Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 12/4/2012 9:6'(GMT+7)

Vai trò của văn hóa hành chính trong đời sống xã hội

Thanh niên với cải cách hành chính. (Hình minh họa)

Thanh niên với cải cách hành chính. (Hình minh họa)

Văn hóa hành chính bao gồm những giá trị, chuẩn mực, niềm tin, sự trông đợi,… Giá trị chung là Chân – Thiện – Mỹ quy định hành vi ứng xử của con người trong cơ quan hành chính nhà nước. Những giá trị của văn hóa có tác dụng điều chỉnh hành vi của con người và tổ chức xã hội theo một quy chuẩn nhất định và quy chuẩn ấy luôn được nhiều người ủng hộ. Vì vậy, với tư cách là một sản phẩm độc đáo của trình độ xã hội loài người, văn hóa hành chính có những tác động nhất định và thể hiện vai trò quan trọng của mình trên nhiều phương diện khác nhau của đời sống xã hội.

1. Trong cấu trúc của văn hóa hành chính, trước hết là sự góp mặt của yếu tố cá nhân. Yếu tố cá nhân là những con người cá nhân, là những cán bộ công chức (CBCC), bao gồm người quản lý, lãnh đạo hay những nhân viên trong cơ quan hành chính Nhà nước. Mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong tổ chức hành chính ấy sẽ tạo ra văn hóa và bản sắc riêng có. Đó là toàn bộ tri thức, kinh nghiệm tích lũy vào mỗi cá nhân, biểu hiện ở hệ thống quan niệm và hành xử của cá nhân ấy trong đời sống thực tiễn. Văn hóa cá nhân biểu hiện như là đơn vị của văn hóa toàn bộ. Trong thực tế, sự hoạt động của bộ máy hành chính lại có sự định hướng của các giá trị văn hóa hành chính. Các giá trị cốt lõi của văn hóa hành chính liên quan đến nhận thức về thế giới, bản thân, đối tác, về cái đẹp; quan niệm về nền công vụ, quan niệm về cách ứng xử cấp trên với cấp dưới, quan niệm về sự công bằng về tinh thần phục vụ… trở thành các giá trị hữu hình và vô hình. Đặc biệt là giá trị vô hình, là những yếu tố thuộc tinh thần: Chuẩn mực, đạo đức, lối sống, cái Đẹp, Niềm tin… và đều hướng tới giá trị chung Chân - Thiện – Mỹ.

Ở lĩnh vực cá nhân, trước hết, văn hóa hành chính có vai trò định hướng các giá trị. Để các thành viên trong tổ chức hành chính nhà nước nhận thức và hành động theo chuẩn mực của công sở, thì văn hóa hành chính phải tạo ra các giá trị hay hệ giá trị để định hướng cho người CBCC hoạt động có hiệu quả. Giá trị văn hóa hành chính tích cực sẽ tạo ra môi trường an toàn, thuận lợi trong công tác, giúp hình thành nhân cách, trải nghiệm kiến thức kỹ năng làm việc và đặc biệt là các kỹ năng “phục vụ nhân dân”. Cán bộ công chức phải là người có trách nhiệm với công việc, phục phụ nhân dân một cách tận tụy không vụ lợi, trung thực với Tổ quốc, với nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đấu tranh chống cái xấu, cái ác, đặc biệt là tệ tham những, quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân… Văn hóa hành chính đã định hướng cho cá nhân CBCC hành động theo những mục tiêu nhất định đó của Nhà nước.

Các giá trị mang tính định hướng của văn hóa hành chính đối với mỗi cá nhân – người thực thi công vụ rất phong phú, đa dạng, giàu tính nhân văn. Nền văn hóa hành chính đề cao sự đoàn kết “truyền thống quý báu của dân tộc ta”; vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng của mỗi người Đảng viên, mỗi CBCC; vấn đề thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và tự phê bình; quy định chuẩn mực về hình thức trang phục,văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công sở… Các giá trị đó còn là sự tự trọng, tôn trọng, là các giá trị đạo đức, niềm tin, hướng tới phục vụ nhân dân, ý thức trách nhiệm với bản thân với nghề nghiệp và với xã hội; chuẩn mực đạo đức công chức.

Thứ hai, trên cơ sở định hướng các giá trị được cho là tốt đẹp, là chuẩn mực ấy, nền văn hóa hành chính đã vô hình chung điều khiển tình cảm, ý chí, hành vi, cách ứng xử của mỗi thành viên vào một chuẩn mực nhất định, thống nhất hành động chung của một hệ thống tổ chức.

Khi nói đến giá trị đạo đức công chức là nói đến cái đúng, cái tốt, cái đẹp và phân biệt với cái xấu, cái ác, vì đạo đức luôn luôn gắn với cái Chân – Thiện – Mỹ và cái Chân – Thiện – Mỹ là thước đo cho chuẩn mực đạo đức. Vì vậy, ở phương diện cá nhân, người CBCC phải là người có tài, có đức mà theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là phẩm chất “vừa hồng, vừa chuyên”; cũng đúng như Người đã từng dạy “có tài mà không có đức là đồ vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Do đó, các giá trị đạo đức là yếu tố trở thành thước đo cho chuẩn mực của văn hóa hành chính. “Đạo đức mang phương thức kết hợp sự thuyết phục và sự thực hiện các yêu cầu của mình”(1), nó được cụ thể hóa thành nội quy, quy định, quy chế của các công sở, tổ chức hành chính, quy định về những điều cán bộ công chức được làm và không được làm.

Chính vì vậy, một cách có ý thức, mỗi thành viên, cá nhân trong cơ quan hành chính Nhà nước tiếp thu những giá trị, chuẩn mực của văn hóa hành chính để có cách ứng xử của riêng mình. Và có thể, ở một mức độ nào đó, một cách vô thức con người bị dòng chảy của văn hóa hành chính cuốn theo. Có sự khác nhau trong cách ứng xử văn hóa của tổ chức này với tổ chức khác, nên chỉ cần tiếp xúc với một nhân viên của một tổ chức nào đó, ta sẽ thấy được đặc trưng của văn hóa của tổ chức ấy.

Các giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa được hình thành, phát huy và duy trì sẽ tạo được một nếp văn hóa, giúp các thành viên trong tổ chức hành động tận tụy vì mục đích, mục tiêu chung cho nền hành chính và cũng sẽ hạn chế được những thành viên không có ý thức xây dựng cho mục tiêu chung của tổ chức, hoặc gây ảnh hưởng tích cực đến những thành viên nhưng chưa thực sự đóng góp tích cực cho tổ chức.

2. Văn hóa hành chính không chỉ tác động đến yếu tố cá nhân mà còn tác động đến tổ chức một cách sinh động, phong phú. Cơ quan hành chính nhà nước là một tổ chức lớn, bên trong là những tổ chức nhỏ, các tổ chức này hoạt động đều phải tuân thủ những quy tắc chung và chịu sự quản lý của nhà nước. Bởi vì hoạt động quản lý là hoạt động điều hành thống nhất dựa trên những quy tắc chung và mang tính bắt buộc. Trong khi đó, trong một tổ chức bao giờ cũng bao gồm những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần. Những giá trị văn hóa đó trong cơ quan hành chính Nhà nước trở thành những chuẩn mực, thói quen, truyền thống, muốn quan hệ giữa cấp trên với cấp dưới, thành viên với thành viên, với tổ chức công dân… những giá trị văn hóa đó sẽ định hướng và điều khiển hành vi của con người. Cho nên, văn hóa hành chính nhà nước là “chất keo dính” tạo ra khối thống nhất giữa các thành viên trong tổ chức với nhau, các tập thể với nhau để tạo nên sức mạnh tập thể đạt mục tiêu chung của nhà nước, xây dựng đất nước hướng tới nục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Quản lý của nhà nước không chỉ đơn thuần là sự quản lý ở một lĩnh vực nhất định mà là hoạt động quản lý bao gồm mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Vì vậy, mỗi một tổ chức hành chính lại quản lý một lĩnh vực nhất định, nhưng bao giờ các tổ chức ấy cũng cùng hướng đến mục tiêu chung của Nhà nước và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Do đó, văn hóa hành chính nhà nước được coi như “chất xúc tác” để khuyến khích, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tạo nên bầu không khí tổ chức thuận lợi, hợp tác, liên kết tổ chức hành chính tạo nên sự đồng thuận cao. Văn hóa hành chính Nhà nước có thể được thể hiện trong quan hệ dọc và quan hệ ngang. Vì vậy, mỗi một mô hình tổ chức lại có một đặc trưng văn hóa nhất định và thực hiện một nhiệm vụ nhất định của văn hóa hành chính định của văn hóa hành chính.

