Chủ Nhật, 8/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Tư, 14/8/2019 20:38'(GMT+7)

Báo chí khẳng định bản lĩnh tiên phong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ nhất năm 2018.

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ nhất năm 2018.

Trước lễ tổng kết và trao Giải lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội vào tối 15-8, đồng chí Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Mặt trận, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải đã trao đổi với Tạp chí xung quanh nội dung này.

PV: Là một trong những thành viên của Ban tổ chức, Hội đồng sơ khảo, đồng chí có thể cho biết về công tác tổ chức triển khai Giải năm nay?

Đồng chí Vũ Văn Tiến: Cần phải khẳng định rằng, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải đã triển khai các công việc một cách trách nhiệm, bài bản, khoa học, chặt chẽ và nghiêm túc. Các thành viên đã chủ động, tích cực triển khai công việc một cách hiệu quả, kịp thời với trách nhiệm cao.

 Hội Nhà báo Việt Nam đã chỉ đạo Hội Nhà báo các cấp, các cơ quan thông tấn báo chí tích cực hưởng ứng tham dự giải. Đặc biệt, Đài Truyền hình Việt Nam đã xây dựng và phát sóng các trailer cổ động, tuyên truyền đậm nét về Giải trên các kênh của Đài. Qua đó, tạo ra sức lan tỏa và hiệu ứng cao trong xã hội và nhân dân.

Các tác phẩm dự thi năm nay có nội dung tương đối sát chủ đề, tiêu chí và thể lệ của Giải.

Hội đồng chung khảo xét chọn, trình Ban Chỉ đạo Giải những tác phẩm có chất lượng tốt, thể hiện sự công phu, bám sát với các chủ đề và tiêu chí của Thể lệ.

Đồng chí Vũ Văn Tiến.

Đồng chí Vũ Văn Tiến.

PV: Đồng chí có thể đánh giá chất lượng của những tác phẩm dự thi năm nay?

Đồng chí Vũ Văn Tiến: Tính đến hết ngày 21/6/2019, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm báo chí dự thi của 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương.

Sau hơn 2 tuần chấm bài độc lập và họp, bình xét,  Hội đồng sơ khảo Giải thưởng đã tuyển chọn dược 60 tác phẩm của 4 thể loại nói trên để báo cáo Hội đồng chung khảo.

Đã tuyển chọn 19/417 tác phẩm báo in, 20/450 tác phẩm báo điện tử, 13/86 tác phẩm truyền hình, 8/48 tác phẩm phát thanh vào vòng chung khảo.

Trên cơ sở tuyển chọn của Hội đồng sơ khảo, Hội đồng chung khảo Giải đã họp, chấm chung khảo, thảo luận và thống nhất các nguyên tắc quy trình chấm, chọn các tác phẩm đạt giải một cách khách quan, công tâm và minh bạch.

Có thể nhận thấy, thể loại các tác phẩm báo chí đa dạng, tập trung nhiều nhất là phóng sự điều tra, ký, chuyên luận. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử công phu từ 3-5 kỳ, tập trung phản ánh vào các vụ án chống tham nhũng, công tác cải cách bộ máy hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nhiều tác phẩm thể hiện rất công phu và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật làm báo hiện đại như Mega story “Ma trận vàng đen trong cơn khát… năng lượng của nhóm tác giả báo điện tử Vietnamplus.

Đặc biệt, có nhiều các tác phẩm, phim tài liệu về đề tài các nhân vật điển hình trong phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

Các tác phẩm phát thanh, truyền hình ngày càng có nhiều sáng tạo, hấp dẫn về hình thức thể hiện. Các tác phẩm truyền hình công phu, nhiều kỳ. Các tác phẩm phát thanh được thể hiện bằng tiếng động hiện trường tạo sự sinh động, hấp dẫn.

Nội dung đề tài tác phẩm đa dạng, bám sát tiêu chí của Thể lệ như: Loạt bài 3 kỳ Công nhân Bình Dương cải tiến trong lao động sản xuất, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của báo điện tử Lao động Bình Dương, loạt bài 5 kỳ Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng của báo Lao động; loạt 4 kỳ Ninh Bình, dự án Tam Cốc - Bích Động đội vốn hơn 40 lần, loạt bài 3 kỳ Phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Cần quyết tâm và biện pháp đồng bộ của báo Long An….

Những tác phẩm phim tài liệu, phóng sự về đề tài nhân vật điển hình trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được đầu tư công phu và thể hiện với chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt, cách thức làm tương đối hiện đại, thu hút sự chú ý của người xem. Đó là phim tài liệu Ông Lực cao tốc của VTV8, Đài Truyền hình Việt Nam, tác phẩm Giải bài toán lãng phí đất đai Khu Công nghiệp tại đồng bằng Sông Cửu Long của VOV1, tác phẩm Những câu hỏi cần được giải đáp của truyền hình Công an nhân dân… Những tác phẩm này đã góp phần làm cho Giải thêm phong phú trong cách thể hiện cũng như đề tài.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, tham dự Giải năm nay vẫn chưa có nhiều tác phẩm về đề tài biểu dương những tấm gương tích cực trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong xã hội mà nhân dân đang quan tâm. Những nội dung này chưa được phản ánh thỏa đáng trong các tác phẩm dự thi.

Vẫn còn có tình trạng cơ quan báo chí, tác giả gửi bài chưa nghiên cứu kỹ Thể lệ giải nên có những tác phẩm dự thi không phù hợp, không đúng với Thể lệ.

Lễ tổng kết và trao Giải lần thứ hai cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024. Lễ trao giải không chỉ tôn vinh các tác giả, tác phẩm đạt giải mà còn nêu bật vai trò của Mặt trận, nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là vai trò của báo chí.

 

PV: Theo đồng chí, các cơ quan báo chí cần làm gì để tiếp tục khẳng định bản lĩnh tiên phong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí?

Đồng chí Vũ Văn Tiến: Như chúng ta đã biết, phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của toàn Đng, toàn dân và toàn quân ta. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ Trung ương đến cơ sở.

Qua thành công của Giải lần thứ nhất, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai tiếp tục khẳng định vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Hàng nghìn tác phẩm báo chí viết về đề tài đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nhất là những tác phẩm được trao giải lần này chính là minh chứng sinh động về vai trò quan trọng của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trong cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” hết sức cam go, phức tạp.

Tôi luôn mong muốn, các cơ quan báo chí, với sứ mệnh của mình, sẽ đồng hành cùng Mặt trận trong công tác tuyên truyền để tiếp tục khẳng định bản lĩnh tiên phong trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phígóp phần tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” những lần sau thành công hơn nữa.

 Các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, đặc biệt coi trọng tính khách quan, chân thực, chuyên nghiệp, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo. Chủ động phối hợp đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, lợi dụng chống tham nhũng, lãng phí để chống phá Đảng và nhà nước ta.

Mỗi nhà báo, mỗi tác phẩm báo chí cần bám sát tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên và Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 -2020, tập trung phản ánh sự vào cuộc kịp thời từ Trung ương tới địa phương đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các tác phẩm báo chí cũng cần phản ánh vai trò tuyên truyền, vận động của MTTQ các cấp trong đấu tranh với biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường biểu dương, cổ vũ những cách làm hay, những kinh nghiệm tốt, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và phản ánh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí; mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.

Thu Hằng (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất