Thứ Sáu, 22/11/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Hai, 12/12/2022 1:29'(GMT+7)

Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trước yêu cầu toàn cầu hóa

Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022” do Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức.

Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022” do Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương tổ chức.

Dự báo đến năm 2030, dân số Việt Nam sẽ tăng từ khoảng 96,7 triệu người hiện nay lên khoảng 104 triệu người, quy mô nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ tăng, do đó, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi hiện nay - khoảng 550 - 600 tỷ kWh điện.

Để bảo đảm an ninh năng lượng, Việt Nam đã và đang phải đối mặt không ít thách thức. Đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên kết cấu hạ tầng ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Bên cạnh đó, thách thức về tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng. Đáng chú ý, hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, nhất là nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trước yêu cầu toàn cầu hóa, Việt Nam cần ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một là, cần đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng là giải pháp luôn được ưu tiên vì đầu tư cho giải pháp này thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp rẻ tiền nhất chính là sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm. Trên cơ sở đó, năm 2010, Quốc hội đã thông qua Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tạo nền tảng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả. Trong thời gian qua, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm của hệ thống năng lượng nước ta. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là nhận thức của cộng đồng và các doanh nghiêp còn hạn chế, chưa sẵn sàng tiếp cận các thông tin về công nghệ, các giải pháp tiết kiệm năng lượng; nhiều doanh nghiệp thiếu vốn gặp khó khăn, hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vay tín dụng ưu đãi theo cơ chế hỗ trợ đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng.

Theo đánh giá của các chuyên gia WB, các ngành công nghiệp của Việt Nam có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lên tới 25% - 40%. Cùng với các chỉ số về hiệu quả sử dụng năng lượng như đánh giá ở trên thì đây là con số đáng để chúng ta suy ngẫm khi nghiên cứu soạn thảo quy hoạch phát triển năng lượng nói chung và điện lực nói riêng.

Chính phủ cần chuyển dần từ hình thức khuyến khích thực hiện năng lượng hiệu quả tự nguyện sang bắt buộc, từ đó đặt ra các chỉ tiêu hiệu quả năng lượng cho mỗi ngành công nghiệp với cơ chế thưởng phạt trong việc hoàn thành các chỉ tiêu này. Cần áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại có khả năng tiết kiệm nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giảm thải tác hại môi trường; quan tâm đến ngành cơ khí, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ… 

Hai là, cần phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện dự trữ năng lượng. Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo, nhưng sự phát triển các dự án điện từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Thực hiện lập kho dự trữ năng lượng là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung bên ngoài cho khu vực hoặc bất ổn trong nội bộ khu vực.

Ba là, đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng thay thế, tái tạo, như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, sinh khối, địa nhiệt giúp giảm tiêu thụ năng lượng truyền thống và giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc bên ngoài. Phát triển ngành năng lượng phải gắn với bảo đảm môi trường, xử lý kịp thời vấn đề môi trường, ngay cả với các nguồn năng lượng tái tạo, như rác thải từ điện mặt trời… hướng tới một nền năng lượng xanh, sạch, tiết kiệm và hiệu quả.

Bốn là, thực hiện chính sách giá điện bảo đảm tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Hiện nay, giá năng lượng nói chung và giá điện nói riêng chưa thực sự phản ánh đúng bản chất giá cả thị trường, dẫn đến quan hệ cung - cầu méo mó. Cần hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng, khắc phục cho được cách tính giá điện chưa hợp lý như hiện nay.

Năm là, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền để thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất, sử dụng năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới./.

Để triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025. Các hoạt động tuyên truyền nổi bật thời gian qua là:

Thứ nhất, tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng chuyển đổi thị trường thiết bị hiệu suất thấp sang thị trường thiết bị hiệu suất cao, tiết kiệm điện năng, năng lượng, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai, tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các đơn vị trực thuộc Bộ và các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc triển khai các giải pháp tiết kiệm điện; tổ chức các buổi tọa đàm nhằm tuyên truyền, phố biến tới các tầng lớp nhân dân về các quy định của pháp luật và các giải pháp tiết kiệm điện nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc sử dụng các thiết bị điện hiệu quả và tiết kiệm.

Thứ ba, xuất bản các “Bản tin tiết kiệm năng lượng”, qua đó chia sẻ các mô hình, giải pháp tiết kiệm điện trong hộ gia đình mùa nắng nóng, các giải pháp tiết kiệm điện đối với các ngành, các lĩnh vực; cập nhật và duy trì các tin, bài về các giải pháp, dự án điển hình trong tiết kiệm điện trên trang web: tietkiemnangluong.com.vn - Trang web chính thức của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ tư, tổ chức Hội nghị toàn quốc về tiết kiệm năng lượng với sự tham dự của trên 50 Sở Công Thương, Sở Khoa học Công nghệ và các Trung tâm khuyến công, trung tâm Tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc, trong đó quán triệt đến các đơn vị lồng ghép các chương trình tiết kiệm điện, các giải pháp tiết kiệm điện tại địa phương vào các chương trình tiết kiệm năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Thứ năm, giao kinh phí từ Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho một số tỉnh để tổ chức xây dựng phóng sự, bài viết trên các báo, đài tại địa phương và tổ chức các hội nghị tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện trên địa bàn các tỉnh thành phố.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất