Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục với cơ quan công quyền.
Văn bản đề ra mục tiêu sau năm 2016, toàn bộ dịch vụ công phải được cung cấp trực tuyến, cho phép người sử dụng điền và gửi qua hệ thống điện tử các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu: “Phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến và chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc”.
Nhiều năm qua, một trong những vấn đề lớn nhất gây “nghẽn” con đường phát triển cả về kinh tế, xã hội của Việt Nam chính là thủ tục hành chính. Việc thực hiện hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính hạn chế về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, về nguồn nhân lực, mới chỉ được thực hiện ở một số địa phương, đơn vị và trong một số hoạt động. Nhiều thủ tục hành chính còn phải thực hiện thủ công, tốn nhiều thời gian và nhân lực.
Tuy nhiên, thời gian qua, công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam cũng đã xuất hiện một số điểm sáng, đặc biệt trong đó là việc thông quan điện tử và kê khai thuế qua mạng. Năm 2015, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 98%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm từ 537 giờ xuống còn 167 giờ/một năm. Hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân từ 21 ngày xuống 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp…
Những điểm sáng trên là bằng chứng thiết thực nhất chứng minh tính hiệu quả việc hiện đại hóa thủ tục hành chính.
Chính phủ điện tử là xu thế chung của toàn thế giới. Ở một chính phủ điện tử, mọi hoạt động của bộ máy công quyền được thay đổi theo một khái niệm hoàn toàn mới. Chính phủ gần và thuận lợi với công dân hơn, bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mọi quan hệ giữa chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính phủ; một chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, xây dựng một chính phủ điện tử không chỉ là việc ứng dụng công nghệ thông tin cho các thủ tục với cơ quan công quyền. Để thành công với một chính phủ điện tử cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, giảm bớt các văn bản, thủ tục hành chính không thực sự cần thiết. Có thể, các cơ quan chức năng khi ứng dụng công nghệ thông tin trong chính phủ điện tử sẽ ít tiếp xúc trực tiếp với dân, khó gần dân hơn; và cho dù hệ thống này có mức độ tự động hóa cao nhưng vẫn do con người điều khiển. Chính vì thế, điều quan trọng ở đây vẫn là yếu tố con người. Vì thế, chỉ khi những cán bộ có trách nhiệm giải quyết thủ tục hành chính thực sự được “cải tổ, hiện đại hóa” về nhận thức, được đào tạo các kỹ năng cần thiết và thực sự gần dân, hiểu dân, thì chính phủ điện tử mới có thể phát huy tác dụng.
Mục tiêu của một chính phủ điện tử cũng chính là mục tiêu xây dựng nhà nước Việt Nam XHCN. Cùng đó, trong xu thế chung, nếu không xây dựng một chính phủ điện tử, Việt Nam sẽ trở nên lạc lõng với thế giới. Vì thế, Nghị quyết về Chính phủ điện tử đã trở thành một động mạnh mẽ, đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa chính phủ điện tử- một chính quyền gần dân, vì dân hơn!
Theo QĐND