Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 25/5/2010 21:42'(GMT+7)

Báo chí góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội

Bám sát thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của đất nư­ớc, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp một tiếng nói quan trọng vào sự hoạch định đư­ờng lối chính trị của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, thực hiện đúng chức năng vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể xã hội, vừa là diễn đàn sâu rộng của các tầng lớp nhân dân. Những tổ chức và cá nhân điển hình, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước; những kinh nghiệm và bài học bổ ích từ thực tiễn mọi mặt của cuộc sống được báo chí phát hiện, phản ánh, ghi nhận, cổ vũ, động viên kịp thời và có sức thuyết phục, lan tỏa trong xã hội. Bên cạnh phát hiện, cổ vũ cái mới, cái tốt, báo chí còn đấu tranh góp phần loại bỏ cái xấu, cái ác. Nhiều vụ việc bê bối, tiêu cực được báo chí phát hiện, lên tiếng, giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật có thêm căn cứ, tư­ liệu để đ­ưa ra xét xử nhiều loại tội phạm, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xâm phạm tài sản Nhà nước, nhân dân. Báo chí ngày càng tham gia tích cực đấu tranh ngăn ngừa tội phạm và góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.

Con người sống không thể thiếu thông tin. Thông tin trên báo chí đã góp phần củng cố, tăng cường, gắn kết các mối quan hệ xã hội, đồng thời mở rộng tầm nhìn, nâng cao hiểu biết, phổ biến tri thức khoa học để con người ngày càng có cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Thời đại thông tin bùng nổ, ở bất cứ đâu ai cũng có thể đọc báo, nghe phát thanh, xem truyền hình và theo dõi một tin tức trên mạng internet để biết và nắm được thông tin trên trái đất này đang diễn ra hằng phút, hằng giờ quanh chúng ta. Không thể phủ nhận thông tin đa dạng, phong phú, nhiều chiều đã mang lại nhiều lợi ích cho độc giả. Tuy nhiên, chất lượng thông tin, đặc biệt là độ chính xác và tính định hướng của thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng luôn luôn là mối quan tâm của xã hội, vì không ít trường hợp người đọc, người xem đã rơi vào tình trạng bối rối không biết tin ai, đâu là hư đâu là thực, đâu là đúng đâu là sai....

Có một thực tế hiện nay là: Thông tin nhiều chiều, thông tin không được lựa chọn chặt chẽ, thẩm định kỹ lưỡng, thậm chí thông tin không có định hướng tư tưởng và thiếu tính giáo dục, thẩm mỹ xuất hiện không ít trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay. Từ đó dẫn đến một hệ quả là cái thật - cái giả, cái tốt - cái xấu, cái hay - cái dở, cái đúng - cái sai, cái cao thượng - cái đê hèn, cái tích cực - cái tiêu cực, cái văn minh - cái lạc hậu,... vô tình đan xen vào nhau trong các thông tin nên công chúng khó phân định rạch ròi và vô hình trung đẩy người ta vào một “đại dương thông tin mênh mông” không biết đâu mà lần. Nay tốt, mai xấu, nay là anh hùng, mai như kẻ tội đồ, báo này bảo đúng, đài kia bảo sai, công chúng bị “ngợp” trong các luồng thông tin nhiều chiều ấy thì biết đặt niềm tin vào đâu? Và chính những thông tin như thế cũng là một thứ áp lực đối với con người trong xã hội hiện đại!

Tác động của báo chí đến xã hội bao giờ cũng có hai mặt: Thuận và nghịch. Nếu báo chí phản ánh đúng thực tế chiều h­ướng phát triển của xã hội trên tinh thần xây dựng và có thiện chí thì đó chính là động lực quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển ổn định, lành mạnh và tiến bộ. Ngược lại, báo chí phản ánh không sát hoặc đi quá sâu vào các mặt trái xã hội sẽ tạo ra sự “phân tâm” trong các tầng lớp dân cư­, đồng thời làm cho diện mạo quốc gia, dân tộc bị giảm sút đáng kể trong quá trình giao lưu, hội nhập với thế giới. Nghĩa là, những cái đáng lẽ chỉ nên nói ở mức độ vừa phải với liều lượng hợp lý thì nó đã bị “mổ xẻ” quá sâu, khai thác quá kỹ. Còn những cái đáng ra phải đ­ược ghi nhận, phản ánh một cách cụ thể, sinh động thì lại l­ướt qua. Một cô diễn viên, một anh ca sĩ, một cầu thủ bóng đá, một ngư­ời mẫu nhiều khi đ­ược tô đậm “tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp” hơn cả một danh nhân, một nhà khoa học, một thầy thuốc có trí tuệ và tấm lòng cao cả. Thế nên, có lúc báo chí đã tạo ra một sự “kích thích” cho một bộ phận giới trẻ chỉ thích trở thành ca sĩ, diễn viên, người mẫu hơn là chịu khó học tập, phấn đấu thành kỹ sư­, công nhân, thầy giáo và nhà khoa học! Ngoài ra, phải kể đến tình trạng quảng cáo tràn lan, hình thức quảng cáo thiếu văn hóa, thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, nội dung quảng cáo phần nhiều là “kem d­ưỡng da, dầu gội đầu, nư­ớc uống tăng lực, kẹo cao su”… nên đã tạo ra tâm lý xã hội tiêu dùng “ăn chơi sành điệu”. Tóm lại, những vấn đề thái quá vừa nêu, nếu tiếp tục được báo chí “quan tâm khai thác, phản ánh” thì xã hội ta, đất n­ước ta sẽ dần dần thiếu đi một nhuệ khí.

Thông tin là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần - văn hóa của con người và có ảnh hưởng sâu sắc đến việc giữ gìn ổn định chính trị, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong tư tưởng của xã hội và phản ánh, quảng bá diện mạo, hình ảnh quốc gia. Vì vậy, quan điểm “phát triển đi đôi với quản lý” thông tin, truyền thông phải được cụ thể hóa bằng những cơ chế, quy định, chế tài trong thực tiễn cuộc sống. Trong một thời đại thông tin bùng nổ mạnh mẽ như hiện nay, ngoài việc phát triển các phương tiện truyền thông hiện đại nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu của nhân dân, cần phải siết chặt và lập lại trật tự kỷ cương trong lĩnh vực thông tin và truyền thông đại chúng. Tôn trọng việc đa dạng hóa thông tin, thông tin nhiều chiều của các cơ quan truyền thông là cần thiết, nhưng cơ quan chức năng nhất thiết phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm định các nội dung thông tin; khuyến khích các thông tin có lợi cho quốc kế dân sinh và góp phần giáo dục, xây dựng và phát triển các giá trị chân - thiện - mỹ cho con người gắn liền với việc thường xuyên uốn nắn, chấn chỉnh những thông tin mang nặng tính thương mại, giật gân, câu khách, đáp ứng thị hiếu tầm thường, không có lợi cho việc giữ vững an ninh tư tưởng-văn hóa và ổn định chính trị của xã hội; đồng thời kiên quyết xử lý, thu hồi các ẩn phẩm, các phương tiện truyền bá thông tin đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, xúc phạm đến uy tín, danh dự của tổ chức và công dân, làm ảnh hưởng sự đồng thuận của xã hội.

Dân chủ hóa đời sống báo chí, tự do hóa ngôn luận không đồng nghĩa với việc tự ý, tùy tiện đưa mọi thứ thông tin lên các phương tiện truyền thông với bất cứ mục đích gì. Chúng ta cần rút ra nhiều bài học trong công tác quản lý báo chí thời gian qua để đưa hoạt động này đi đúng hướng, bảo đảm cho các phương tiện truyền thông đại chúng của Đảng, Nhà nước, các ngành, các đoàn thể ở Trung ương và địa phương thực sự trở thành một nhân tố và đòn bẩy thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

(Theo: Nguyễn Văn Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất