Vùng cát ven biển Quảng Nam khô cằn, khắc nghiệt, nắng rát, không có nước, rất ít loài cây sống được. Chỉ có dương liễu là loại cây chịu đựng, tồn tại, góp màu xanh, thân lá và nhựa sống cho đời.
Tôi không có ý định nói nhiều về đặc điểm tự nhiên, sinh thái của một loài cây. Mà muốn kể lại một câu chuyện...
Thời chiến tranh chống Mỹ, không ít người đã nghe về cây Dương ông, có người gọi là Dương thần, ở vùng Đông Thăng Bình - Duy Xuyên, Quảng Nam. Cách đây hơn 10 năm, tôi được đọc mấy câu chuyện của các nhà văn viết về xã Bình Dương 3 lần anh hùng, trong đó có hình ảnh cây Dương thần. Câu chuyện làm tôi thích và tò mò. Cứ tưởng cây Dương thần ấy không còn nữa, nhưng đến nay, vẫn sống khỏe mạnh và chắc sẽ còn trường thọ. Tháng trước, tôi cùng mấy người bạn đã đến tận nơi để tìm, để nghe thêm lần nữa về Dương thần. Chuyện thật một trăm phần trăm mà cứ như huyền thoại.
Tại vùng Đông Thăng Bình - Duy Xuyên, khu vực giáp ranh giữa Bình Dương và Duy Hải, có một cây dương cổ thụ. Nhân dân ở đây gọi là cây Dương Ông, và còn một tên gọi nữa: Dương thần. Nó cao lớn nhất, cổ thụ nhất trong số những cây dương ở vùng này. Thân cây khá to. Người ta nói cây dương có đến gần trăm năm. Một số cụ già 80 tuổi kể rằng, ngày các cụ còn nhỏ đã thấy cây dương cao lớn rồi, trưởng thành rồi. Bên cạnh đó, cách khoảng mươi mét, còn có một cây dương cổ thụ nữa, thấp hơn một ít, cùng thời, người ta gọi là cây Dương Bà. Cũng đã từ lâu, dưới gốc hai cây dương, có xây bằng vôi một chỗ để thắp hương. Và tôi thấy có nhiều hương thắp ở đó. Kế bên còn có dấu tích của một ngôi miếu nhỏ. Tôi hỏi người dân địa phương: chỗ này thắp hương cho ai? Họ trả lời: thắp cho những người đã chiến đấu hy sinh ở đây và cho những điều tâm linh khác...
Thời chiến tranh, ở vùng này, chiến sự vô cùng ác liệt. Địch lấn chiếm, tàn phá, cày ủi tất cả. Chúng muốn biến thành bình địa, một sa mạc chết. Những cồn cát trắng, rộng dài, trơ trọi và hoang vắng. Ban đêm đi qua đây thường có một cảm giác rờn rợn. Chỉ còn lại duy nhất một khu vực nhỏ, một “căn cứ lõm” của du kích, địch không sao chiếm được, không cày ủi được, dù rất nhiều lần tấn công vào đây dữ dội, quyết liệt. Đó là khu vực quanh cây dương này. Đây là nơi sống, hoạt động và chiến đấu rất kiên cường của các đội du kích xã, đồng thời cũng là nơi gặp nhau của các đội công tác ở khu vực lân cận. Là nơi bộ đội, cán bộ trên tỉnh về, kể cả Quảng Nam và Quảng Đà, liên hệ, trú chân, ẩn giấu lực lượng, làm điểm hẹn để bàn việc nước; là nơi bí mật tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng, hợp đồng chiến đấu, làm bàn đạp xuất quân... Là nơi mà những người yêu nước, kể cả những người từ trong hàng ngũ địch muốn về với cách mạng, đã tìm đến để bắt liên lạc. Đêm đêm, đi qua vùng này, khi tối trời, lạc đường, phải tìm cây dương để định hướng. Cây Dương thần: nơi tụ nghĩa, điểm hẹn của những con người dám sống và dám chết, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc; nơi có tín hiệu chỉ đường trong đêm tối mênh mông...
Ở vùng cát nóng rát này, vốn đã ít cây cối, địch lại quyết tâm năm lần, bảy lượt cày ủi, chặt phá, hàng trăm lần ném các loại bom và bắn pháo bầy để hủy diệt. Bom đạn của kẻ thù đã giết hết màu xanh, không còn cây cối. Nhưng Dương thần vẫn đứng thẳng. Trên một quả đồi. Sừng sững. Hiên ngang. Khí phách. Vươn cao. Ngang ngạnh. Thân cây có lúc xác xơ, bị thương tích đầy mình, bởi trăm ngàn vết đạn của kẻ thù. Nhưng... cây vẫn sống. Bất khuất. Rắn chắc. Hơn thép... Ngày ấy, cây dương này là biểu tượng của bất khuất, bất diệt. Trong những lúc khó khăn nhất, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống xâm lược, từ các nơi nhìn về, kể cả cán bộ, bộ đội từ chiến khu và đồng bào trong vùng địch, thấy cây dương còn đứng đó, giữa vùng đất lửa, không gục ngã, là còn niềm tin: cây Dương còn - Cách mạng còn - Đảng còn.
Địch điên cuồng bắn phá, cố triệt hạ cây Dương cuối cùng này. Có lần chúng càn quét vùng Đông Quảng Nam với trên 12 ngàn quân, 170 xe tăng và bọc thép; có cả lính Mỹ, lính ngụy và lính Đại Hàn; chúng quyết đem xe ủi đến húc đổ cây dương. Nhưng chúng không vào được, vì bị mìn của ta gài quá nhiều và du kích chiến đấu anh dũng, gan góc, quyết tử và cũng vì còn cả vấn đề tâm linh như những người dân ở đây truyền tụng... Có lần, một chiếc xe ủi của địch vào gần đến nơi thì bỗng nhiên đứt xích.
Trong những ngày ác liệt dữ dội ấy, chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ thù muốn hủy diệt tất cả sự sống nơi đây, vậy mà, trên ngọn cây dương, vẫn có một đôi vợ chồng chim sáo sống ở đó, bám trụ đến cùng, sinh con đẻ cái truyền đời. Cũng giống như cây Dương Ông cây Dương Bà, vẫn còn mãi bên nhau, thủy chung, bền chặt. Kỳ lạ vậy, sức sống của một vùng đất anh hùng, đầy chất thép và cũng rất trữ tình. Hôm rồi, khi chúng tôi đến vẫn thấy có một tổ chim sáo trên ngọn cây, và xung quanh cây Dương thần đã có những cây dương con, cây dương cháu, kế tiếp nhau, truyền nối giống nòi...
Chuyện về cây dương ấy là chuyện văn hóa, sâu bền, về con người và vùng đất, cần được bảo tồn và truyền kể.
Gần đây, có một dự án rất lớn đang quy hoạch lại vùng này. Tôi nghe các đồng chí lãnh đạo địa phương nói rằng, riêng đồi cây có Dương Ông và Dương Bà sẽ vẫn được giữ nguyên và trồng thêm để cho nơi đây màu xanh còn mãi... Tôi nghĩ, thế là đúng lắm./.