Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 19/7/2013 22:20'(GMT+7)

Tính khả thi của quy định xử lý vi phạm hành chính về bạo lực gia đình: Còn quá nhiều ý kiến

Những hành vi bạo lực gia đình có được phát hiện?

Theo tôi, các điều khoản trong dự thảo Nghị định này đã dựa trên những quy định của pháp luật hiện hành. Có 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Trong thực tiễn, hình thức phạt tiền ít được áp dụng hơn. Bởi phạt tiền đối với người gây bạo lực dù đó là chồng hay vợ thì vẫn ảnh hưởng tới “nồi cơm” của gia đình họ. Một bất cập lớn hiện nay là do quan niệm của không ít nạn nhân bạo lực gia đình cảm thấy xấu hổ hoặc “không đành lòng” khi lên tiếng tố cáo người thân của mình.

Đây là khó khăn trong việc áp dụng xử phạt hành chính. Những hành vi BLGĐ mà dự thảo quy định cũng không khác với những hành vi bạo lực xã hội khác như đe dọa, chửi rủa, đánh đập gây thương tích, xúc phạm nhân phẩm, danh dự...

Điều khác biệt là người gây bạo lực và nạn nhân của hành vi bạo lực đều là người thân thích của nhau, đều là thành viên của gia đình. Những quy định trong Dự thảo là cần thiết và đúng với tinh thần của Luật Phòng chống BLGĐ.

Điều mà dư luận cũng như chính những người làm luật băn khoăn chính là những hành vi BLGĐ có được phát hiện hay không? Bởi chính người trong cuộc là nạn nhân lại không lên tiếng tố cáo, thành viên khác trong gia đình cũng không lên tiếng thì cơ quan chức năng lấy cơ sở nào để xử phạt?

Vấn đề quan trọng là cần làm cho nạn nhân thấy rằng khi quyền con người của thành viên gia đình bị chà đạp thì họ cần phải lên tiếng và người dân ở cộng đồng - những người hàng xóm chứng kiến hành vi bạo lực gia đình cũng nên lên tiếng, can thiệp, bảo vệ nạn nhân, lên án hành vi gây bạo lực và cùng với nó thì chính quyền - những người được giao nhiệm vụ phải thật sự vào cuộc. Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào công tác truyền thông, giáo dục.(Ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL)

Tính cộng đồng cần được đề cao trong PCBLGĐ

Chúng ta cần hiểu đây là hình thức xử phạt hành chính nhằm răn đe và giúp cho các gia đình điều chỉnh các hành vi trong gia đình chứ không phải cứ phạt thật nặng là đạt hiệu quả. Đặc biệt, kinh tế các gia đình hiện nay chưa tách bạch, tiền bạc đều là của chung nên nếu xử phạt quá nặng thì đúng là Nghị định sẽ thiếu tính khả thi. Ý kiến cho rằng rất khó để phát hiện ra hành vi BLGĐ để xử phạt là đúng, và những quy định trong dự thảo chỉ nhằm hướng vào những đối tượng đã công khai bị phát hiện.

Tôi không đồng tình với quan điểm là phải xử phạt hành chính bằng mức tiền thật nặng. Xử phạt hành chính nhằm góp phần cho người chồng hay người vợ nhận thức được hành vi của mình, và sự can thiệp của Nhà nước ở đây không phải là để họ chia tay mà nhằm giúp họ giải quyết mâu thuẫn, giúp cho người gây ra BLGĐ nhận thức được sai phạm của mình để sửa chữa.

Việc đưa BLGĐ vào dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình theo tôi là hoàn toàn hợp lý. Mức xử phạt lần này có tăng hơn Nghị định số 110/2009/2010/NĐ-CP ngày 10.12.2009 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ. Theo tôi, quy định này cũng là phù hợp mang tính chất răn đe và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội VN.

Đành rằng những nạn nhân bị BLGĐ như chồng, vợ, con cái có thể không tố cáo nhưng tính khả thi của Nghị định lại phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ hàng xóm, cộng đồng và tổ chức xã hội. Ở những làng quê, nông thôn thì tính khả thi càng mạnh hơn nhiều khi tính cộng đồng, họ hàng, gia tộc rất mạnh.

Ở thành thị thì rất khó khi mà các nhà biệt lập, cửa đóng then cài, đôi khi bật ti vi, đài lên thì những hành vi BLGĐ khó bị phát giác hơn. Theo tôi, mỗi cá nhân liên quan tới BLGĐ cần phải nhận thức được việc này, bà vợ bị chồng đánh phải khai ra và cầu cứu các cơ quan, tổ chức đoàn thể như bố mẹ, bạn bè, hội phụ nữ, công an... (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTTDL Hoàng Minh Thái)

Nếu thay thế nghị định cũ thì phải cải tiến hơn!

Nội dung mục 4 của Dự thảo không có cải tiến gì so với Nghị định 110/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCBLGĐ, nếu không muốn nói là giống hệt chương II của Nghị định 110. Do vậy rất khó để nói lên điểm tích cực của dự thảo là gì, trong khi Nghị định 110 đã ra đời mấy năm nay mà hiệu quả cũng chưa được thể hiện: rất ít các vi phạm về BLGĐ được xử lý hành chính. Nếu Nghị định này ra đời nhằm thay thế Nghị định cũ thì cũng cần có điểm cải tiến hơn, nếu không, chỉ cần tiếp tục thực hiện Nghị định 110 là đủ, tránh gây rối.

Về các điều khoản cụ thể của dự thảo: do trước đây, khi xây dựng Nghị định 110, đã có nhiều ý kiến cho rằng không nên hành chính hóa các quan hệ gia đình, đồng thời cũng ảnh hưởng phần nào đến các quyền dân sự và các quan hệ dân sự, Nghị định này cũng nên tránh những luồng ý kiến đó.

Cũng như Nghị định 110, một số quy định trong dự thảo Nghị định này không mang tính khả thi: việc phạt tiền đối với vợ hoặc chồng có hành vi BLGĐ chẳng những không làm cho BLGĐ giảm đi hay người có hành vi BLGĐ thay đổi hành vi mà ngược lại có thể làm cho mâu thuẫn giữa vợ và chồng căng thẳng thêm, thậm chí nếu là bạo lực đối với phụ nữ thì người phụ nữ sẽ có nguy cơ bị bạo lực nhiều hơn, nặng hơn do đã để cho chính quyền biết việc mình bị chồng đánh.

Cũng cần phải nói thêm rằng, việc phạt tiền đối với hành vi BLGĐ sẽ không mang nhiều yếu tố răn đe đối với người có hành vi bạo lực, đặc biệt là nam giới với phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn, khi người phụ nữ phần lớn là ở nhà làm ruộng, phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng đi làm bên ngoài kiếm tiền về cho gia đình.

Nếu phải nộp phạt, vô hình trung càng làm tăng tính gia trưởng và yếu tố phụ thuộc (về kinh tế) của người phụ nữ trong gia đình đối với chồng mình. Như vậy, xét dưới góc độ nào thì người phụ nữ vẫn chịu thiệt thòi nhất, dù có hay không tố cáo hành vi bạo lực của chồng; dù chồng có hay không bị xử lý,...

Hay đối với quy định xử phạt về hành vi bạo lực kinh tế (Điều 60), rất khó có thể áp dụng được vì chỉ nguyên việc xác định được thế nào là “kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính” đã là rất khó; hay việc xác định “sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng” cũng vậy.

Trong gia đình, quan hệ giữa các thành viên được xác lập dựa trên vị trí và các chuẩn mực đạo đức, từ đó, các ứng xử cũng đều dựa trên quan hệ này. Cha mẹ có thể hoặc cần phải kiểm soát tài chính của con, nhất là con chưa thành niên; thành viên gia đình thường cùng sử dụng tài sản chung, có tính đến ưu tiên cho các vị trí trong gia đình (VD: người già, trẻ em, phụ nữ có thai,...).

Đồng thời, tài sản chung này có được tính khi người chồng có hành vi bạo lực với vợ và lấy tài sản chung này (tiền) đi nộp phạt không? Điều này dẫn đến tình trạng người bị bạo lực chấp nhận chịu đựng hơn là đem tiền của mình đi nộp phạt. (Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Trưởng ban Gia đình - xã hội, Hội LHPNVN)


Thúy Hiền
/Báo Vănhoá
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất