Để chủ động kiểm soát, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn
hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Phó Thủ
tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ký ban
hành Kế hoạch 115/KH-BCĐ389 về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại
và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó, Kế hoạch yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây
dựng, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023;
chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn
hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xác định đối tượng,
tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm cần tập trung lực lượng, phương
tiện, biện pháp đấu tranh; xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở
trung ương và địa phương trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn,
lĩnh vực. Đồng thời, thành lập các đoàn công tác liên ngành triển khai nắm tình hình, kiểm
tra, đôn đốc, hướng dẫn các lực lượng, đơn vị, địa phương tổ chức đấu
tranh hiệu quả với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng
giả thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THU THẬP THÔNG TIN, TUẦN TRA, KIỂM SOÁT
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan tăng cường
công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình, tuần tra, kiểm soát tại
khu vực cửa khẩu đường bộ, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng
hóa gần biên giới, khu vực cảng biển, cảng sông quốc tế, cảng hàng không
quốc tế, bưu điện, chuyển phát nhanh quốc tế, đường sắt liên vận quốc
tế... thuộc địa bàn hoạt động hải quan; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất
nhập khẩu, hành lý xuất nhập cảnh; xây dựng, triển khai các phương án
tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn
chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong
đó tập trung vào các mặt hàng cấm (ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ,
động vật hoang dã) và hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn
xã hội, hàng giả nhãn hiệu, gian lận xuất xứ Việt Nam, hàng vi phạm
quyền sở hữu trí tuệ, hàng tiêu dùng thiết yếu, xăng dầu, điện thoại di
động, hàng may mặc, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, dược phẩm,
dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế; phối hợp
chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát,
triển khai thực hiện hiệu quả các chuyên đề, kế hoạch chống buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển.
BAN CHỈ ĐẠO 389 BỘ CÔNG THƯƠNG CHỦ ĐỘNG THEO DỖI, DỰ BÁO; HƯỚNG DẪN, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu
cầu hàng hóa tại địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu để có
phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa, góp
phần phòng ngừa các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả
dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; tổ chức hướng dẫn,
hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị
trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường; phối hợp
Vụ Thị trường trong nước, lực lượng Quản lý thị trường tổ chức giám sát
chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, bảo đảm nguồn
cung, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường
chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai các phương án
tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận
chuyển hàng cấm; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất
lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc, xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu
trí tuệ; các hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, mua
bán, trao đổi hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử, các trang mạng xã
hội...; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, đầu cơ găm hàng;
xây dựng, triển khai phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, biện
pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại gian lận thương mại và hàng giả, nhất là đối với hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng,
hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng
thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán.
Ban Chỉ đạo 389 các địa phương chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức
năng bảo đảm cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đạt chất lượng cho
Nhân dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; xây dựng,
triển khai kế hoạch tăng cường lực lượng, phương tiện, biện pháp kiểm
tra, kiểm soát, xử lý hành vi tàng trữ, buôn bán hàng nhập lậu, hàng
không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm
quyền sở hữu trí tuệ, các hành vi vi phạm về niêm yết giá... tập trung
vào nhóm hàng như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, đường cát, bánh kẹo,
hoa quả, hàng điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thời
trang cao cấp, gia súc, gia cầm...
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao
Bằng, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà
Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Gia Lai, Bình
Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí
Minh, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... chỉ đạo các
lực lượng chức năng, chính quyền các cấp nắm chắc tình hình, tăng cường
kiểm tra, kiểm soát, không để phát sinh các kho, bãi, điểm trung chuyển
hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí
tuệ và các hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu,
gian lận thương mại và hàng giả; đồng thời, tăng cường công tác phối
hợp, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới và địa bàn nội địa
nhằm phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và
hàng giả...
KHÔNG ĐỂ XẢY RA TÌNH TRẠNG ĐẦU CƠ, GĂM HÀNG, TĂNG GIÁ BẤT HỢP LÝ
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng đã ban hành Kế hoạch số 10/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Kế hoạch nhằm quán triệt và tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả
các Chỉ thị, Kế hoạch, Công điện, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT)
và các cơ quan liên quan trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian
lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không
đảm bảo an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác thuộc chức năng, nhiệm vụ
của lực lượng QLTT.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị
trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú
trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu
dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường,
nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết Dương
lịch và Tết Nguyên đán 2023.
Tổng
cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố xác định tuyến, địa bàn,
đối tượng, mặt hàng trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án cụ
thể để triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT
trong đợt cao điểm; tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu
tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 - 2025.
Song song đó,
tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi
phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng
cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: hàng điện tử, điện lạnh,
quần áo, giày dép, bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu bia thuốc lá, xì
gà, nước giải khát, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật….
Đặc
biệt tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán
pháo nổ, pháo hoa các loại; tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh
doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng; không để xảy ra tình trạng đầu cơ,
găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường
để phục vụ nhu cầu tết cho nhân dân.
Tổng
cục QLTT cũng chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác
phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên
tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm
thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị
nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh
thực phẩm, các tuyến đường bộ, đường sắt nhất là các địa bàn trọng điểm
tại các tỉnh biên giới, các thành phố lớn.
Ứng dụng có hiệu quả
công nghệ thông tin trong xử phạt vi phạm hành chính và phát hiện, xử lý
các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm
quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Đẩy
mạnh công tác thông tin, truyền thông kết hợp công tác kiểm tra, xử lý
vi phạm với việc vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên
thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng
giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không
kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng; kiểm tra đối với
những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi
phạm.
Động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có
thành tích suất sắc trong đợt cao điểm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát
việc triển khai hoạt động công vụ của công chức do cấp mình quản lý để
kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh công chức hoàn thành nhiệm vụ được phân
công, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định; kiên quyết xử lý nghiêm
tập thể, cá nhân bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật./.
Văn Quán