Hàng
chục năm trước, sự xuất hiện của ca sĩ “nhí” Xuân Mai trong một số
chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi và số lượng lớn băng, đĩa gắn
liền với tài năng của Xuân Mai được phát hành đã trở thành một hiện
tượng đặc biệt trong sinh hoạt nghệ thuật nước nhà. Nhưng dường như lao
động nghệ thuật quá sức từ lúc còn nhỏ đã làm cho giọng hát của Xuân
Mai đuối dần, không còn đủ khả năng để theo đuổi sự nghiệp ca hát lâu
bền? Câu chuyện của Xuân Mai gợi nhớ tới Rô-be-ti-nô - ca sĩ người
I-ta-li-a, người được coi là thần tượng của nhiều người yêu nhạc trên
thế giới vào giữa thế kỷ trước. Nổi danh năm 13 tuổi, Rô-be-ti-nô được
mệnh danh là thần đồng và là “niềm kiêu hãnh của nước Ý”. Rô-be-ti-nô
được mời đi biểu diễn ở khắp nơi, với những hợp đồng ghi âm dày đặc.
Nhưng sự nghiệp đỉnh cao của Rô-be-ti-nô chỉ kéo dài vỏn vẹn hai năm do
bị vỡ giọng vì phải biểu diễn quá nhiều. Về sau, dù vẫn tiếp tục
nghiệp ca hát nhưng Rô-be-ti-nô không còn được mến mộ như trước. Gần
chúng ta hơn, là sự sa sút của M.Kun-kin, diễn viên nhỏ tuổi thủ vai
chính trong phim Ở nhà một mình, thật sự là điều cảnh tỉnh với những ai
ảo tưởng trước hào quang của sự nổi tiếng khi còn nhỏ tuổi. Thành công
rực rỡ sau bộ phim, M.Kun-kin được liên tiếp mời dự sự kiện, làm quảng
cáo với mức thù lao không thua kém các ngôi sao đắt giá của Hô-li-út.
Chưa đầy 10 tuổi, M.Kun-kin đã trở thành triệu phú. Và có lẽ thành công
đến quá sớm khiến cậu bé trở nên kiêu ngạo, hư hỏng vì chơi bời và
nghiện ngập, sự nghiệp của M.Kun-kin từ đó xuống dốc thảm hại?
Ở
Việt Nam gần đây, liên tiếp các cuộc thi ca hát dành cho thiếu nhi được
tổ chức đã thu hút sự quan tâm của cả trẻ em lẫn người lớn. Người xem
trầm trồ trước những “tài năng không đợi tuổi”, nhưng khi quá nhiều
cuộc thi cùng diễn ra và để tạo độ nóng cho chương trình, tạo sức cạnh
tranh,… rất nhiều chiêu trò đã được dàn dựng làm cho vấn đề như vượt
qua phạm vi của cuộc thi tài năng,… thì cũng là lúc công chúng bắt đầu
giật mình. Đó là những xì-căng-đan ồn ào, là các thí sinh nhí được
trang điểm như người lớn, biểu diễn một số động tác sexy, là cảnh các
em lọt thỏm giữa cả “rừng” đạo cụ,... Không chỉ vậy, thí sinh còn phải
thể hiện một số ca khúc quá khó so với độ tuổi, như: Xa khơi, Việt Nam
quê hương tôi, Hồ trên núi, Trên đỉnh Phù Vân, Cát bụi, Giữa Mạc Tư
Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh,… Thậm chí các em phải trình bày ca khúc đòi
hỏi kỹ thuật rất cao, “nặng cân” ngay cả với ca sĩ trưởng thành, được
đào tạo bài bản. Đáng nói hơn, khi biểu diễn ca khúc của người lớn,
đương nhiên các em cũng phải hóa thân, biểu cảm như người lớn, hát về
tình yêu, các em cũng phải nhập vai sầu não, đau đớn, trong khi chắc
chắn các em chưa hiểu tình yêu là gì, vì sao đau khổ khi nam - nữ chia
ly! Các ca sĩ huấn luyện và ban tổ chức sẽ có lý do để giải thích, đại
loại như chọn bài hát ấy mới khoe hết giọng; quá ít bài hát thiếu nhi,
hoặc bài hát quá đơn giản để thi thố,… Nhưng dù lý do gì chăng nữa thì
xem các em nhỏ phải gồng mình nhập vai yêu đương, cố tỏ ra già dặn,
trưởng thành,… không ít người thấy băn khoăn, xót xa.
Sau khi
theo dõi đêm bán kết Giọng hát Việt nhí diễn ra tối 17-10 vừa qua, nhà
báo Hoài Hương nhận xét: “Vẫn là chiêu trò như mấy mùa trước, và bắt bọn
trẻ gồng mình hát những ca khúc tầm ca sĩ chuyên nghiệp (có học thanh
nhạc bài bản). Các ca khúc bọn trẻ hát đều là ca khúc khó thường dùng
để phô diễn kỹ thuật thanh nhạc, chưa kể nội dung ca khúc đều vượt tầm
cảm xúc, tâm lý bọn trẻ”. Theo nhà báo Hoài Hương, việc bắt một thí
sinh chưa vỡ giọng hát ca khúc Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh,
đúng là sự hành hạ, bởi vậy dù rất cố gắng để diễn tả và hát giống như
ca sĩ người lớn, thì vẫn là trẻ con hát nên nghe thật tội nghiệp. Một
thí sinh khác thể hiện ca khúc Mẹ với những ca từ “20 năm ngày mẹ cưới,
đến nay sống đời vợ chồng, 20 năm mẹ nuôi con một mình…” thì có thể
hiểu là em đang phải trần mình mà hát một cách máy móc đến đáng thương.
Có lẽ vì thế, phần cuối thí sinh này hát vấp, lỗi, cảm xúc không còn
tự chủ… Việc các tài năng nhỏ tuổi được “nhào nặn” để trở thành “hiện
tượng” nhưng theo xu hướng huấn luyện thành “bản sao” của người lớn
khiến người quan tâm băn khoăn: các cuộc thi dành cho thiếu nhi đã thật
sự dành cho thiếu nhi? Hay các em chỉ là “sản phẩm”, thậm chí là “công
cụ” để hiện thực hóa ý tưởng, ước mơ của người lớn mà thôi? Có thể coi
là các em đang bị lợi dụng hay không?
Quan sát các cuộc thi nghệ
thuật dành cho thiếu nhi hiện nay, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng các
em phải gánh chịu áp lực quá lớn từ gia đình và xã hội? Dù thắng hay
thua trong cuộc thi, các em cũng phải chịu chấn động lớn về tâm lý cũng
như bị xáo trộn cuộc sống. Có thể kể đến trường hợp bé Phương Mỹ Chi.
Sau khi tham dự cuộc thi Giọng hát Việt nhí 2013, lịch diễn của cô bé
dày đặc khắp cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Nghỉ học quá nhiều để
đi lưu diễn, Phương Mỹ Chi đứng trước nguy cơ bị nhà trường buộc phải
thôi học. Đại diện nhà trường nơi Phương Mỹ Chi theo học đã trả lời
thẳng thắn: “Chúng tôi rất yêu quý tài năng của Mỹ Chi và muốn chia sẻ
hoàn cảnh khó khăn của gia đình em. Nhưng chuyện nào ra chuyện đó. Khi
Mỹ Chi đã là học sinh của nhà trường, nhà trường phải có trách nhiệm
quản lý chuyện học hành. Hiện giờ chúng tôi vẫn chỉ mới cảnh báo để gia
đình cho em tập trung học trở lại, nếu như em vẫn cứ nghỉ học nhiều như
thời gian qua thì sẽ tính tiếp”. Quan điểm của trường là đúng đắn. Đối
với Phương Mỹ Chi, học tập vẫn là rất quan trọng, có ý nghĩa với tương
lai của em. Nếu em có tài năng, sau này vẫn có nhiều cơ hội để phát
triển, còn nếu sao nhãng học tập, để hổng kiến thức… thì không ai có
thể giúp em bù đắp lại sự thiếu hụt ấy.
Chú ý thì thấy, ngay từ
năm 2012, ông Nguyễn Trọng An, khi đó là Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ,
chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã lên tiếng trên
báo chí cảnh báo về thực trạng đáng báo động này. Theo ông Nguyễn Trọng
An, một số chương trình thi hát dành cho thiếu nhi là quá sức với trẻ
bởi tham vọng của người lớn quá lớn, làm cho các em phải gồng mình. Hầu
hết các em toàn hát rock, rap... làm mất đi sự ngây thơ lứa tuổi. Ông
An chia sẻ: “Tôi thấy đau khổ nhất là lúc các em bé ngước mắt nhìn lên
để đợi những ông, những bà giám khảo đưa nốt nhạc. Lúc đấy thật sự là
một sang chấn tâm lý cho các cháu vì các cháu đang vui tươi, đang rất
ngộ nghĩnh, rất mong đợi, kỳ vọng nhưng các nhà đạo diễn yêu cầu các em
quá sức. Như thế cũng là một sự bóc lột nếu theo quy định của Công ước
quốc tế về quyền trẻ em”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch
Hội Tâm lý - Khoa học giáo dục Hà Nội, nhận xét: “Áp lực thi thố có thể
ám ảnh con trẻ suốt cả cuộc đời”. Có vài cuộc thi, để ủng hộ tài năng
tỉnh nhà, địa phương ban hành công văn để vận động người dân nhắn tin
bình chọn ủng hộ “người quê hương”! Một văn bản như vậy sẽ làm mất đi
sự công bằng, trong sáng, vô tư của các cuộc thi, nhất là cuộc thi ấy
lại dành cho trẻ con. Cho nên từng có cuộc thi bị công chúng nghi ngờ
về tính minh bạch của giải thưởng, người đoạt giải sau đó không phát
huy được khả năng như kỳ vọng. Vậy là các tài năng bị “chín ép” do tham
vọng của người lớn có thể mang lại vinh quang nhất thời nhưng tổn hại
về tâm sinh lý của trẻ nhỏ thì không gì bù đắp nổi. Bởi giải thưởng có
thể khiến các em ngộ nhận về tài năng của bản thân mà sinh ra chủ quan,
tự mãn,... làm ảnh hưởng rất lớn đến con đường trưởng thành sau này.
Các
cuộc thi thường nhằm mục đích phát hiện, tôn vinh ra tài năng nhưng rèn
luyện, tạo điều kiện để tài năng phát triển thì cần thời gian, môi
trường. Hiện vẫn có người nhầm lẫn về điều này, và dường như họ quan
niệm rằng khi một người được phát hiện, tôn vinh tại một cuộc thi tài
năng thì người đó mặc nhiên đã có tài năng và cứ thế sử dụng!? Trong
khi đó, hào quang chiến thắng dễ khiến người trong cuộc ảo tưởng, và
càng ảo tưởng hơn khi thành nhân vật được dư luận quan tâm, báo chí săn
tìm, có cơ hội xuất hiện tại nhiều chương trình giải trí với cát-xê
tăng vọt. Hấp lực từ sự nổi tiếng và cả nguồn thu nhập khiến họ khó chối
từ, để rồi không ý thức được rằng, tài năng cần phải được thường xuyên
rèn luyện, được sử dụng hợp lý, nếu không cũng sẽ như bông hoa nhanh
nở chóng tàn. Và bài học từ Rô-be-ti-nô, M.Kun-kin đến Xuân Mai,… là
các thí dụ cần tham khảo. Đơn vị tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ
cần quan tâm tới tương lai của các em, không vì cố gắng khai thác
triệt để tài năng (như trục lợi?) mà không quan tâm tới hệ quả lâu
dài,… Vai trò của gia đình cũng rất quan trọng. Nếu cha mẹ thiếu tỉnh
táo khi lựa chọn con đường cho con em, không bảo đảm được học tập cơ bản
như bạn bè cùng trang lứa, lại không rèn giũa tài năng thì sự mai một
tài năng là chắc chắn. Tài năng cần được nuôi dưỡng chín muồi và xã hội
không thiếu cơ hội, môi trường thể hiện. Sự nóng vội, chủ quan hay
kiêu căng, tự mãn sẽ chỉ làm tài năng nhanh chóng lụi tàn.