Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 27/7/2013 9:34'(GMT+7)

Bảo tồn cổ vật: Sao vẫn “mất bò mới lo làm chuồng”?

Giá treo quả chuông cổ bị kẻ gian phá hỏng (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giá treo quả chuông cổ bị kẻ gian phá hỏng (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sự việc một lần nữa phản ánh thực trạng “mất bò mới lo làm chuồng” của những người có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, di tích lịch sử hiện nay.

"Mất bò…"

Theo phản ánh của ông Trần Văn Đệ, Trưởng thôn Phù Lưu Hạ (xã Phù Lưu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), trong thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 1/2013, chùa Phù Lưu Hạ và đình Phù Lưu Hạ (di tích lịch sử cấp tỉnh/ thành phố được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tây (cũ) xếp hạng năm 2006) đã liên tiếp bị mất một quả chuông cổ và nhiều đồ thờ tự bằng đồng có giá trị khác.

Là một trong những người phát hiện ra vụ mất trộm đầu tiên, cụ Nguyễn Ngọc Sáng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phù Lưu, kể lại: “Vào một ngày tháng 10/2012, khi đi ngang qua đình, tôi thấy cổng đình bỏ ngỏ. Vào bên trong, tôi thấy bát hương ở hè đình và trong cung đều bị đổ.”

Khi tiến hành sắp xếp lại, “chúng tôi thấy đình đã bị mất một bát hương sứ to (đường kính 40cm, cao 40cm) và hai bộ tam sư bằng đồng,” cụ Sáng cho biết.

Vụ mất trộm này là một tổn thất tinh thần to lớn cho người dân trong xã. Theo hồ sơ công nhận di tích lịch sử, bát hương sứ của đình Phù Lưu Hạ có niên đại trên 100 năm, được chế tác hết sức tinh xảo. Đây cũng được đánh giá là một trong những cổ vật có giá trị nhất còn lưu lại trong đình làng Phù Lưu.



Cụ Sáng chỉ nơi từng đặt bát hương cổ (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khi tung tích kẻ gian vẫn chưa được tìm ra thì vào khoảng 5 giờ sáng ngày 17/12/2012, bà Đỗ Thị Đào là người trông chùa Phù Lưu Hạ đã phát hiện cửa chùa bị phá khóa.

Sau khi kiểm tra, “chúng tôi phát hiện mất hai phù hương và một mâm bồng bằng đồng (đường kính 60cm, nặng khoảng 25kg). Cùng thời điểm đó, bên đình Phù Lưu Hạ cũng phát hiện mất một mâm bồng với kích thước tương đương,” ông Đệ thuật lại sự việc. [Chùa Phù Lưu Hạ và đình Phù Lưu Hạ nằm cạnh nhau, có một lối đi nhỏ thông sang nhau và không có cửa khóa vào thời điểm đó-PV].

Trong khi vẫn chưa hết hoang mang vì những vụ mất trộm cổ vật xảy ra liên tiếp, tới đầu năm 2013, hơn 300 hộ dân thôn Phù Lưu Hạ lại tiếp tục bàng hoàng khi kẻ gian tiếp tục phá cửa, tiếp tục đột nhập vào chùa.

Dẫn PV Vienam+ ra phía trái chùa, cụ Sáng tay run run chỉ lên giá treo chuông giờ trống không. Cụ kể lại: “Vào sáng sớm ngày 11/1/2013, khi đi lên chùa, chúng tôi phát hiện cửa chùa bị cậy phá. Hoảng hốt vào trong thì dân làng phát hiện quả chuông lớn đã bị kẻ gian dùng kìm cộng lực cắt khỏi giá treo và đưa đi từ bao giờ.”
 
Theo hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh/thành phố của chùa Phù Lưu Hạ (do Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây (cũ) lập năm 2006), quả chuông này cao 100cm, đường kính miệng 47cm, niên đại Thành Thái lục niên (1895), trên thân chuông có khắc tên một số người trong địa phương đã có công tu bổ di tích này.

"… cuống cuồng làm chuồng"

Điều đáng nói, ngay sau vụ trộm đầu tiên xảy ra, những người chịu trách nhiệm trông coi di tích lịch sử này lại “chủ quan,” không tăng cường công tác an ninh.

“Đúng là chúng tôi đã chủ quan khi không tiến hành tăng cường bảo vệ an ninh cho khu di tích này ngay sau khi vụ trộm đầu tiên xảy ra. Phải đến khi bị mất quả chuông, một trong những cổ vật quý giá nhất của di tích, chúng tôi bắt tay vào việc này. Từ khi bị mất cổ vật, cả làng ngẩn ngơ,” ông Đệ trình bày.

Theo ông Đệ, sau vụ mất trộm thứ ba, những người trông coi di tích này mới “nâng cao cảnh giác” bằng việc xây tường cao, kiên cố hóa một số cửa sổ, cửa chính tại đình và chùa.

Chỉ tay vào một hệ thống then sắt chạy dọc cửa chùa, cụ Sáng cho hay, sau khi kẻ gian phá cửa, bà con trong thôn mới tăng cường thêm các thanh ngang này. Thậm chí, mọi người còn… không dám mở cửa chùa, chỉ ra vào bằng một lối nhỏ từ nhà nghỉ phía dưới.

Ngoài ra, một loạt cửa sổ xây gạch hoa sen hở trước đây cũng đều đã được bịt kín chống tình trạng kẻ gian phá tường vào lấy đi các cổ vật như trước đây.

Không chỉ vậy, từ vài tháng nay, 300 hộ dân thôn Phù Lưu Hạ đều phải cắt cử thanh niên thay phiên nhau phối hợp cùng các bậc cao niên để trông coi di tích.

“Làm thì làm thế, nhưng thực sự trong chùa và đình, những gì cổ nhất, quý nhất thì đều đã bị lấy đi hết rồi,” cụ Sáng đau xót thở dài.



Sau khi bị kẻ gian đột nhập tới ba lần, những người có trách nhiệm trông giữ di tích mới xây thêm rào chắn sắt xung quanh di tích (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, trong đình và chùa Phù Lưu Hạ hiện chỉ còn chín sắc phong cổ là có giá trị nhất. Những sắc phong này đã được các bậc cao niên cất kín trong hòm ở một vị trí bí mật để tránh mất mát.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an huyện Ứng Hòa đã có mặt để tiến hành khám nghiệm hiện trường. Theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng đã phát hiện một số dấu chân và dấu vân tay tại một số vị trí như cột trụ đình Phù Lưu Hạ, cửa chùa…

Trong lúc chờ đợi kết luận cuối cùng của cơ quan công an, hàng trăm hộ dân Phù Lưu vẫn mất ăn, mất ngủ vì phải căng mình trông giữ những gì còn sót lại./.

Trong thời gian qua, rất nhiều đình, chùa đã bị kẻ gian "viếng thăm," mang đi nhiều cổ vật có giá trị lịch sử.

Điển hình nhất, đầu năm 2013, tại đền Bồng Châu (xã Hùng Cường, huyện Kim Động, Hưng Yên), 69 sắc phong cổ đã bị kẻ gian đột nhập lấy đi hết.

Ngoài ra, khoảng cuối năm 2012, tại đình Yên Việt (xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, Bắc Ninh), 11 đạo sắc phong của các vua triều Lê, Nguyễn và một mâm bồng bằng đồng từ thời Nguyễn cũng đã bị kẻ gian lấy đi.

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, cổ vật, hiện vật có giá trị lịch sử rất lớn, góp phần quan trọng để tạo nên phần “hồn” của các di tích lịch sử.

Bởi thế, ban quản lý các  di tích lịch sử cần tăng cường, làm tốt hơn nữa việc đăng ký danh sách các loại cổ vật, hiện vật (về niên đại, giá trị…) ở các di tích lịch sử với các cơ quan chức năng để có biện pháp bảo quản, bảo vệ hiệu quả hơn.

Đại diện công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho rằng, các hiện vật này chủ yếu được lưu giữ và bảo quản tại các đình chùa nên các địa phương phải chủ động nâng cao cảnh giác và có các phương án bảo vệ cụ thể. Ví dụ như, thay vì việc cắt cử các cụ già tuổi cao sức yếu trông giữ thì địa phương hãy trích kinh phí để thuê lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp hơn.

"Nếu cứ để xảy ra tình trạng bị mất trộm rồi báo lên cơ quan chức năng thì chúng tôi không thể xử lý xuể," vị công an này cho hay.


Sơn Bách-Phương Mai (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất