Ngày 16-8-2010, trang chủ website của vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hân hoan đưa tin ở vị trí trang trọng nhất: “Hội đồng di sản văn hóa quốc gia vừa thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch ký trình hồ sơ gửi UNESCO công nhận vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới lần 2 về tiêu chí đa dạng sinh học...
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được các nhà khoa học chứng minh cụ thể về những giá trị nổi bật toàn cầu đối với đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia này được đánh giá là một trong 200 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới (WWF, 2000), vườn quốc gia có kiểu rừng độc nhất không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái đất…”.
Thế nhưng một ngày sau, ngày 17-8-2010, báo chí đưa tin: “Ngân hàng Phát triển Đức (KfW) vừa gửi thư đến UBND tỉnh Quảng Bình về việc tỉnh phải hoàn trả số tiền 200.000/360.000 euro mà ngân hàng này đã chi cho dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng”.
200.000 euro không phải là một số tiền quá lớn, và vấn đề cũng không chỉ dừng ở chỗ vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có nguy cơ mất một dự án lớn. Trong những nguyên nhân khiến KfW “đòi tiền” UBND tỉnh Quảng Bình có những vấn đề rất đáng suy nghĩ: “Ban quản lý dự án đã không có những phản ứng hữu hiệu trước tình trạng đốt rừng và phát quang rừng tự nhiên ở vùng đệm như đã báo cáo, các tổ chức phi chính phủ chưa tham gia các cuộc khảo sát đa dạng sinh học, do ban quản lý dự án làm trái các thỏa thuận trước đó...”.
Xem ra các tổ chức quốc tế, dù là các tổ chức kinh tế như ngân hàng vẫn quan tâm rất chặt chẽ và ráo riết từng chi tiết nhỏ liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hơn hẳn chúng ta - chủ nhân của những di sản thiên nhiên, món quà vô giá mà trời đất ban tặng cho đất nước.
Có thể chúng ta đã quá tự tin với danh hiệu “Di sản thế giới” mà sau khi rất vất vả mới đạt được, chúng ta nghĩ có thể ung dung dựa vào danh hiệu ấy mà “tọa hưởng kỳ thành”: khách du lịch bốn phương đổ đến, các dự án nước ngoài rót tiền vào…
Còn nhớ, người viết bài đã có lần tháp tùng ông Richard Engerhard - tổng thư ký khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO - đi trên vịnh Hạ Long cùng một đoàn các nhà khoa học, quan chức, nhân viên du lịch... Hạ Long vừa được công nhận di sản thiên nhiên thế giới và ai cũng trầm trồ đầy tự hào về những kiệt tác thiên nhiên trên mặt nước vịnh xanh ngắt.
Nhưng ông tổng thư ký thì chỉ chăm chăm nhìn xuống mặt vịnh và thở dài. Ông chỉ những váng dầu loang trên mặt vịnh cùng những viên than đen, những rác thải sinh hoạt dập dềnh trên mặt sóng và nói: “Nếu cứ tiếp tục như thế này, tôi e Hạ Long sẽ phải ra khỏi danh sách di sản thiên nhiên của UNESCO”.
Không lâu sau đó, UNESCO có văn bản khuyến cáo Quảng Ninh về tình trạng khai thác than gây ô nhiễm mặt biển và ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường Hạ Long. Và Quảng Ninh đã phải cật lực dọn rác biển ròng rã hơn nửa năm trời, phải chuyển cả cảng than từ Hòn Gai qua Cẩm Phả để có thể tiếp tục ở lại trong danh sách di sản thế giới.
Bây giờ đến lượt Phong Nha - Kẻ Bàng. KfW không phải UNESCO và số tiền họ “đòi nợ” cũng mới chỉ là 200.000 euro, nhưng với những đám cháy rừng vẫn thường xuyên xảy ra trong mùa khô, những vạt rừng phòng hộ quanh Phong Nha loang lổ vì bị khai thác trái phép, những quán thịt thú rừng hồn nhiên chặn ngay cửa ngõ vào khu di sản, những nhà nghỉ đồ sộ và kệch cỡm đầy bêtông, kính màu và âm thanh chói chang “đón lõng” khách du lịch…, ai dám nói chắc một ngày không xa Phong Nha - Kẻ Bàng không nhận được một lời cảnh báo nữa về việc bị đưa ra khỏi danh sách di sản!
Được công nhận là di sản thế giới đã rất khó, nhưng giữ được danh hiệu ấy còn khó gấp bội và khi đã đánh mất danh hiệu ấy cũng đồng nghĩa với việc đánh mất phần nào danh dự của một quốc gia, một dân tộc có văn hóa. Cho nên, nỗi lo “hậu di sản” là có thật./.
Tuổi trẻ online