Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 18/8/2010 15:13'(GMT+7)

Quản lý cấp phép băng đĩa nhạc: “Chặt” mà vẫn... “lỏng”

Siết chặt thủ tục cấp phép sản xuất các sản phẩm băng đĩa nhạc trong khi chưa kiểm soát được chặt chẽ tình trạng băng đĩa lậu đã khiến cho các hãng sản xuất gặp khó khăn

Siết chặt thủ tục cấp phép sản xuất các sản phẩm băng đĩa nhạc trong khi chưa kiểm soát được chặt chẽ tình trạng băng đĩa lậu đã khiến cho các hãng sản xuất gặp khó khăn

Đó là thực tế được các hãng băng đĩa thành viên Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) nêu ra tại buổi làm việc với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây.

Một vấn đề mà các hãng sản xuất băng đĩa kể “khổ” là thủ tục ra đĩa nhạc. Các hãng như: Bến Thành Audio –Video, Rạng Đông, Phương Nam Film, Hoàng Đỉnh... đã chỉ ra rằng, để có được một giấy phép phát hành phổ biến chương trình băng đĩa nhạc, các đơn vị này phải qua rất nhiều khâu.

Đầu tiên, các NSX phải nộp hồ sơ (photo làm nhiều bản) gồm danh sách bài hát xin phép, kịch bản, văn bản nhạc hoặc bản thỏa thuận với các nhạc sĩ (nếu có), bản sao CMND của các nhạc sĩ... cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, rồi đóng tiền tác quyền các bài hát muốn xin phép.

Sau khi có biên nhận của TT này, thường là khoảng một tuần đối với bài hát trong nước,hai - ba tuần đối với ca khúc nước ngoài, NSX mang toàn bộ hồ sơ (cũng photo thành nhiều bản) kèm giấy biên nhận đã đóng tiền sang Sở VHTTDL TP.HCM, chờ thêm 7 - 10 ngày, rồi mang giấy phép của Sở gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp tem. 

Theo bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực RIAV, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông, quy trình trên đã thật sự làm khó cho các doanh nghiệp sản xuất băng đĩa nhạc. Bởi lẽ, thời gian qua, các hãng băng đĩa đã gặp rất nhiều khó khăn trước vấn nạn in sang băng lậu  nay lại mất thời gian cho khâu xin giấy phép  khiến các hãng càng thêm “đuối”.

Thực tế, thời gian qua, mỗi năm số lượng chương trình các hãng sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu như trước đây các nhà sản xuất còn mạnh dạn đầu tư các chương trình phục vụ lễ, chương trình mừng xuân với 15 - 20 chương trình mỗi năm thì hiện tại, đơn vị nào có 1 – 2 chương trình sản xuất trong năm cũng đáng được nể phục.

Chưa hết, một bất cập mà các hãng băng đĩa nêu ra là chuyện duyệt các ca khúc mới sáng tác và công bố lần đầu tiên trong các chương trình băng đĩa nhạc. Nhiều hãng thời gian qua đã gặp khó khăn khi cơ quan cấp phép từ chối cấp phép phổ biến không ít bài hát có nội dung, ca từ  (nhất là các ca khúc trẻ dành cho lứa tuổi teen) đề cập đến chuyện tình yêu nam nữ, chuyện đời... được cho là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, các tiêu chí thẩm định ca khúc mới lại chưa được quy định cụ thể nên việc thẩm định cấp phép nhiều khi nặng về cảm tính, thiếu sự thuyết phục. Do đó, thời gian qua đã có hiện tượng, một số ca sĩ, hãng sản xuất băng đĩa không được TP.HCM cấp phép đã chạy sang địa phương khác “nhờ vả” như: Hà Nội, Hải Phòng... “Chúng tôi là người đứng ra bỏ tiền đầu tư, nhưng vì vướng giấy phép nên đành bấm bụng “núp bóng” giấy phép một đơn vị khác.

Ví dụ như chương trình do Trung tâm Rạng Đông thực hiện nhưng lại mượn NXB Âm nhạc đứng tên đơn vị sản xuất, còn chúng tôi chỉ được đứng tên là đơn vị phát hành. “Hồn” là của mình, nhưng lại phải mượn “vỏ” của người khác, đau lắm!”, bà Thu Dung, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông cho biết.

Hiện nay, ngoài thực trạng trên, còn có hiện tượng một số ca sĩ, tác giả trẻ do không thể đi theo con đường cấp phép chính thống: nhờ qua các hãng băng đĩa xin phép phổ biến tác phẩm bằng băng đĩa nhạc hay công diễn ở các chương trình lớn mà “lách” bằng cách nhờ các trang web âm nhạc trực tuyến PR giúp mình.

Thực tế, thời gian qua, phong trào ghi âm bài hát mới sau đó phát hành trên mạng đã nở rộ một cách chóng mặt. Những ca khúc như: Da nâu, Vọng cổ teen... cho đến nay dù chưa được cơ quan cấp phép duyệt phổ biến, thế nhưng những bài hát này đã trở nên rất nổi tiếng trên cộng đồng mạng. Thậm chí, những dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ còn đem kinh doanh những đoạn nhạc này và hốt bạc.

Một hiện tượng đáng lo ngại hơn mà theo ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio –Video là các chương trình ca nhạc hải ngoại được in hàng loạt từ Trung Quốc, sau đó tuồn về Việt Nam và phát hành công khai  tại các chợ băng đĩa lậu như Huỳnh Thúc Kháng, trong đó có những chương trình có nội dung nhạy cảm, phản động.

“Việc luật siết chặt hoạt động ra băng đĩa của các hãng sản xuất băng đĩa chính thống, trong khi lại thả nổi hoặc không  quản lý kiểm soát được việc phát hành các bài hát trên mạng; các băng đĩa lậu, nhất là băng đĩa hải ngoại vẫn ngang nhiên hiện diện... đang “giết” dần các nhà sản xuất chân chính như chúng tôi”, ông Huỳnh Tiết nói.

Thời gian qua, xã hội phản ánh thực trạng chất lượng các chương trình nghệ thuật, các sản phẩm băng đĩa nhạc có nội dung nhạt nhẽo, nặng tính thị trường. Bản thân các hãng đều cho rằng,  rất muốn làm những sản phẩm chất lượng cao phục vụ xã hội. Tuy nhiên, khi những vướng mắc về thủ tục cấp phép chưa được tháo gỡ, nạn băng đĩa lậu vẫn  hoành hành thì muốn có những sản phẩm tốt, chương trình băng đĩa nhạc được đầu tư công phu, có giá trị cao vẫn là chuyện: nói trước coi chừng... bước không tới.

Xung quanh việc Sở VHTTDL TP.HCM yêu cầu  phải có thỏa thuận bản quyền với tác giả trước khi nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất chương trình, ông Võ Trọng Nam, Trưởng phòng quản lý nghệ thuật  (Sở VHTTDL TP.HCM) cho rằng, các hãng sản xuất băng đĩa đã không “thông” vấn đề. Theo quy định, việc có bản thỏa thuận bản quyền với tác giả trong hồ sơ xin phép ra chương trình băng đĩa nhạc là thủ tục bắt buộc. Nhưng, Sở chỉ yêu cầu các hãng chứng minh là tác giả đã đồng ý cho sử dụng tác phẩm, chứ không quan tâm đến việc hãng trả bao nhiêu tiền cho tác giả đó. Trong khi các hãng cứ nghĩ phải trả tiền bản quyền tác giả cho Trung tâm  Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam trước thì Sở mới tiếp nhận hồ sơ là không đúng. Giờ RIAV có Trung tâm cấp phép, việc chứng minh thỏa thuận với tác giả chỉ cần trung tâm ký xác nhận là chúng tôi sẽ thông qua quy định này.

Hải Đăng-Vanhoa0

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất