Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 18/8/2010 16:43'(GMT+7)

“Đây thực sự là vốn tư liệu quý về Cách mạng Tháng Tám và Bác Hồ”

Sáng ngày 7.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Triển lãm nhân Tuần Văn hóa tại địa điểm bên Hồ Hoàn Kiếm

Sáng ngày 7.10.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự lễ khai mạc Triển lãm nhân Tuần Văn hóa tại địa điểm bên Hồ Hoàn Kiếm

Tại cầu truyền hình trực tiếp Hà Nội-Paris-Viêng Chăn vừa diễn ra mới đây, đông đảo người xem được biết đến tập album ảnh tư liệu lịch sử về Cách mạng Tháng Tám 1945 của nhà sử học Pháp Philippe Devillers vừa tặng Giáo sư Phan Huy Lê. Xin ông cho biết một số thông tin về tập ảnh này ?

- Nhà sử học Dương Trung Quốc: Nói cho đúng, đây là tập album tập hợp những tấm ảnh mang tính thời sự của cơ quan truyền thông Việt Nam, lúc đó là Bộ Thông tin tuyên truyền (do ông Trần Huy Liệu là Bộ trưởng) thực hiện rồi đem tặng cho các nhà báo nước ngoài để giúp họ quảng bá và thông tin. Có thể hồi đó, máy ảnh chưa thật phổ biến nên đây là cách để hỗ trợ cho bạn. Vào thời điểm đó, Philippe Devillers đang là phóng viên tờ “Le Monde” (Thế giới). Nhà báo này còn tiếp tục gắn bó theo dõi tình hình Việt Nam cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này trở thành một nhà sử học có uy tín về Lịch sử Việt Nam hiện đại.

Vậy những tấm ảnh này có giá trị như thế nào đối với thế hệ hôm nay?

- Có thể nói đây là những ảnh (tạm gọi là gốc) vì nó là bản do Bộ Thông tin tuyên truyền cung cấp, được gắn trên một tập album gồm những tấm bìa cứng mầu đen. Tuy thời gian đã hơn 60 năm, nét ảnh có phần bị phai nhưng về căn bản phần lớn vẫn sử dụng tốt. Một số tấm ảnh sau khi xử lý kỹ thuật có thể phóng to khổ 50 x 60cm vẫn rõ. Hơn thế, ảnh được dán theo thứ tự thời gian diễn ra các sự kiện kèm theo chú thích tóm tắt bằng song ngữ (Việt-Pháp), kèm theo thời gian chụp, giúp cho người sử dụng khỏi lẫn lộn. Nhưng giá trị lớn nhất chính là nội dung những tấm ảnh.

Và những tấm ảnh tập trung vào nội dung gì ?

- Tất cả chừng hai trăm ảnh. Tôi đã xem kỹ và thấy rằng chỉ có không quá 20% số ảnh là tôi đã được xem ở các lưu trữ, sách vở trong nước đã công bố. Các tấm ảnh ấy tập trung vào những sự kiện kể từ cuộc biểu tình ngày 17.8.1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn đến giữa tháng 6.1946. Tôi bảo đảm là những ai quan tâm đến giai đoạn lịch sử này sẽ thấy đây là những tài liệu rất quý. Cần nói thêm rằng, ảnh tư liệu là một nguồn sử liệu rất quan trọng nhờ hiệu ứng trực quan. Xem tấm ảnh có thể nó nói thay lên rất nhiều điều mà đôi khi lời kể không thể mô tả được. Nhưng tôi muốn nói đến một số nguy cơ đối với loại hình tư liệu này. Ảnh ở nước ta không được sử dụng phổ biến như ở các nước phương Tây, lại gặp khí hậu rất khắc nghiệt, ý thức bảo quản và lưu trữ đã kém lại gặp khá nhiều biến cố lịch sử khiến việc lưu giữ không được hệ thống. Ngay các cơ quan có trách nhiệm lưu trữ cũng vậy. Thất thoát nhiều, bảo quản kém nên số lượng lưu trữ chẳng được bao nhiêu, ví dụ về đề tài Cách mạng Tháng Tám chẳng hạn.

Song tôi còn muốn lưu ý đến nguy cơ là “mất thông tin trên ảnh”. Giờ đây xem nhiều tấm ảnh không xác định được nội dung (chụp khi nào, ở đâu, có ai trong ảnh và tại sự kiện gì...). Những người biết đang vơi dần cùng thời gian cũng có nghĩa làm cho tấm ảnh kém giá trị dần. 

Ông có thể nói qua một vài tấm ảnh đặc sắc trong album ảnh này ?

-  Nghề nghiệp khiến tôi thấy tấm ảnh nào cũng có giá trị. Tuy nhiên nhiều sự kiện mình biết thì nay có ảnh minh họa, nhiều ảnh chưa biết khiến mình biết đến nhiều sự kiện. Ví như trong thời gian này tổ chức các cuộc tưởng niệm Giỗ Đức Thánh Trần, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học...; ảnh các nhân vật như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Tường Tam, cố vấn Vĩnh Thụy...; ảnh các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hoá...và đặc biệt là ảnh Bác. Lần đầu tiên chúng ta được biết đến không khí nhân dân đến chúc thọ sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ phủ; Bác đi thăm làng Bưởi; thăm đê ở Hưng Yên, Thái Bình; đến dự nhiều hội nghị; Tuần lễ văn hoá, Khai giảng Đại học... Có thể nói đây là một vốn tài liệu ảnh rất quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc triển lãm này đã được chuẩn bị đến đâu, thưa ông ?

- Các bạn biết rằng ảnh đã có hơn 60 năm tuổi phần lớn khổ 5,5 x 7,5cm nên để phóng to cần xử lý kỹ thuật rất mất công. Tuy có ghi chú nhưng chúng tôi đầu tư biên tập nội dung, bảo đảm chính xác và nâng cao chất lượng thông tin. Chúng tôi phóng to trên các tấm laminage khổ 60 x 80cm để có thể sử dụng lâu dài, treo tường hay đặt trên giá, trong nhà hay ngoài trời đều được. Với nội dung liên quan đến Cách mạng Tháng Tám 1945, phần lớn lại là sự kiện diễn ra ở Hà Nội lại có hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên lãnh đạo Hà Nội hoan nghênh cuộc triển lãm này, đang cân nhắc địa điểm, có thể là ở công viên Lý Thái Tổ và vào thời điểm trước ngày Quốc khánh. Tôi cũng đề xuất có thể đặt ngoài trời ở vườn hoa trước Nhà hát Lớn và có đến ngót một trăm tấm ảnh chụp tại không gian này, nhưng e rằng địa điểm này xe cộ đi lại phức tạp. Một phiên bản chúng tôi dự kiến mang sang  Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp cùng với số ảnh Bác chụp trong chuyến đi thăm nước Pháp 1946 đến sang năm kỷ niệm 65 năm sự kiện này. Cũng đã có nơi đặt vấn đề biên tập thành một cuốn sách ảnh về đề tài này...

Xin cám ơn ông!

LÂM SƠN-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất