Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 26/10/2015 21:0'(GMT+7)

Chìa khóa của hội nhập

Nâng cao năng lực cạnh tranh theo các tiêu chuẩn quốc tế là điều đặc biệt quan trọng không chỉ đối với DNCNTT mà với tất cả doanh nghiệp trong nước, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với quốc tế, bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới. Với các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam ký với Hàn Quốc, với Liên minh châu Âu (EU), với 11 nước trong hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cùng cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015…, sẽ mở ra cơ hội hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam với các nước lớn, nước phát triển  trên thế giới. Tuy nhiên, nếu không nắm bắt được cơ hội, “định vị” được sứ mệnh cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh theo các chuẩn chung khi hội nhập, thì rất có thể doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.

Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, từ một nước nghèo đói, kém phát triển do hậu quả chiến tranh để lại, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng khá cao trong nhiều năm liên tục. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp nước ngoài còn nhiều hạn chế. Bài học từ việc đánh mất lợi thế trong xuất khẩu gạo dẫu ta tham gia thị trường này suốt 20 năm qua, đang là câu chuyện buồn về cạnh tranh và hội nhập.  

Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu trong xu thế toàn cầu. Để chuẩn bị cho tiến trình hội nhập, từ nhiều năm nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam tự tin trong hội nhập. Đặc biệt, Quốc hội đã ban hành luật mới hoặc sửa đổi các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã đối thoại, trực tiếp lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thế nhưng, điều quan trọng quyết định đến sự thành công của doanh nghiệp trong hội nhập lại phụ thuộc chủ yếu vào từng doanh nghiệp. Muốn biến cơ hội thành hiện thực phải thông qua thị trường; để chiếm lĩnh được thị trường, sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp phải dồn vào năng lực cạnh tranh. Dễ dàng nhận thấy, điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam là chưa có được hệ thống phân phối đưa đến người tiêu dùng và quy mô còn nhỏ. Doanh nghiệp nói chung và nhất là doanh nghiệp nhỏ thiếu hiểu biết về hội nhập, chưa có những kiến thức và thông tin cần thiết về thị trường, pháp luật, thông lệ quốc tế trong buôn bán.

Trong hội nhập kinh tế quốc tế, thành công của quá trình tùy thuộc vào sự năng động, sáng tạo và năng lực cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Điều cần ở nước ta là doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc; có chiến lược thích ứng riêng, lấy thị trường làm định hướng để điều chỉnh cơ cấu sản xuất, tập trung vào thế mạnh biến động theo thời gian để có sức cạnh tranh cao. Chiến lược sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp cần hướng vào khai thác lợi thế rút ra từ những cam kết hội nhập, nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và khuếch trương đầu tư. Ở đây, thị trường trong nước sẽ là hậu thuẫn quan trọng để doanh nghiệp thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Chìa khóa của thành công trong hội nhập là năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và khả năng sáng tạo của doanh nghiệp. Là động lực và trung tâm của quá trình này, doanh nghiệp nước ta cần có chiến lược riêng để khai thác lợi thế, biến các cam kết quốc tế thành chương trình hành động của đơn vị mình. Phát huy nội lực, kết hợp chặt chẽ sản xuất với kinh doanh, không ngừng đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh có lẽ là cách làm cần thiết để khẳng định vị trí của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất