Tăng trưởng kinh tế quý 3 và 9 tháng năm 2015 đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm qua là thông tin rất đáng mừng khi chúng ta đang bước vào quý cuối cùng trong năm. Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ sử dụng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho thấy, nếu nhập siêu giảm hơn thì mức tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Theo cách phân tích này, tiêu dùng cuối cùng 9 tháng năm 2015 làm GDP tăng 7,31 điểm phần trăm, tích lũy tài sản làm GDP tăng 2,62 điểm phần trăm. Như vậy, tổng tiêu dùng và tích lũy làm GDP tăng 9,93%. Tuy nhiên, do nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu nên GDP 9 tháng năm 2015 bị mất 3,43 điểm phần trăm, chỉ còn lại 6,5%.
Nhận thức được sự quan trọng của việc cân bằng cán cân xuất-nhập khẩu, hướng tới xuất siêu bền vững trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển, thời gian qua, nước ta đã tìm kiếm nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề này. Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hoặc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã và đang được Việt Nam nỗ lực tham gia cũng nhằm hướng tới mục tiêu xóa thâm hụt thương mại. Kết quả tổng kết cho thấy, năm 2014, nước ta thâm hụt thương mại với khu vực Đông Á tổng cộng 56,2 tỷ USD. Cụ thể, thâm hụt với Trung Quốc là 29 tỷ USD, với Hàn Quốc là 14,5 tỷ USD, với Đài Loan là 8,8 tỷ USD và với khu vực ASEAN là 3,9 tỷ USD. Trong khi đó, thặng dư thương mại của nước ta với Liên minh châu Âu (EU) năm 2014 là 19 tỷ USD, với Hoa Kỳ là 22,3 tỷ USD, tổng cộng là 41,3 tỷ USD. Như vậy, nếu khai thác tốt tiềm năng, lợi thế và cơ hội do FTA và TPP mang lại, thặng dư thương mại với 2 đối tác quan trọng này sẽ tăng mạnh hơn và cán cân xuất-nhập khẩu của chúng ta sẽ cân bằng hơn. Kịch bản mong muốn là như vậy, nhưng nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt được thời cơ, để doanh nghiệp ngoại ồ ạt “lấn sân” thì sẽ bị “đánh bật” ngay trên “sân nhà”. Khi ấy, thâm hụt thương mại sẽ càng trầm trọng hơn và GDP Việt Nam sẽ bị kéo tụt nhiều hơn nữa.
Một thực tế đáng suy ngẫm là dường như những nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chưa đạt kết quả như mong muốn. Tâm lý "sính hàng ngoại" vẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhập siêu cao. Có lẽ, đã đến lúc phải kêu gọi những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong công chúng gương mẫu tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan chức năng cũng nên mời những người này làm “đại sứ” cho các chương trình thực hiện cuộc vận động; đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nhanh chóng tự hoàn thiện, tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thực sự thuyết phục được người tiêu dùng trong nước, hướng tới chinh phục mạnh mẽ hơn người tiêu dùng nước ngoài, nếu không muốn trở thành người thua cuộc.
Song song với đó, các cơ quan chức năng cũng cần đồng hành mạnh mẽ hơn với các doanh nghiệp Việt Nam để họ nắm bắt thông tin hội nhập nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn, sát cánh cùng doanh nghiệp chuẩn bị cho những cuộc “đại cạnh tranh” sắp tới. Nếu không có sự chuẩn bị thật tốt, thật kỹ lưỡng, nội việc giữ được thị phần đang có đã là khó khăn, chưa nói tới chuyện mở rộng thị phần ra các nước trong khu vực và trên thế giới./.
Chiến Thắng (QĐND)