Chủ Nhật, 22/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 20/7/2013 11:7'(GMT+7)

"Cổ tích" của những người vượt lên số phận

Lực sĩ Nguyễn Văn Phúc và các thành viên đội tuyển cử tạ khuyết tật Việt Nam.

Lực sĩ Nguyễn Văn Phúc và các thành viên đội tuyển cử tạ khuyết tật Việt Nam.

Chiến thắng bằng nghị lực

Ðã có rất nhiều vận động viên khuyết tật gây dấu ấn trong làng thể thao và trong lòng người hâm mộ Việt Nam. Thành tích của họ không những mang lại vinh quang cho quê hương, đất nước, mà cao hơn chính là chiến thắng của nghị lực, vượt lên hoàn cảnh và số phận. Cây vợt Nguyễn Văn Thương, thành viên Câu lạc bộ cầu lông khuyết tật Hà Nội là một người như vậy. Sinh sống tại miền quê quan họ Bắc Ninh, hằng tuần đều đặn bốn buổi, không quản nắng mưa, anh vẫn vượt hơn 30 km để sang Hà Nội tham gia các buổi tập luyện, thi đấu của câu lạc bộ tại các giải đấu. Mặc dù đôi chân bị khuyết tật, không như những người bình thường khác, nhưng anh lại lựa chọn môn thể thao đòi hỏi sự vận động và di chuyển liên tục là cầu lông. Ðiều này chỉ có thể được lý giải từ niềm đam mê mãnh liệt. Anh Thương cho biết: - Không may bị bại liệt từ hồi hai tuổi, việc đi lại với tôi vốn đã rất khó khăn bởi cái chân tập tễnh. Tôi bắt đầu ham thích cầu lông từ năm 12 tuổi, khi thấy các bạn chơi ở sân trường. Thời gian đầu mới tập thật vô cùng vất vả và đau nhức. Song tôi tự nhủ mình cần phải cố gắng hơn nữa, lấy sự dẻo dai, khéo léo để bù lại đôi chân tật nguyền. Dần dần, sự kiên trì đã được báo đáp bằng những giải thưởng cho lứa tuổi thiếu niên ở địa phương. Ðược sự ủng hộ của gia đình, bè bạn, tôi có thêm động lực để theo đuổi môn thể thao này.

Sau nhiều năm bền bỉ, anh Thương đã sở hữu bảng thành tích mà nhiều vận động viên phải ngưỡng mộ: 42 huy chương các loại với 14 Huy chương vàng (HCV), chín Huy chương bạc (HCB), 18 Huy chương đồng (HCÐ), trong đó có một HCB và một HCÐ tại Giải ASEAN Para Games 2. Khi được hỏi về mơ ước của mình, anh Thương chỉ mong muốn quê hương Bắc Ninh thành lập được một câu lạc bộ cầu lông dành cho người khuyết tật như ở Hà Nội, để biết bao người kém may mắn song có cùng sở thích và đam mê cầu lông như anh cũng có cơ hội được tập luyện và phát triển...

Giống anh Thương ở đôi chân không lành lặn, nhưng chàng trai trẻ Cao Ngọc Hùng của mảnh đất nắng gió Quảng Bình lại đến với thể thao bằng một cơ duyên khác. Bị tàn tật từ nhỏ, đến tuổi thiếu niên, như bao bạn bè cùng trang lứa, Hùng rất yêu thích thể thao. Năm 2005, gia đình lâm vào cảnh khó khăn, cuộc sống trở nên chật vật hơn, song cậu bé Hùng bấy giờ đã 15 tuổi vẫn quyết chí theo nghiệp vận động viên, trong đó có một phần nguyên do khác là tự lo cho mình, nhằm phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống. Suốt mấy năm trời, Hùng cứ cần mẫn ngày ngày đi bán hàng, đêm về lại phụ giúp chị gái, có bất cứ khoảng thời gian trống nào là dành để tập luyện. Nhờ sự giúp đỡ của người thầy, huấn luyện viên đội tuyển điền kinh khuyết tật Ðặng Văn Phúc, cùng sự nỗ lực không ngừng của bản thân, Hùng đã trở nên nổi tiếng trong làng vận động viên khuyết tật. Ở đấu trường quốc tế, Hùng từng được xem là hiện tượng khi cùng lúc giành ba HCV (ném lao, đẩy tạ và ném đĩa) tại Giải khuyết tật trẻ châu Á - Thái Bình Dương. Tính đến nay, Hùng đã nhiều lần phá kỷ lục quốc gia và đại hội sau ba kỳ ASEAN Para Games và đạt hạng tư tại Pa-ra-lim-pích 2012 ở Luân Ðôn. Không những vậy, Hùng còn tham gia huấn luyện cho các vận động viên khác. Tấm gương vượt khó, không đầu hàng số phận của Hùng đã truyền cảm hứng và tiếp thêm sức lực cho nhiều thanh niên, thiếu niên không may tật nguyền hoặc thiểu năng khác. Tại Ðại hội thể thao người khuyết tật Việt Nam năm 2012, các vận động viên và khán giả hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh Hùng đưa cậu bé khuyết tật Ðức Dương ra thi đấu môn ném đĩa và giành HCV. Cùng với Ðức Dương là rất nhiều em nhỏ khác đã và đang tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật và đội bóng đá do "thầy" Hùng lập ra, hướng dẫn và động viên các em. Tấm lòng ấy thật đáng quý, bởi hơn ai hết chính Hùng hiểu được giá trị của sự giúp đỡ, khuyến khích về mặt tinh thần đối với người khuyết tật. Ðược quan tâm, tôn trọng sẽ giúp họ phát huy được năng lực bản thân và hòa nhập với cộng đồng.

Nhọc nhằn nuôi niềm đam mê

Cần phải nói thêm rằng, những tấm gương vận động viên nêu trên và hầu hết các vận động viên khuyết tật khác đều đang tập luyện, thi đấu với tư cách là các vận động viên nghiệp dư. Theo Trưởng đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Trị Phùng Xuân Quý, chỉ các thành phố lớn mới có những khoản trợ cấp dành cho các vận động viên khuyết tật, còn ở nhiều tỉnh và thành phố khác, họ đều phải tự túc việc tập luyện. Chính bởi vậy, họ phải xoay xở bằng nhiều nghề, nhiều cách khác nhau để có thể vừa lo kinh tế gia đình, vừa được sống với niềm say mê thể thao của mình. Người mở tiệm bán giày, người làm thợ sửa điện thoại, người kiêm huấn luyện viên, thậm chí có người chuyên biểu diễn văn nghệ phục vụ đám cưới, như VÐV bơi lội Nguyễn Thành Trung, hay như nhà vô địch cử tạ Nguyễn Thị Hồng kiếm sống bằng việc bán vé số trên đường phố TP Hồ Chí Minh... Hoặc như nhà vô địch cử tạ châu Á Châu Hoàng Tuyết Loan, hằng ngày vẫn đến phòng tập thể hình dành cho người khuyết tật ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) với mong muốn duy trì một điểm đến dành cho anh em đồng cảnh ngộ. Chị tâm sự: "Bỏ qua mặc cảm, người bình thường làm được thì mình cũng làm được. Phải cố gắng làm và hãy cứ làm đi thì mình sẽ đạt được". Tài năng, lạc quan sống nhưng mấy ai biết người phụ nữ này đã từng gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Năm 2010, Tuyết Loan phát hiện bị ung thư vòm họng. Dù phải chịu đau đớn trong điều trị bệnh nhưng chưa bao giờ chị đầu hàng. Và chỉ hai năm sau, chị đã vượt qua bệnh tật để lần thứ ba liên tiếp tham dự ASEAN Para Games 6 và lập tiếp kỷ lục làm rạng danh thể thao khuyết tật Việt Nam. Theo Vụ trưởng Thể dục - Thể thao quần chúng Vũ Trọng Lợi: "Những vận động viên khuyết tật chính là những ngôi sao sáng giữa cuộc đời bởi niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt. Ðổ mồ hôi và nước mắt để theo đuổi đam mê chính là cách họ khiến xã hội phải tôn vinh và nể phục".

Những nhận xét nêu trên khá chính xác với nữ vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Hồng (từng đoạt HCV ba kỳ ASEAN Para Games ở môn cử tạ, HCV Giải thể thao người khuyết tật châu Á 2009). Chị đã vượt qua những cơn đau, những lần tập đến kiệt sức và cả những ngày tháng bươn chải mưu sinh, để có thể tạo dựng cho mình sự nghiệp và một tương lai tốt. Ước mơ của chị là đạt được thành tích cao hơn nữa, xây dựng cuộc sống ổn định, khấm khá hơn cùng chồng và con gái. Còn anh Lê Thanh Ước, vận động viên khuyết tật của tỉnh Hà Giang bộc bạch: "Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn thử thách, vợ con cần anh làm trụ cột kinh tế, nhưng bên cạnh đó, anh sẽ theo đuổi cả niềm đam mê thể thao của mình. Tình yêu, ý chí và quyết tâm sẽ góp phần bù đắp lại những khiếm khuyết của cơ thể".

Có thể nói, các vận động viên khuyết tật có phần thiệt thòi, song ở họ vẫn luôn có niềm lạc quan yêu đời, với mong muốn sống sao có ích. Vận động viên Cao Ngọc Hùng rơm rớm nước mắt kể về quá khứ: "Có những lúc đi bộ hàng cây số đến chỗ tập rồi về nhà mỏi rã rời. Thậm chí đã có thời điểm tôi phải ăn cơm với muối chỉ vì nhà khó khăn quá, đông tới 11 anh, chị, em. Cũng nản lắm và đã có lúc nghĩ sẽ dừng lại nhưng rồi được sự động viên của các thầy, sự quyết tâm của bản thân, cuối cùng tôi cũng vượt qua được". Giờ đây trong bộ sưu tập thành tích, anh đã giành 27 HCV, năm HCB, năm HCÐ trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2012 các giải thi đấu ở trong nước và nước ngoài. Cuộc sống gia đình giờ đã khấm khá hơn sau những nỗ lực của bản thân để Cao Ngọc Hùng tiếp tục với tình yêu thể thao.

Cần hơn nữa sự quan tâm đầu tư

Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc Hà Nội năm 2013 sẽ khai mạc vào ngày 22-7 với không khí chuẩn bị khẩn trương nhằm đem lại một kỳ thi đấu thành công dành cho vận động viên khuyết tật. Vụ trưởng Thể dục - Thể thao quần chúng Vũ Trọng Lợi cho biết: "Ðây là hoạt động mang ý nghĩa chính trị - xã hội, nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với người khuyết tật để họ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn và khẳng định được giá trị bản thân thông qua thể thao". Trên thực tế, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm và đầu tư dành cho thể thao người khuyết tật để hành trình tập luyện và thi đấu của họ không chỉ có niềm đam mê mà sẽ bớt chông gai hơn. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Pa-ra-lim-pích Việt Nam Vũ Thế Phiệt cho rằng: "Thể thao người khuyết tật đang ngày càng được xã hội quan tâm. Bằng chính nỗ lực của bản thân các vận động viên thì chưa đủ, chúng ta cần phải chung tay và sát cánh để cùng họ vượt qua khó khăn, thách thức".

Trưởng đoàn thể thao khuyết tật tỉnh Quảng Trị Phùng Xuân Quý cho biết, lãnh đạo ngành thể thao Quảng Trị đã và đang tỏ rõ quyết tâm tạo điều kiện đến mức cao nhất có thể cho thể thao người khuyết tật. Tỉnh đã có những khoản ngân sách để hỗ trợ cho vận động viên vay vốn làm kinh tế, như trường hợp vận động viên Hồ Thị Huệ, người từng đoạt HCB thể thao khuyết tật châu Á đã được tạo điều kiện vay 170 triệu đồng để mở Trung tâm Thể dục - Thể thao dành cho người khuyết tật đến tập luyện và giao lưu. Tham gia Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc Hà Nội 2013, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng hứa thưởng 3,5 triệu đồng/vận động viên nếu hoàn tất mục tiêu bảo vệ vị trí thứ ba toàn đoàn. Ðoàn thể thao tỉnh Quảng Trị tham dự giải năm nay, ngoài việc tổ chức thi đấu tuyển chọn từ 350 vận động viên xuất sắc nhất còn ưu tiên cho những vận động viên khuyết tật người dân tộc thiểu số, như vợ chồng vận động viên người Vân Kiều là anh chị Hồ Văn Phi - Hồ Thị Lành được tham gia thi đấu lần thứ hai liên tiếp tại giải.

Câu chuyện chăm lo cho vận động viên thể thao khuyết tật ở Quảng Trị cũng là câu chuyện chung của rất nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, sự quan tâm đó còn có hạn do nhiều địa phương vẫn còn nghèo, các vận động viên khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vì lẽ đó, cần sự chung tay hơn nữa của toàn xã hội và sự đầu tư của Trung ương dành cho sự phát triển của thể thao khuyết tật. Theo Vụ trưởng Vũ Trọng Lợi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Tổng cục Thể dục - Thể thao đang có những quan tâm chăm lo và sẽ đồng hành với sự nghiệp phát triển thể thao người khuyết tật. Trước mắt, quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, tìm các giải pháp giúp đỡ, tạo dựng cơ sở vật chất tập luyện tốt hơn, qua đó mở rộng và phát triển phong trào tập luyện thể thao cho người khuyết tật để họ hướng tới những thành tích đỉnh cao mới.


Vận động viên điền kinh Cao Ngọc Hùng thi đấu tại Pa-ra-lim-pích Luân Ðôn 2012.

HOÀNG MỸ HẠNH và PHONG CHƯƠNG/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất