Báo cáo tổng kết của UBND TP Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tham
nhũng 9 tháng năm 2015 có một sự kiện được dư luận quan tâm. Đó là câu
chuyện tự nguyện nộp lại quà tặng của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc, nhân
viên Bệnh viện huyện Bình Chánh.
Theo đó, tất cả những khoản “hoa hồng”, quà tặng, quà biếu… từ các đối tác cung cấp máy móc, thiết bị, thuốc men cho bệnh viện, kể cả những món quà “cảm ơn” của bệnh nhân tặng các thầy thuốc, đều được giao nộp cho bộ phận tài chính, kế toán và báo cáo công khai, minh bạch hằng tháng trước hội nghị giao ban. Số tiền giao nộp từ quà tặng trong 9 tháng năm nay của bệnh viện là 433 triệu đồng.
Sự chú ý của dư luận không phải từ giá trị các loại quà tặng mà Bệnh viện huyện Bình Chánh giao nộp lại, mà nằm ở thái độ ứng xử với quà tặng của lãnh đạo, nhân viên của đơn vị y tế này. Trong lúc tình hình tham nhũng ở một số ngành, lĩnh vực, theo nhận định của UBND TP Hồ Chí Minh, là vẫn còn diễn biến phức tạp, thì việc có một đơn vị hành động như vậy là rất đáng biểu dương. Trên thực tế, việc tặng quà, nhận quà trong các giao dịch kinh tế, xã hội rất khó để pháp luật kiểm soát. Làm thế nào để phân biệt giữa tặng quà vì tình cảm với tặng quà để hối lộ, tham nhũng, không phải lúc nào các chế tài pháp luật cũng can thiệp được, mà cái chính vẫn là ở ý thức của người trong cuộc. Với những biện pháp quyết liệt, 9 tháng qua, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng bằng các cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 80/341 đơn vị có sai phạm về kinh tế, đề nghị thu hồi gần 85 tỷ đồng và 3 căn nhà. Hiệu quả phòng, chống tham nhũng ở TP Hồ Chí Minh đã và đang tạo niềm tin tốt đẹp trong nhân dân.
Ảnh minh họa. Nguồn: dantri.com.vn.
Hành động của Bệnh viện huyện Bình Chánh trước hết xuất phát từ ý thức tự giác, nêu gương của đội ngũ lãnh đạo bệnh viện. Để duy trì uy tín của bệnh viện, niềm tin nơi bệnh nhân, đơn vị này đã gắn kết giữa nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân với thực hiện các phong trào, cuộc vận động nhằm nâng cao y đức bằng những việc làm thiết thực. Nói “không” với phong bì, quà tặng, quà biếu… là cách để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, trong những trường hợp "bất khả kháng", cá nhân, tập thể được nhận những khoản “hoa hồng”, quà tặng phải chịu trách nhiệm báo cáo tổ chức, công khai, minh bạch nộp lại các loại quà tặng đó sung công quỹ, ngân sách. Suy cho cùng, tiền của quà tặng, “hoa hồng” cũng là tiền của dân. Nộp lại để sung công quỹ, ngân sách là cách để trả lại tài sản cho dân.
Đây không phải lần đầu tiên Bệnh viện huyện Bình Chánh thực hiện động thái ấy. Năm ngoái, đơn vị y tế này cũng đã giao nộp lại hơn 400 triệu đồng từ quà tặng. Tuy nhiên, sẽ là tốt hơn nhiều nếu bệnh viện này và nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, tập thể… cùng nêu gương để có cách ứng xử không nhận quà tặng, quà biếu, “hoa hồng” dưới mọi hình thức, để từ đó kéo giảm, đẩy lùi tình trạng biếu xén, quà cáp, “lại quả” tiêu cực, ngăn ngừa tham nhũng, tham ô trong các cơ quan, đơn vị, nhất là trong các cơ quan công quyền.
Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp. Bên cạnh những chế tài của pháp luật, vấn đề mấu chốt là ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương… phải có ý thức tích cực với cuộc đấu tranh này để hình thành những cách làm hay, hiệu quả từ cơ sở. Cùng với nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, các yếu tố về văn hóa, đạo đức có tác dụng mạnh mẽ trong điều chỉnh hành vi, duy trì tính nghiêm minh, tự giác, trách nhiệm của công dân trước cộng đồng, xã hội.
PHAN TÙNG SƠN
Nguồn: QĐND