Khi văn hóa hành chính là nền tảng tư tưởng, tinh thần của xã hội, định hướng mục tiêu phương hướng của nhà nước đạt hiệu quả, chính là lúc phản ánh chất lượng định hướng giá trị của nền văn hóa hành chính đối với tổ chức. Nếu giá trị văn hóa tích cực sẽ tạo sự đồng thuận cao trong tổ chức, tạo bầu không khí cởi mở , tác động đến hiệu quả hoạt động của tổ chức thì ngược lại nó sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội.

3. Văn hóa hành chính là một bộ phận của văn hóa truyền thống dân tộc, là một dòng chảy của văn hóa dân tộc, mang bản sắc văn hóa dân tộc, cốt cách dân tộc... Nó không ngừng bảo tồn những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống của dân tộc như: truyền thống yêu nước, truyền thống nhân đạo, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo... Truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc đã trở thành nếp sống, nếp nghĩ của con người Việt Nam “Tiên học lễ, hậu học văn”; “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”...; truyền thống đó cũng bắt nguồn từ lối sống của cha ông ta: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”... và trở thành những biểu hiện văn hóa trong công sở: tôn trọng người nhiều tuổi, làm việc theo mối liên hệ tình cảm thân tình theo kiểu “một trăm cái lý không bằng tý cái tình”; “Đoàn kết một lòng nhất trí”; ...

Cùng với thời gian, các giá trị văn hóa truyền thống ấy được phát huy trong nền văn hóa hành chính hiện đại. Chẳng hạn như giá trị yêu nước bắt nguồn từ tư tưởng Nho giáo “Trung quân ái quốc” nay trở thành “Trung với nước, hiếu với dân”... đã tạo nên bản sắc văn hóa trong công sở. Lòng yêu nước trước đây được biểu hiện ở hành động đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chống giặc ngoại xâm.. thì ngày nay, lòng yêu nước được thể hiện một cách thiết thực ở thái độ làm việc tận tình, tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng đạo đức... nâng cao hiệu quả làm việc, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp. Nếu như trước đây “đoàn kết” được thể hiện ở tình làng nghĩa xóm, mọi người dân chung sức, chung lòng sản xuất, chiến đấu, đùm bọc nhau trong khó khăn, hoạn nạn thì ngày nay, trong nền văn hóa hành chính, tinh thần đoàn kết còn được thể hiện ở mối quan hệ đồng thuận, sự thống nhất hài hòa của mọi thành viên trong tổ chức. Từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức hành chính gắn kết với nhau, có trách nhiệm với vị trí công việc đảm nhiệm, cùng nhau thực hiện mục tiêu chung của Nhà nước. Sự gắn kết và trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức hành chính là nhờ vẻ đẹp, giá trị của văn hóa truyền thống tạo nên sự đoàn kết giữa chặt chẽ giữa các cá nhân với tập thể với nhân dân sẽ là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ấy. Một mặt, văn hóa hành chính là một bộ phận cấu thành văn hóa dân tộc, đồng thời văn hóa hành chính lại góp phần làm phong phú giá trị của văn hóa dân tộc. Như tinh thần trách nhiệm, đức tính liêm khiết, không vụ lợi của người cán bộ công chức, sự gắn bó thân thiện của người CBCC với cộng đồng.

4. Văn hóa hành chính là văn hóa của nền hành chính của một quốc gia, dân tộc, bởi vậy nó có đặc trưng độc đáo, để phân biệt nền văn hóa hành chính của quốc gia này khác với nền chính của quốc gia khác. Nền văn hóa hành chính của Việt Nam hướng đến mục tiêu chung của Nhà nước là xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực thực hiện được mục tiêu đó, nền văn hóa nói chung và văn hóa hành chính nói riêng phải là một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phải là một nền văn hóa năng động, tích cực; là hệ giá trị, niềm tin, chuẩn mực để định hướng cho mỗi cá nhận, tổ chức và cả hệ thống bộ máy hành chính hoạt động đoàn kết một lòng nhất chí, cùng hướng tới mục tiêu chung của quốc gia và lợi ích chung của dân tộc.

Giá trị văn hóa hành chính có vai trò rất lớn trong việc tác động đến mục tiêu, hiệu quả chung của bộ máy hành chính nhà nước, của quốc gia. Bởi vì, mục tiêu chiến lược của quốc gia là do Nhà nước và cơ quan quyền lực nhà nước đặt ra để định hướng cho cá nhân, CBCC, tổ chức xã hội, hệ thống hành chính nhà nước thực hiện. Do đó, nếu văn hóa hành chính nhà nước bao gồm những giá trị, chuẩn mực đúng đắn, phù hợp xu thế phát triển của quốc gia như: tôn trọng pháp luật, tận tụy phục tùng nhân dân, không hách dịch, cửa quyền tham nhũng…. những giá trị về năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm được đề cao thì mục tiêu nhà nước đưa ra sẽ đạt hiệu quả cao, theo đúng tinh thần “vì dân”.

Khi văn hóa hành chính là yếu tố góp phần tác động đến mục tiêu và hiệu quả chung của quốc gia là khi nó đã thực hiện vai trò to lớn của mình trong việc góp phần khẳng định quy mô và vị thế của văn hóa Việt Nam. Mục tiêu của nền hành chính Việt Nam hiện nay là từng bước khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế. Để đạt được mục tiêu đó, các giá trị văn hóa hành chính có ý nghĩa rất rất trong việc tạo nên chất lượng sản phẩm dịch vụ hiệu qủa hơn.

5. Không chỉ giới hạn trong một quốc gia dân tộc, văn hóa hành chính còn thể hiện sức mạnh to lớn của mình trong sự tác động đến toàn bộ loài người. Mỗi một quốc gia dân tộc là bao gồm một nền hành chính nhất định, đi kèm với nền hành chính ấy là những đặc trưng văn hóa phản ánh sinh động văn hóa của nền hành chính và với một phương thức hoạt động nhất định, tạo nên sản phẩm văn hóa có giá trị nhất định. Bởi vậy, văn hóa hành chính của mỗi quốc gia góp phần tạo thành một hệ thống đa sắc màu những đặc tính văn hóa của mỗi quốc gia và tạo nên bản sắc văn hóa của từng quốc gia và làm phong phú giá trị văn hóa của toàn bộ loài người.

Tóm lại, văn hóa hành chính có tác động to lớn đối với đời sống con người. Do đó, Nhà nước cần phải xây dựng và phát triển một nền văn hóa hành chính vững mạnh. Hiện nay vấn đề xây dựng văn hóa hành chính ở Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm và bước đầu đạt được những thành quả đáng quý. Song vẫn tồn tại một số hạn chế như: vai trò của văn hóa hành chính chưa thực sự được đề cao, đồng nhất xây dựng văn hóa công sở với trụ sở hoành tráng, trang thiết bị máy móc, phương tiện làm việc đắt tiền ... trong khi lề lối làm việc, thủ tục hành chính rườm rà phức tạp. CBCC chưa thực sự thân hiện với nhân dân, một số còn biểu hiện thái độ hách dịch cửa quyền, văn hóa “uống trà”, “buôn dưa lê” trong công sở... cần được nhanh chóng khắc phục.

Văn hóa hành chính không phải là một khái niệm trừu tượng, mà được thể hiện một cách rõ nét trong các yếu tố cấu thành của nền hành chính. Vì vậy, để xây dựng văn hóa hành chính thì cần tiến hành cải cách nền hành chính. Cần phải đặt vấn đề này một cách nghiêm túc và thực tế cải cách nền hành chính từ thể chế, bộ máy, đội ngũ CBCC và tài chính công với một ý thức sâu sắc và hành động khẩn trương. Hiện đại hóa văn hóa công sở cũng là một trong những tiền đề quan trọng để xây dựng một nền văn hóa hành chính theo hướng văn minh. Song, bên cạnh đó cần kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu bổ ích từ việc tổ chức, vận hành bộ máy hành chính trong quá khứ, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa hành chính của các quốc gia tiến bộ trên thế giới, kết hợp giá trị văn hóa hành chính dân tộc để xây dựng một nền văn hóa, tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc./.

Chu Thị  Khánh Ly
Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh


-------------
(1) Phùng Minh Hiến: Nghệ thuật một loại hình văn hóa đặc biệt, Nxb. Văn hóa thông tin, H, 2002

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất