Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 20/7/2013 22:48'(GMT+7)

Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh



Sự nghiệp cao cả và vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với tấm gương đạo đức trong sáng của Người đã để lại trong lòng nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung những tình cảm sâu đậm. Sau khi Người qua đời, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để gìn giữ thi hài Người; xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh và hệ thống các bảo tàng, di tích lịch sử lưu niệm về Người trong cả nước để lưu giữ, bảo tồn và phát huy tác dụng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về Người. Bên cạnh những công trình lớn ấy, với lòng kính yêu, biết ơn, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta ở khắp mọi miền của Tổ quốc còn sáng tạo ra nhiều hình thức tưởng niệm Người như: xây dựng tượng, tượng đài, nhà bia, đền thờ, quảng trường, đặt tên cho thành phố, nhà máy... Những công trình tưởng niệm không chỉ thể hiện tình cảm thiêng liêng mà còn là niềm tự hào, là động lực tinh thần to lớn khích lệ nhân dân tích cực thực hiện lời dạy của Người là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, hiện nay cả nước có khoảng 400 công trình tưởng niệm về Người, chủ yếu dưới các hình thức: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài kỷ niệm và bia, biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh;  Tượng  Chủ tịch  Hồ Chí Minh ở ngoài trời; Các công trình nhà máy, trường  học,  xí nghiệp, đường phố, công viên... mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh v.v...
Các công trình trên đã và đang phát huy tác dụng trong đời sống xã hội, đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp giới thiệu, tuyên truyền, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi công trình đều ghi dấu ấn về sự nghiệp cách mạng của Bác trong lịch sử dân tộc. Tuy quy mô, hình thức và cách tổ chức, quản lý có khác nhau nhưng tất cả đều mang nét trang nghiêm, thể hiện tấm lòng thành kính của nhân dân đối với Bác. Một số công trình tiêu biểu như: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Cao Bằng, công trình thủy điện Hòa Bình, thành phố Vinh (Nghệ An), thành phố Pleiku (Gia Lai)...; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng, Cà Mau, Hải Dương, đảo Trường Sa lớn (Khánh Hòa)... Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân xây dựng tại Cao Bằng, Bến Tre, Thái Bình...; Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hưng Yên... Ngoài ra, phổ biến nhất là việc treo ảnh, đặt tượng Bác trong các gia đình, công sở. Điều đó thể hiện sự kính yêu của nhân dân đối với vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.
Tại các công trình tưởng niệm thường diễn ra nhiều hoạt động như: nghi thức dâng hương, dâng hoa trong những ngày lễ, tết; tổ chức các sinh hoạt chính trị có ý nghĩa như báo công, kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn, Đội; tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Những hoạt động trên góp phần làm cho hoạt động văn hóa cơ sở thêm phong phú và có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Các công trình tưởng niệm về Bác đã và đang trở thành một trong những thiết chế không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng chính quyền các cấp và sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhiều công trình tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước đã được đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị dưới nhiều hình thức. Mỗi công trình đều chứa đựng những giá trị văn hóa - nhân văn sâu sắc, nên đi vào lòng người một cách tự nhiên và đầy cảm xúc. Hoạt động của các công trình trên có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức cách mạng và lối sống cho nhiều thế hệ người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhiều công trình tưởng niệm đã trở thành di tích Quốc gia đặc biệt như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (quận Ba Đình, Hà Nội), Di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên).

Hầu hết, các khu tưởng niệm về Bác đều được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền các địa phương. Ngoài việc tổ chức biên chế, hưởng chế độ theo ngạch công chức sự nghiệp thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cán bộ, công nhân viên còn thường xuyên được đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn bảo tàng, hướng dẫn du lịch nên trình độ không ngừng nâng cao, đáp ứng nhiệm vụ chính trị là tuyên truyền, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ chí Minh tới nhân dân trong nước và khách quốc tế. Hàng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh Trung ương, với tư cách là đơn vị đầu hệ thống đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học và lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm cung cấp thông tin, xác minh tư liệu, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác này tại các khu di tích, khu tưởng niệm về Bác thuộc hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm cả nước. Có thể nói, năng lực trình độ cũng như phẩm chất của đội ngũ cán bộ tại các di tích, khu tưởng niệm về Bác là tương đối đồng đều, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, do nhận thức có hạn, nên một số người coi Bác là thần, thánh, dẫn đến thêu dệt những câu chuyện mang tính huyền bí. Nhiều nơi đưa tượng Bác Hồ vào đình, đền, chùa, lập thành ban thờ Bác. Cá biệt có nơi còn đặt hòm dầu nhang, bói quẻ trước tượng thờ Người. Mặc dù, mong ước, nguyện vọng của nhân dân được thờ, viếng Bác là một thực tế đáng trân trọng nhưng không nên để tình trạng trên diễn ra một cách tự phát.

Ngày 8-9-2003, Bộ Chính trị đã có văn bản số 175-CV/TW hướng dẫn các địa phương thể hiện nguyện vọng tình cảm của nhân dân đối với  Bác. Trong đó lưu ý cấp ủy các cấp: “Không nhất thiết các tỉnh, thành phố đều xây dựng tượng đài Bác Hồ” và “không xây mới các Đền thờ Bác Hồ hoặc đưa ảnh, đưa tượng Bác Hồ vào thờ trong đình, đền, chùa. Cần đáp ứng nguyện vọng bày tỏ lòng tôn kính của các tầng lớp nhân dân đối với Bác Hồ bằng việc hướng dẫn treo ảnh, đặt tượng Bác trong nhà, trong cơ quan, công sở”.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quán triệt sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thể hiện tình cảm, lòng biết ơn đối với Bác bằng những việc làm cụ thể. Đó là, thiết thực học và làm theo Bác, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc bồi dưỡng thế hệ trẻ... Toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như mong muốn của Người lúc sinh thời.

Với ý nghĩa đó, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là trách nhiệm mà còn thể hiện tình cảm của toàn Đảng, toàn dân ta đối với Bác kính yêu và với các thế hệ mai sau./.

Vũ Công Hội
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất