Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 13/6/2011 21:28'(GMT+7)

Bản lĩnh người lính trong văn học phải được phát huy

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất.

Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quân lần thứ nhất.

Đây là lần đầu tiên những nhà văn, chiến sĩ ở độ tuổi còn rất trẻ được tề tựu đông đủ dưới một mái nhà để được nói lên tiếng nói của lòng mình và nghe các thế hệ nhà văn “gạo cội” như: Chu Lai, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân… đàm đạo, nói chuyện văn chương. Hội nghị diễn ra trong một bầu không khí thân tình, cởi mở và đậm chất lính.

“Đây là một cuộc hội ngộ của những người viết trẻ và cũng là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi về nghề đồng thời cũng là dịp để các nhà văn trình bày những suy nghĩ, trăn trở, nguyện vọng của mình. Tôi nghĩ rằng những người viết văn trẻ trong quân đội đang sở hữu một điều thuận lợi, đó là sự ưu ái của quân đội đối với lớp trẻ, một sự ưu ái có truyền thống suốt mấy chục năm qua, biểu hiện rõ nhất bằng sự quan tâm của lớp nhà văn đi trước với lớp đàn em”, Đại tá, nhà văn Ngô Vĩnh Bình – Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Quân đội nhấn mạnh.

Nhà văn Lê Lựu nói về nghề viết văn.

Nhà văn Lê Lựu đến dự Hội nghị với tâm trạng phấn khởi và tràn đầy nhiệt huyết với thế hệ trẻ mặc dù sức khỏe của ông không được như trước, tuy nhiên những lời phát biểu của ông là động lực để những cây viết trẻ trong quân đội tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm hay hơn nữa. “Viết văn là một nghề thiêng liêng đòi hỏi người cầm bút phải sống chết với nó. Mỗi nhà văn phải thuộc cái mình viết như chính bản thân và “rút ruột” mình ra để viết. Tôi hy vọng những nhà văn trẻ dự Hội nghị lần này sẽ là niềm tin, niềm tự hào của Quân đội chúng ta”, nhà văn Lê Lựu chia sẻ.

Bày tỏ niềm vui được tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ, Thượng úy Lê Mạnh Thường - Cục Cảnh sát biển Việt Nam bộc bạch: “Tôi rất tự hào khi được tham gia vào sự kiện này. Tự hào là bởi tôi được đại diện cho những người lính đang ngày đêm bám biển, bám tàu, bám đảo để góp mặt vào hoạt động văn hóa mang nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, điều đó cũng cho thấy sự nhìn nhận, đánh giá, tạo điều kiện của các đồng chí lãnh đạo cũng như cơ quan chủ quản về văn học nghệ thuật cấp trên đối với những cây bút nghiệp dư như tôi. Qua đây, phần nào cũng đánh dấu sự trưởng thành của bản thân tôi từ những ngày mới chập chững bước chân vào con đường văn chương đến nay. Gần 10 năm nay, tôi vẫn âm thầm viết truyện, làm thơ về tất cả các đề tài của cuộc sống. Trong số đó, những tác phẩm về người lính luôn chiếm số lượng khá nhiều. Tôi quan niệm, mặc dù chiến tranh đã qua đi nhưng ở giữa thời bình, giữa cuộc sống ồn ào, vội vã của ngày hôm nay vẫn còn những mất mát không thể nói hết bằng lời. Sự hy sinh đó có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Đó là một mảnh ghép trong muôn vàn mảnh ghép để làm cho cuộc sống này hoàn hảo, bình yên và tươi đẹp hơn”.

Nhà văn Chu Lai, một cây viết trưởng thành trong môi trường quân ngũ và nhiều tác phẩm của ông ra đời dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù. Ông cho rằng, văn chương không có gì ghê ghớm và nó cũng như những ngành, nghề khác nhưng văn chương chứa đựng năng lực tuyệt vời là chế tạo ra thế giới con người, thế giới nhân sinh. Viết văn là hình thức lao động đặc biệt mà trong đó người trong cuộc được giãi bày lòng mình.

Đại biểu Trần Đức Tĩnh (sinh năm 1976, đang công tác tại Đơn vị M8, Đoàn B25, Binh đoàn Hương Giang) nhận xét: “Lực lượng viết văn trẻ trong quân đội hiện nay hoàn toàn khác so với thời kỳ trước, hầu hết các cây bút chưa từng trải qua chiến tranh. Lực lượng viết văn trẻ trong quân đội chưa thể đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn học cho người lính như lớp nhà văn cũ. Nhiều nhà văn trong quân đội không trưởng thành từ môi trường người lính nên mức độ phản ánh đời sống còn hạn chế. Để có những tác phẩm sinh động viết về người lính đòi hỏi nhà văn phải nhập tâm vào nhân vật, hòa mình vào cuộc sống của chiến sĩ thì mới có thể đại diện cho tâm thế chung của tầng lớp họ sống”.

Các nhà văn trẻ trong quân đội cần nhanh chóng xác lập bản lĩnh văn học cho riêng mình, chấm dứt tình trạng viết mò mẫm, thử nghiệm. Ngoài bộ phận nhà văn trẻ đã hình thành phong cách viết nhất định còn một số khác vẫn đang trong trạng thái “tìm đường”. Nếu không sớm tìm ra đề tài, lối viết thích hợp với bản thân thì nhà văn trẻ sẽ đi vào khuynh hướng “đám đông” nghĩa là viết theo “mốt”. Lúc đó, coi như họ đã đặt dấu chấm hết cho văn nghiệp của mình”, đại biểu Đoàn Minh Tâm (sinh năm 1982, tạp chí Văn nghệ Quân đội) chia sẻ.

Độc giả đang đón đợi những tác phẩm văn học có giá trị của các nhà văn thuộc thế hệ 8X, 9X trong quân đội. Hy vọng trong tương lai những chiến sĩ cầm bút có tuổi đời còn rất trẻ này sẽ tiếp tục vững bước trên thi đàn Việt Nam./.

(Theo: Khánh Huyền/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất