thiết cấp bách cuối cùng phải đạt được: Ra đời nhiều bài hát mới, hay cho thiếu nhi. Việc ấy liên quan đến những cơ quan đoàn thể, đến công tác tổ chức vận động sáng tác. Nếu chẳng có tổ chức cơ quan nào động tĩnh thì khó hy vọng giới nhạc sĩ bỗng nhiên cho ra tác phẩm. Và một lẽ dễ hiểu nữa là: Sáng tác ra để làm gì, đưa đến đâu, làm sao để có thể đến được với các em? Tất cả mọi việc mang tính chất tổ chức, “bà đỡ” cho sáng tác ấy phải thuộc về những cơ quan có trách nhiệm. Trước hết là Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Uỷ ban thiếu niên nhi đồng, Bộ GD-ĐT, Hội nhạc sĩ, các đài phát thanh-truyền hình./.

Kiều Thẩm - Đình San

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất