Thứ Sáu, 29/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 5/5/2012 22:9'(GMT+7)

Hãy để các dân tộc tự giới thiệu

Phụ nữ dân tộc Mông biểu diễn nghề dệt vải của dân tộc mình tại Làng Việt.

Phụ nữ dân tộc Mông biểu diễn nghề dệt vải của dân tộc mình tại Làng Việt.

Chủ thể văn hóa giới thiệu về mình

Được khai trương vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, năm 2010, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (có diện tích hơn 1.500ha) có vai trò như một khu văn hóa quốc gia, nơi lưu giữ bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam.
“Để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” là quan điểm và mục tiêu của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch khi xây dựng và tổ chức khai thác, vận hành Khu các làng dân tộc tại Làng Việt. Cụ thể, khi hoàn thành khu nhà Tây Nguyên, các cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Ba Na, Rơ Măm, B’râu... tới cư trú luân phiên từ những ngày đầu khai trương Làng cho đến nay. Đời sống văn hóa bản địa được nghiên cứu để cộng đồng các dân tộc phục vụ khách tham quan cũng như giới chuyên môn như: Trình diễn các hoạt động canh tác, săn bắt, nghề thủ công đan lát… đến các hoạt động về văn hóa, văn nghệ như hát kể sử thi, kể khan, trình diễn trang phục. Đặc biệt, cộng đồng dân tộc tại Khu làng Tây Nguyên đã tổ chức phục dựng nguyên bản nhiều lễ hội dân gian tiêu biểu như: Lễ mừng nhà Rông mới, mừng lúa mới, lễ mừng về làng mới của người B’râu…

Tương tự ở Khu làng dân tộc Tây Bắc, cộng đồng các dân tộc: Mông, Lô Lô, Pà Thẻn, Pu Péo, La Chí, Bố Y, Thái… cũng giới thiệu về truyền thống của dân tộc mình qua hoạt động sản xuất đan lát, dệt vải, tổ chức các phiên chợ, các trò chơi dân gian, các món ẩm thực đặc sắc của vùng cao Tây Bắc…

Tới Làng đã thấy hồ, thấy núi, nhà cửa, vườn tược, người ở… Tuy nhiên, nhiều người đến Làng Việt trong dịp diễn ra Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam và dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua vẫn thấy thiêu thiếu gì đó… Ngay địa điểm mà người ta gọi là cổng Làng, cổng được dựng bằng quả bóng dài vàng xanh đỏ uốn vòng cung trông như cầu vồng. Chị Hiền-đại diện một công ty lữ hành nói, dịp này Làng tổ chức lễ hội, còn thấy người ra vào tấp nập, chứ ngày thường lên Làng vắng vẻ, chỉ thấy nắng là nắng, ở mỗi khu làng các nhà san sát nhau, không có gì để gây sự tò mò và thích thú. Việc lập tua du lịch rất khó, vì tới Làng, ngoài những ngôi nhà đồng bào, “ngắm” một số lễ hội và hoạt động sản xuất của bà con như đan lát, giã gạo như xem phim… mà không được hòa mình trải nghiệm cùng đời sống, tập tục của đồng bào thì khó thu hút du khách. 

Dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4 vừa qua, Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng của người Ba Na được “tái hiện” lại Làng. Già làng A Thút cho biết, Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng của người Ba Na được bắt nguồn từ xa xưa, khi các cộng đồng còn xảy ra chiến tranh. Từ năm 1975 đến nay, Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng được đồng bào tổ chức nhằm kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong nghi thức truyền thống của người Ba Na, Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng được tiến hành từ ngày hôm trước, thâu đêm cho tới ngày hôm sau. Nhưng tổ chức ở Làng thì chỉ được làm trong buổi sáng vì thiếu nhiều thứ, kể cả không gian.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian có ý kiến, mô hình đưa cộng đồng dân tộc thiểu số về sống tập trung luân phiên ở Làng là một hình thức bảo tồn giá trị truyền thống như các nước trên thế giới đã làm. Nhưng nhìn vào sinh hoạt dân gian mà cộng đồng các dân tộc đang diễn ra tại Làng lại như là việc... biểu diễn cho khách tham quan. “Tách đồng bào khỏi thảm thực vật, động vật và cộng đồng gốc rồi động viên họ phục dựng lại sinh hoạt ở đồng bằng là một cách sân khấu hóa, mà cứ diễn đi diễn lại một trò sân khấu hóa như vậy du khách cũng chán chứ đừng nói gì đến người phải diễn. Thay vì tuyên truyền cho đồng bào những điều vĩ mô, hãy cố gắng khơi dậy ở họ lòng tự hào và sự nhiệt tình với văn hóa truyền thống một cách tự nhiên nhất ” - GS Tô Ngọc Thanh nói. 

Có nên hiện đại hóa Làng Việt?

Tại hội nghị xúc tiến du lịch và xây dựng sản phẩm văn hóa-du lịch ở Làng được tổ chức trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa qua, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó giám đốc BQL Khu các làng dân tộc đã giới thiệu "Kế hoạch khai thác hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam", dự kiến một số sản phẩm du lịch đến năm 2013 và giai đoạn từ năm 2015 trở đi. Trong đó, kêu gọi đầu tư các hạng mục công trình đáp ứng cho việc khai thác du lịch như: Khu nghỉ dưỡng (gồm cả hệ thống nghỉ dưỡng cao cấp), khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ du lịch tổng hợp…

Theo kế hoạch của Làng đưa ra sau 2015, hướng đầu tư các hạng mục công trình khu vui chơi giải trí hiện đại theo kiểu công viên Disneyland, cộng với hệ thống tàu điện trên cao để ngắm làng. Kế hoạch này đã khiến đại diện của nhiều công ty lữ hành băn khoăn. Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Sòn - Saigontourist Trần Hùng Việt bày tỏ lo lắng, dự án làm tàu điện trên cao sẽ làm mất không gian truyền thống và văn hóa Làng. Làng dân tộc không thể giống như một khu vui chơi giải trí được. Thậm chí phải có phương án hạn chế xe cộ đi lại trong làng, ô tô, xe gắn máy chạy ầm ầm trong khu sinh thái là không hợp lý.

Món ăn của đồng bào dân tộc Thái tại khu chợ vùng cao thu hút sự tò mò của du khách.

Nhiều ý kiến cho rằng, Làng Việt sẽ là “mảnh đất vàng” để khai thác du lịch sinh thái, nhưng việc kêu gọi đầu tư để hoàn thiện các khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp nên cân nhắc vì hiện nay xu hướng của du khách thích du lịch trải nghiệm, du lịch thân thiện với môi trường, sinh thái nguyên sơ…

Thiết nghĩ, khi Làng Việt đã được xác định rõ vai trò như đã đề cập ở trên, cũng như tâm tư của GS Tô Ngọc Thanh rằng, nên hướng Làng trở thành một trung tâm bảo tồn văn hóa theo hình thức sống động, vậy khi chưa có nguồn kinh phí lớn để đầu tư hoàn thiện tổng thể, Làng nên vừa khai thác vừa đầu tư. Cần tham khảo nhiều ý kiến nữa của các nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu văn hóa và đặc biệt là tâm tư của đồng bào các dân tộc, bởi họ chính là chủ thể trong việc vận hành Làng. Ngoài việc kêu gọi nguồn vốn đầu tư trong nước, Làng cũng cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài và có cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp đối với nhà đầu tư./.

Khu lưu trú của Làng Việt hiện tại có thể đáp ứng được 72 phòng nghỉ, phục vụ 250 khách. Làng chưa thu phí tham quan. Các khu chức năng kêu gọi đầu tư, gồm 5 khu: Khu Di sản văn hóa thế giới (46,50ha), Khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha), Khu trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí (125,22ha), Khu công viên bến thuyền (341,53ha), Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,90ha). Các dự án kêu gọi đầu tư: Khu chợ các địa phương, vùng, miền; khai thác công trình kiến trúc, quảng trường… vào mục đích tổ chức sự kiện, du lịch cộng đồng; các dự án đầu tư phương tiện vận chuyển (ô tô điện, xe đạp, tàu thuyền).


(Theo: Vương Hà-Duy Văn/QĐND)
 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất