Thứ Bảy, 16/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 15/5/2009 22:49'(GMT+7)

Giải pháp đấu tranh với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên

Nâng cao chất lượng các cuộc họp chi bộ đang được nhiều cấp uỷ Đảng cơ sở coi trọng. Ảnh minh hoạ

Nâng cao chất lượng các cuộc họp chi bộ đang được nhiều cấp uỷ Đảng cơ sở coi trọng. Ảnh minh hoạ

1. Thực trạng

Lâu nay, chúng ta đã nói khá nhiều và khá đầy đủ về thực trạng xuống cấp về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Các văn kiện của Đảng và Nhà nước, các hội thảo và các phương tiện thông tin đại chúng đã nói quá đầy đủ. Điều tôi muốn lưu ý là, phải chăng tất cả các biểu hiện đó có thể khái quát thành hai vấn đề lớn:

Sự vi phạm nghiêm trọng những phẩm chất cơ bản của đạo đức xã hội: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Trong khi cả xã hội ra sức tiết kiệm trong sản xuất, trong tiêu dùng để làm lợi cho gia đình và cho xã hội, thì bộ phận cán bộ đảng viên suy thoái lại tìm cách lãng phí thời gian và của cải của xã hội. Họ tìm cách đục khoét và tiêu xài hoang phí tài sản công. Họ không hề nghĩ rằng tài sản đó là mồ hôi nước mắt của nhân dân làm nên. Bằng tiền của mà họ có được một cách phi pháp bằng các ngón xoay xở và những phi vụ mờ ám, họ mua đất, mua nhà, sắm ô tô,… hoặc chạy theo các cuộc chơi xa hoa trụy lạc.

Do chạy theo lợi ích cá nhân, những cán bộ đảng viên suy thoái đạo đức đã trở thành những kẻ vô liêm sỉ và bất chính. Phương châm sống của họ là tận dụng mọi thời cơ và điều kiện để đục khoét mọi tài sản của xã hội. Khi có quyền lực trong tay, họ dùng quyền lực để trả ân, báo oán. Họ cân nhắc, đề bạt những người cùng phe cánh, và tìm cách loại bỏ những người chính trực. Đối với họ, tiêu chuẩn để được đề bạt và sử dụng không phải là tài, đức, mà là có giúp họ đạt được các tham vọng cá nhân không.

Có lẽ đây là vấn đề đầu tiên cần đề cập đến, bởi vì khi một con người đã vi phạm những tiêu chuẩn đạo đức bình thường, thì làm gì có đạo đức cách mạng được.

Sự vi phạm nghiêm trọng tư cách người cán bộ cách mạng.

Khi nói về tư cách của người cán bộ cách mạng, Bác Hồ nêu ra năm mối quan hệ mà người cách mạng phải tập trung giải quyết tốt. Đó là: mình đối với bản thân mình, đối với đồng chí của mình, đối với công việc được giao, đối với nhân dân và đối với Đoàn thể (tức đối với Đảng).

Để giải quyết tốt năm mối quan hệ đó, theo Bác, phải quán triệt những nguyên tắc cơ bản như sau: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ yếu nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(1).

Những cán bộ đảng viên suy thoái đã giải quyết các mối quan hệ trên một cách đảo ngược. Đối với cá nhân, họ tư kiêu, tự mãn, lười học tập, thích sống xa hoa đồi trụy. Đối với các đồng chí của mình, họ luôn đố kỵ, ghen ghét, giấu diếm các khuyết điểm của mình và sẵn sàng bịa đặt vu khống người khác. Đối với công việc, họ vô trách nhiệm, làm chăng hay chớ. Đối với nhân dân, xa cách, vô cảm đối với những thiệt thòi, bất hạnh của người dân. Đối với Đảng, họ không trung thực, lừa dối Đảng, lợi dụng Đảng để mưu cầu danh lợi…

Như vậy, từ sự suy thoái về đạo đức đã biến thành sự suy thoái, đầu cơ về chính trị. Kẻ suy thoái đạo đức đã biến thành kẻ thù của cách mạng, của Đảng, của nhân dân.

2. Nguyên nhân và giải pháp

Vậy nguyên nhân nào làm nẩy sinh ra thực trạng xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống?

Tư tưởng cũng như đạo đức, lối sống không phải tự nhiên mà có, càng không phải nhất thành bất biến. Người ta nói: sống thế nào thì tư tưởng thế ấy. Có nghĩa là điều kiện sống làm nẩy sinh ra tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người. Nói điều kiện sống là nói đến mức sống và cách sống. Mức sống và cách sống khác nhau tất sẽ dẫn đến sự khác nhau về tư tưởng, đạo đức và lối sống của con người. Từ cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường đã và đang tạo ra sự phân hóa về mức sống và cả về cách sống ở nước ta hiện nay. Đó cũng là hiện tượng tất yếu thường thấy ở các nước có nền kinh tế thị trường. Nhưng xét cho cùng, lỗi hoàn toàn không phải do nền kinh tế thị trường, mà còn do sự sử dụng và điều hành nền kinh tế thị trường của chúng ta. Đúng như nhiều lần Đảng ta thừa nhận, bước sang kinh tế thị trường là một tất yếu lịch sử, nhưng thiếu sót của chúng ta là chậm phát hiện ra mặt trái của kinh tế thị trường. Phải chăng, đó là một nguyên nhân quan trọng cắt nghĩa sự xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội nói chung, và trên lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống nói riêng. Cũng do chậm phát hiện ra mặt trái của kinh tế thị trường, nên việc triển khai nghiên cứu về nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN chưa có bước tiến quan trọng.

Ngoài kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa cũng góp phần làm phức tạp hơn đời sống tinh thần của xã hội. Xu thế toàn cầu hóa cũng là xu thế tất yếu của thời đại, nhưng đúng như nhận định của giáo sư Mỹ F.Mclean: thời đại toàn cầu hóa là thời đại “vừa mừng, vừa lo,… và đầy mạo hiểm”. Liệu chúng ta đã có đầy đủ sự lo lắng và cảm giác mạo hiểm đối với toàn cầu hóa chưa?

Gần đây xuất hiện một công trình khoa học “Vận hành toàn cầu hóa” của Joseph E. Stiglitz (người Mỹ, được giải thưởng Nobel về khoa học về kinh tế năm 2001), đã chỉ ra những bất công trong luật chơi của toàn cầu hóa:

- Toàn cầu hóa nâng các giá trị vật chất lên trên các giá trị khác.

- Cách vận hành của toàn cầu hóa đã tước mất sự tự chủ của nhiều quốc gia đang phát triển, tước mất khả năng tự quyết định của họ trong những lãnh vực then chốt có ảnh hưởng đến hạnh phúc của công dân xứ họ. Trong ý nghĩa này, nó đã làm suy yếu nền dân chủ.

- Có lẽ điều quan trọng nhất là hệ thống kinh tế đang tạo ra sức ép lên các nước đang phát triển - trong một số trường hợp đã cưỡng bách họ - đã tỏ ra không phù hợp và thường gây ra những hậu quả cực kỳ tệ hại…(2)

Liệu những nhận xét đó của Stightz có đáng làm cho chúng ta và các quốc gia đang phát triển phải suy ngẫm và có những chủ trương chính sách thích hợp để đối phó với những thách thức ghê gớm của toàn cầu hóa kinh tế không?

Chắc chắn ai cũng thừa nhận kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa là tất yếu đối với thời đại chúng ta. Nhưng nếu không làm chủ nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa, thì an sinh xã hội, chủ quyền quốc gia khó mà được bảo đảm. Trong tình hình đó, sự phân hóa, sự xuống cấp về tư tưởng, đạo đức, lối sống quả là một vấn đề nan giải.

Được nẩy sinh trực tiếp từ điều kiện sống, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn là kết quả của quá trình giáo dục và tự giáo dục của con người. Về vấn đề này, cha ông ta thường nói: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhưng cha ông ta cũng tổng kết: “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Hai quá trình này không mâu thuẫn với nhau, trái lại muốn khắc sâu một nét đặc trưng rất cơ bản của con người: cái khát vọng muốn vươn lên cải tạo hoàn cảnh. Lý luận nhận thức của Lênin nói rất rõ điều đó. Bác Hồ của chúng ta cũng thường nhấn mạnh điều đó. Bác viết:

Ngủ thì ai cũng như lương thiện

Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền

Hiền dữ đâu phải là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên.

Trong cuộc sống bình thường, giáo dục con người luôn là một hoạt động quan trọng. Khi xã hội có biến động, hoạt động đó càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bài học về xây dựng Đảng mà Bác để lại cho chúng ta cũng là ở đó. Từ “Đường Kách mệnh” viết năm 1927 cho đến bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” viết năm 1969 trước lúc Bác đi xa, đều thể hiện một sự quan tâm thường xuyên, thường trực của Bác đối với vấn đề sống còn của Đảng, vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Đáng tiếc, bài học đó chưa được vận dụng một cách thường xuyên, nghiêm túc trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng. Khi chúng ta coi nhẹ hay buông lỏng việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho xã hội nói chung, và cho cán bộ đảng viên nói riêng, thì xã hội sẽ đảm đương nhiệm vụ đó, có nghĩa là nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa sẽ trực tiếp làm công tác tư tưởng, đạo đức cho xã hội. Và nếu điều đó xảy ra, thì hậu quả khôn lường.

Một giáo sư về chính trị của Đại học Havơt (Mỹ) có nói một câu chí lý: “Nếu trong xã hội, mọi người đều suy nghĩ và hành động giống hệt nhau, thì xã hội đó không khác gì một bầy ong. Nhưng nếu trong xã hội, mọi người suy nghĩ và hành động hoàn toàn khác xa nhau, ai muốn làm gì thì làm, thì không một xã hội nào có thể tồn tại được.

3. Giải pháp

Tư tưởng, đạo đức, lối sống là những thành tố của văn hóa. Văn hóa, như Bác Hồ dạy, không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Vì vậy phải tìm những giải pháp khắc phục sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở ngay trong nền kinh tế và chính trị của chúng ta. Những yếu kém trong quản lý nền kinh tế thị trường có thể làm biến dạng nền kinh tế, cũng như những yếu kém trong lãnh đạo và quản lý chính trị và hành chính có thể làm biến dạng nền chính trị của đất nước. Vì vậy tăng cường công tác tổ chức, giáo dục và kiểm tra các hoạt động về kinh tế, chính trị, cũng như những cán bộ chủ chốt trên các lãnh vực này là biện pháp đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chúng ta còn nhớ câu nói nổi tiếng của Lênin: “Bệnh quan liêu đã làm ô nhục chính quyền Xô viết…”. Chúng ta nghĩ gì về câu nói đó khi vận dụng vào bộ máy hành chính của chúng ta? Khi một nền kinh tế và chính trị vận hành theo quỹ đạo của văn hóa, thường xuyên được tiếp nhận các giá trị văn hóa của dân tộc và của thời đại, thì bản thân nền kinh tế và chính trị đó sẽ tạo nên một môi trường xã hội thuận lợi để hình thành các giá trị và chuẩn mực văn hóa. Đó là biện pháp tích cực nhất nhằm chống lại những suy thoái đang diễn ra.

Biện pháp thứ hai, cũng rất cần thiết, là phải xác định cho rõ, cán bộ đảng viên là người của Đảng và của công chúng. Vì vậy họ phải thường xuyên được nhận sự kiểm tra và giám sát của Đảng và của công chúng. Hiện nay, công tác kiểm tra và giám sát cán bộ đảng viên chúng ta làm chưa có hiệu quả, mà nguyên nhân chủ yếu vì chưa có chế tài cụ thể. Trong Đảng, ban kiểm tra các cấp là do cấp ủy bầu ra. Khi cấp ủy cấu tạo nên ban kiểm tra thì ban kiểm tra khó lòng kiểm tra hoạt động của cấp ủy, càng không thể kiểm tra công tác của ban thường vụ và của bí thư cấp ủy. Nên trở về với kinh nghiệm mà từ lâu Lênin đã đề ra: Đại hội toàn quốc bầu ra Ban chấp hành trung ương, đại hội cũng bầu ra Ban kiểm tra trung ương. Vì vậy Ban kiểm tra trung ương có quyền và có trách nhiệm kiểm tra hoạt động của Ban chấp hành trung ương, kiểm tra hoạt động của Ban bí thư, Bộ Chính trị và của Tổng bí thư.

Trong công tác kiểm tra và giám sát của công chúng, cũng còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Bao trùm nhất, vẫn là việc chưa thật sự quán triệt quan điểm của Bác lấy dân làm gốc và dựa vào dân để xây dựng chỉnh đốn Đảng, chưa có cơ chế để dân nói hết tâm tư nguyện vọng của mình đối với cán bộ, đảng viên, và để dân bày tỏ chính kiến của mình đối với tất cả các vấn đề có liên quan đến sự phát triển của đất nước.

Biết khơi dậy tính tích cực cách mạng của quần chúng, biết phát huy vai trò kiểm tra và giám sát của quần chúng, cũng là biện pháp tích cực để đẩy lùi những tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; bởi vì trong bối cảnh đó, bọn thoái hóa biến chất khó tìm ra miếng đất và bạn đồng minh để hoạt động. Hãy nhớ lại câu nói của Bác: “quan tham vì dân dốt. Nếu dân không dốt thì quan muốn tham cũng không tham được”.

Có liên quan đến việc phát huy vai trò kiểm tra giám sát của xã hội là vai trò của báo chí và của các phương tiện thông tin đại chúng. Ở thời đại ta, ở bất cứ quốc gia nào, thông tin đại chúng đang đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong lãnh vực dân chủ hóa đời sống xã hội. Ở nước ta, trong nhiều văn kiện của Đảng và Nhà nước, cũng đã nhiều lần khẳng định vai trò tích cực của báo chí trong việc đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực đang diễn ra. Tất nhiên cũng đã có vài hiện tượng thông tin thiếu chính xác. Tuy vậy, có thể khẳng định, thiếu vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, thì cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống khó mà thu được kết quả như chúng ta mong muốn./.

——————

(1) Hồ Chí Minh. Toàn tập, T.9, tr.285

(2) Joseph E. Stiglitz - “Vận hành toàn cầu hóa” , NXB Trẻ, 2008, tr.43.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất