Chủ Nhật, 15/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 8/1/2010 8:49'(GMT+7)

Báo chí lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu hành động

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp báo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Chiều 7/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên Chính phủ đã dự buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ cùng đại diện lãnh đạo, phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Thông báo những thành tựu về tình hình kinh tế-xã hội năm 2009 tới các cơ quan thông tấn báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những thành tích đáng mừng đã đạt được trong năm 2009, năm gặp nhiều khó khăn.

Thành tích này có được là nhờ sự nỗ lực, sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có những đóng góp rất quan trọng của công tác tuyên truyền của đội ngũ các cơ quan thông tấn, báo chí.

Xác định những nhiệm vụ nặng nề của đất nước trong năm 2010, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt hơn nữa chức năng của báo chí Cách mạng Việt Nam, làm tốt hơn chức năng diễn đàn của nhân dân.

Báo chí phải lấy lợi ích của đất nước dân tộc làm mục tiêu hành động. Mỗi tờ báo là một ngọn cờ Cách mạng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời hàng chục câu hỏi của các phóng viên báo chí liên quan tới công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, ùn tắc giao thông…

Giải đáp câu hỏi của phóng viên liên quan đến quốc phòng, an ninh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bảo vệ đất nước là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Truyền thống đó được xây dựng trên cơ sở một nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; trong đó, lực lượng Quân đội nhân dân làm nòng cốt.

Quân đội phải chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Việc trang bị vũ khí, khí tài quân sự cho quân đội là để bảo vệ đất nước, không nằm ngoài mục đích hiện đại hóa quân đội để bắt kịp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật quân sự trên thế giới. Đây cũng là việc làm bình thường của mỗi quốc gia nhằm mục đích duy trì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Về những giải pháp của Chính phủ để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, đây cũng là vấn đề bức xúc trong quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương mở rộng Hà Nội cũng hướng đến việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, mở rộng đường sá, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ ùn tắc giao thông không chỉ do nguyên nhân yếu kém của hệ thống hạ tầng mà còn do ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của người tham gia giao thông. Nếu mỗi người dân có ý thức hơn, chấp hành tốt hơn Luật An toàn giao thông, ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông thì sẽ hạn chế hơn vấn nạn ùn tắc giao thông.

Liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước kiên quyết và sẽ thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu này.

Thủ tướng cho rằng đây phải là một quá trình lâu dài, cần thực hiện nhiều biện pháp mang tính thống nhất cao, trước hết là hoàn thiện thể chế, cắt bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà nhũng nhiễu, tạo cơ hội cho một bộ phận công chức, cán bộ tha hóa về phẩm chất đạo đức lợi dụng để trục lợi.

Song song với đó là thực hiện công khai minh bạch, dân chủ mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước để mọi người dân và các cơ quan báo chí có thể giám sát. Xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng để răn đe, phòng ngừa chung, xây dựng đội ngũ cán bộ có tư chất đạo đức tốt, từng bước nâng cao điều kiện về thu nhập cho cán bộ công chức để vượt qua được những cám dỗ.

Nhắc đến những nhiệm vụ trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Chính phủ sẽ nỗ lực hết sức mình cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện cho được mục tiêu đã đề ra.

Chính phủ sẽ chú trọng vào các vấn đề như tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, coi đây là điều kiện tiên quyết phát triển kinh tế, tranh thủ nguồn lực phát triển chuyển dịch cơ cấu, tái cấu trúc nền kinh tế; giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội; làm tốt công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện vấn đề trước mắt gắn với trung hạn, dài hạn; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thông qua công tác thông tin tuyên truyền…

Thủ tướng cũng hoan nghênh các phóng viên đã phản ánh đúng những hành vi tiêu cực, tham nhũng và yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm những hành vi hành hung nhà báo theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, chính quyền các cấp phối hợp tốt hơn nữa với báo chí; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.

Cũng tại buổi họp báo, các thành viên Chính phủ đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên.

Liên quan đến vấn đề Tập đoàn Than, Khoáng sản Việt Nam đề xuất tăng giá than, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, Nhà nước không bao cấp về giá, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá than, việc tăng giá này xuất phát từ lý do cân bằng giá trong khu vực và quốc tế.

Đây cũng là biện pháp cần thiết để đảm bảo cho việc xuất khẩu than, tránh việc đầu cơ, buôn lậu. Chính phủ sẽ có biện pháp đảm bảo sự bình ổn về mặt bằng giá chung tránh tác động từ việc tăng giá than, ông Phúc nói.

Liên quan đến vấn đề tiền lương của Ban lãnh đạo Tổng Công ty đầu tư vốn Nhà nước (SCIC), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ đã được Thủ tướng phân công xem xét, phân tích và báo cáo Thủ tướng.

Cũng về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích thêm SCIC được Chính phủ lập ra để quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp, tách chức năng này ra khỏi các cơ quan quản lý Nhà nước.

Thủ tướng thừa nhận thiếu sót trong việc Chính phủ chưa ban hành kịp thời Nghị định quy định chức năng nhiệm vụ của đơn vị đặc biệt này, do đó thời gian qua, SCIC đang phải hoạt động theo khung pháp lý của các tổng công ty nên đã nảy sinh những vấn đề tiền lương, phụ cấp chưa thực sự chính xác, phù hợp. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ nhanh chóng hoàn tất và rút kinh nghiệm, giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về hạn chế trong công tác kiềm chế nhập siêu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng thừa nhận trách nhiệm trước Chính phủ vì chưa hoàn thành mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20%, để nhập siêu ở mức 21,6% trong năm 2009.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2010, Bộ sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, doanh nghiệp và các địa phương thực hiện bằng được mục tiêu kiềm chế nhập siêu dưới 20%.

Bộ sẽ thực hiện những giải pháp như tăng cường nội địa hóa, phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng khả năng cạnh tranh; kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là những mặt hàng thiết yếu; nghiên cứu, xây dựng hàng rào kỹ thuật ngăn chặn việc nhập khẩu những mặt hàng không có lợi cho nền kinh tế; đẩy mạnh việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam./.

TH  (theo Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất