Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 2/5/2012 20:6'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học

Đoàn Chủ tịch Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học". (Ảnh: Minh Thế)

Đoàn Chủ tịch Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học". (Ảnh: Minh Thế)

"Phê bình văn học" không phải là một vấn đề hoàn toàn mới, nhưng từ thực tiễn văn học nước ta thì đây vẫn là vấn đề còn nguyên tính thời sự. Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học" do Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức, đã thu hút nhiều học giả, nhiều nhà phê bình văn học tham gia. Nhiều ý kiến tham luận không chỉ hướng tới một cái nhìn toàn diện về thực trạng phê bình văn học hiện nay mà còn lý giải sâu sắc nguyên nhân của thực trạng dựa trên các căn cứ lý luận và thực tiễn, đề xuất các giải pháp khả thi, nhằm nâng cao hiệu quả phê bình văn học, thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Tuy còn những vấn đề đang bỏ ngỏ, chưa được bàn đến, hoặc mới đề cập ban đầu như: thế nào là phê bình có hiệu quả? thế nào là phê bình có chất lượng?... song, các mục tiêu cốt lõi của Hội thảo là làm gì và làm thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động phê bình văn học đã được trao đổi, thảo luận làm sáng rõ. Tập trung ở những nét lớn sau đây:

1 - Nhìn vào thực tiễn sáng tác với tư cách là đối tượng chính của phê bình, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là một thực tiễn khá phong phú, sinh động, đúng như nhận xét của GS. Phong Lê: “Chính vào lúc phê bình thiếu tính chuyên nghiệp nhất thì đời sống sáng tác lại bề bộn, nhiều màu vẻ nhất”. Chưa bao giờ đội ngũ tác giả sáng tác văn học lại hùng hậu như hiện nay. Các tác giả mới ở đủ mọi lứa tuổi, mọi lĩnh vực, mọi vùng miền liên tục xuất hiện. Nhiều thể nghiệm cách tân về hình thức và phong cách cá nhân đã xuất hiện khiến cho văn đàn sôi động, mang nhiều phẩm chất mới mà các giai đoạn văn học trước đây chưa hề có. Hiện tượng “Thơ tràn bờ” như nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, hay “Tiểu thuyết được mùa”, “Truyện ngắn bội thu” là những tín hiệu khả quan của thực tiễn sáng tác. Trong một số năm gần đây, các giải thưởng văn học ở các thể loại tuy số lượng chưa phản ánh đúng lắm chất lượng sáng tác, nhưng phần nào phản ánh được diện mạo và sinh khí của nền văn học. Có thể đánh giá một cách tổng quát, đó là một thực tiễn sáng tác phát triển phong phú, đa thanh, đa diện và giữ được dòng mạch chủ yếu là chủ nghĩa yêu nước, dân chủ, nhân văn.

Cùng với những tín hiệu vui của sáng tác nêu trên, chúng ta cũng ghi nhận những cố gắng bước đầu của hoạt động phê bình văn học trong thời gian qua. Tuy những thành tựu đó còn xa mới đạt được yêu cầu cao của đời sống xã hội và văn học, nhưng hoạt động phê bình đã có những nỗ lực nhất định trong việc bám sát thực tiễn sáng tác đang vận động theo chiều hướng hết sức đa dạng, phức tạp; kịp thời phát hiện những nhân tố mới, khích lệ những tài năng trẻ; bày tỏ thái độ trước các biểu hiện tiêu cực trong sáng tác; bước đầu phát hiện và giới thiệu trên báo chí những cái hay, cái đẹp, cái mới của những tác phẩm mới xuất hiện, góp phần hướng dẫn dư luận và định hướng thị hiếu nghệ thuật của công chúng; đồng thời góp sức uốn nắn, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong hoạt động văn học.

Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế hiện nay, nhiều lý thuyết văn nghệ hiện đại của thế giới đã và đang được giới thiệu ở Việt Nam. Với tinh thần nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng một cách thận trọng các thành tựu lý thuyết văn nghệ đó vào thực tiễn hoạt động phê bình văn học Việt Nam, những hệ tham chiếu mới, những triển vọng phê bình mới đang từng bước được mở ra.

Trong điều kiện hoạt động phê bình văn học còn nhiều bề bộn, phức tạp, đan xen thuận lợi, khó khăn, không thể giải quyết một sớm, một chiều, thì đây là những kết quả rất đáng trân trọng và được đánh giá cao.

2 - Về vấn đề nhận thức vai trò, chức năng của phê bình. Kế thừa những kết quả đạt được trong các cuộc Hội thảo về Lý luận, phê bình do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương các nhiệm kỳ IX, X, Hội Nhà văn Việt Nam và Viện Văn học tổ chức trong những năm qua, lần này, vấn đề nhận thức vai trò, chức năng của phê bình văn học lại một lần nữa được đặt ra như một tiền đề lý luận để nhận thức thực tiễn. Tuy bản thân vấn đề không còn mới, không còn đủ sức tạo ra sự hấp dẫn, nhưng do tầm quan trọng của nó, phần lớn các tham luận dựa trên những luận điểm của các nhà mỹ học nổi tiếng, đều đã nhấn mạnh lại vai trò của phê bình như là sự “tự ý thức”; là “ý thức triết học của văn học”; là “mỹ học vận động” v.v... Trong lần này, khi dẫn lại câu của Bielinski, PGS.TS. La Khắc Hòa đề nghị bổ sung: “Vì văn học là hoạt động thẩm mỹ nên phê bình văn học cần được xem là sự tự ý thức thẩm mỹ của văn chương”. Còn một số ý kiến khác nhấn mạnh mặt này, mặt khác liên quan đến vai trò, chức năng của phê bình văn học, như ý kiến của GS.TS. Trần Đình Sử đề nghị: “Cần đưa khái niệm phương pháp sáng tác ra khỏi phê bình văn học hiện nay”. Đây là những vấn đề đáng quan tâm về học thuật, cần được thảo luận chuyên sâu ở những cuộc tọa đàm, bàn luận khác.

Nhiều tác giả trong khi tham luận đã lưu ý đến bản chất vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật của phê bình. Là khoa học, nó đòi hỏi phải khách quan, phải dựa trên nhận thức lý tính. Là nghệ thuật, nó tôn trọng chủ quan, chấp nhận cảm tính; và mục tiêu cuối cùng với vai trò vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, phê bình phải làm tốt chức năng thẩm định, phán đoán, dự báo, định hướng công chúng, thật sự đồng hành và làm chỗ dựa cho sáng tác phát triển. Tác phẩm phê bình thực thụ thường kết hợp trong đó cả yếu tố chủ quan lẫn yếu tố khách quan, cả chủ thể lẫn khách thể. Chỉ như vậy mới làm tốt chức năng cao quý của phê bình. Sự lưu ý này là hết sức cần thiết vì nó là cơ sở để nhận diện, để định tính cho hoạt động phê bình; đồng thời đó cũng là tiêu chuẩn để trau dồi phẩm chất chuyên nghiệp cho người làm phê bình.

3 - Về thực trạng phê bình. Phần lớn các tham luận tại Hội thảo đều ít nhiều đề cập đến thực trạng của phê bình văn học hiện nay. Đây là một phần nội dung quan trọng của Hội thảo. Không nhận diện và đánh giá đúng thực trạng; không chỉ ra được các nguyên nhân của thực trạng thì không có căn cứ khoa học và thực tiễn để đề ra các giải pháp đúng đắn cho hoạt động phê bình hiện nay. Trong nhiều cuộc hội thảo trước đây, vấn đề thực trạng phê bình từng là tiêu điểm của Hội thảo. Nhưng cho đến nay, theo ý kiến của nhiều tác giả, thực trạng phê bình vẫn chưa cải thiện được là bao. Các biểu hiện nghiệp dư; chủ quan cảm tính; ít hiểu biết về lý luận nghệ thuật và mỹ học sáng tạo; phê bình báo chí chiếm lĩnh văn đàn; đội ngũ phê bình có nghề thưa vắng dần; văn hoá phê bình không được đề cao.v.v... diễn ra hàng chục năm nay vẫn chưa được cải thiện. Vì vậy, nhiều tác giả đã không xem việc nêu đầy đủ thực trạng là mục tiêu của tham luận, mà chỉ nêu những biểu hiện chính. Với cách tiếp cận đó, chúng tôi thấy nổi lên một số vấn đề cần quan tâm trong đánh giá thực trạng phê bình văn học hiện nay như sau:

Thứ nhất, nhìn vào đội ngũ phê bình văn học hiện nay, dễ dàng nhận thấy sự thiếu vắng những cây bút phê bình chuyên nghiệp, có nghề, có uy danh. Phần lớn các nhà phê bình có tên tuổi trước đây hoặc do tuổi tác, hoặc do ngại va chạm, hoặc do không còn cập nhật được đời sống sáng tác... đã lặng lẽ rút lui khỏi địa hạt phê bình để làm nghiên cứu, biên khảo hoặc các công việc khác. Thay vì lực lượng phê bình chính hiện nay là các phóng viên báo chí, các cán bộ nghiên cứu, giảng viên trẻ tuổi, chưa có điều kiện được trau dồi kiến thức, trang bị lý luận nghệ thuật, tích lũy kinh nghiệm đủ để đáp ứng yêu cầu của phê bình. Trên mặt báo, trong các buổi phát thanh truyền hình chuyên mục văn nghệ, xuất hiện chủ yếu là các bài giới thiệu, điểm sách. Chính sự thiếu hụt của đội ngũ phê bình chuyên nghiệp đã tạo nên hiện tượng “khủng hoảng” và hội chứng “nghiệp dư” mà không ít tham luận đã nêu lên. So với thực tiễn sáng tác, một đội ngũ phê bình như hiện nay rõ ràng là thiếu tính kế thừa, không đáp ứng đủ cả về số lượng lẫn chất lượng, thiếu cả những phẩm chất của một đội ngũ phê bình mà các nhà văn và công chúng văn học chờ đợi.

Thứ hai, từ một đội ngũ như vậy kéo theo những hệ lụy làm cho chất lượng của phê bình không cao, biểu hiện cả trên bề mặt lẫn chiều sâu của hoạt động phê bình. Trong suốt một thời gian dài, cho đến nay, căn bệnh nghiệp dư vẫn tồn tại và luôn luôn ám ảnh. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất mà các bản tham luận và các ý kiến phát biểu chỉ ra là sự mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về bản chất, đối tượng của phê bình; là sự ít hiểu biết về lý luận nghệ thuật và mỹ học sáng tạo; là sự nông cạn hời hợt trong cảm thụ và đánh giá; là sự thiếu thuần thục trong các thao tác phê bình; là sự lấn át của cấp cảm tính so với cấp lý tính v.v... Kết quả là hoạt động phê bình vừa thiếu tính thuyết phục do thiếu tính khách quan, khoa học; vừa thiếu hấp dẫn do thiếu khiếu cảm thụ và phát hiện tinh tế của chủ thể phê bình. Hiện tượng phê bình báo chí lấn át phê bình văn chương đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, càng làm cho tính nghiệp dư của hoạt động phê bình trở nên trầm trọng.

Thứ ba, mặc dù đã được cảnh báo từ lâu, nhưng trên lĩnh vực phê bình đang cho thấy tình trạng loạn chuẩn, lệch chuẩn, thiếu chuẩn khá phổ biến. Đây là khe hở để cho những biểu hiện chủ quan, tùy tiện, những động cơ và mục đích cá nhân xen vào chi phối đời sống văn học. Cũng do loạn chuẩn, thiếu chuẩn, hệ tiêu chí đánh giá văn chương cũng rơi vào tình trạng lộn xộn, khiến cho kẻ chê hết lời, người khen cũng hết lời, không còn biết đâu là thật là ảo. Thói tự phụ, tệ háo danh trong phê bình cũng từ đây nảy nở. Một biểu hiện đáng suy nghĩ mà nhà phê bình Hoa Bằng đã chỉ ra 7 cái liệt điểm từ năm 1942 mà tham luận của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Thiện đã dẫn ra, nhưng đến nay vẫn hiện hữu! Nếu cứ tiếp diễn tình trạng đó, chúng ta khó có thể xây dựng được một nền mỹ học phê bình dựa trên nguyên tắc Chân - Thiện - Mỹ của nghệ thuật.

Thứ tư, đó là thực trạng phê bình tụt hậu, không theo kịp thực tiễn sáng tác. Thực trạng này đã được PGS. TS. La Khắc Hoà, GS. Phong Lê, Nhà phê bình - TS. Lê Thành Nghị và một số tác giả đề cập.

Cần hiểu nội hàm của sự tụt hậu là sự không tương thích giữa một bên là thực tiễn sáng tác phong phú, sinh động, nhiều màu sắc, nhiều cái mới và cũng khá phức tạp, đang biến động với một bên là thực tiễn phê bình kém phát triển, nghèo nàn, nghiệp dư; không có khả năng đánh giá, bắt mạch sáng tác. Chính thực trạng này đã khiến phê bình văn học nhiều năm qua không đóng được vai trò là sự “tự ý thức” của nền văn học, là “mĩ học vận động”, là “ý thức triết học của văn học”. Trước rất nhiều hiện tượng: tích cực có, tiêu cực có; hay có, dở có; mới có, cũ có;... nhưng phê bình chưa có “con mắt xanh” nghề nghiệp, chưa có cả những linh cảm, trực giác cần có của nhà phê bình để phát hiện tinh tế, chính xác, biểu dương khích lệ hoặc phê phán kịp thời nhằm hướng dẫn dư luận, định hướng hoạt động tiếp nhận của công chúng. Vị thế của phê bình cũng do vậy mà sụt giảm.

4 - Về nguyên nhân của thực trạng. Để lý giải thực trạng, có rất nhiều nguyên nhân được tham luận, ý kiến chỉ ra, trong đó có những nguyên nhân chủ quan thuộc về những người sáng tác văn học và hoạt động phê bình, nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan thuộc về các yếu tố tác động ngoài văn học. Qua theo dõi tham luận và trao đổi tại diễn đàn Hội thảo, chúng tôi thấy nổi lên một số nguyên nhân cơ bản sau:

Trước hết là tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Đây là yếu tố đã và đang tác động mạnh mẽ được khẳng định trong Hội thảo Văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh 4 năm trước. Trong khi cơ chế thị trường tạo ra những động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì trên một số lĩnh vực, chính nó lại tạo ra những mặt trái cần phải được nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan. Văn học, nghệ thuật nói chung, phê bình văn học nói riêng đang bị chi phối bởi cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực của cơ chế này. Các khuynh hướng phê bình vụ lợi, phê bình lăng xê, phê bình quảng cáo, phê bình cánh hẩu v.v... đều ít nhiều chịu sự tác động tiêu cực của cơ chế thị trường. Từ một bình diện khác, các giá trị tinh thần nói chung, giá trị văn học nói riêng đang bị xem nhẹ, coi rẻ. Trong một tình hình như vậy, giữ cho được tính khoa học, tính khách quan của ngòi bút, không nao núng trước những cám dỗ danh lợi quả là khó khăn.

Thứ hai là tác động của báo chí và công nghệ thông tin truyền thông. Trong những thập niên gần đây, sự phát triển ồ ạt và đa dạng của các loại hình báo chí đã làm thay đổi nhu cầu, tâm lý và thị hiếu của công chúng. Văn hóa đọc dường như đang lép vế trước văn hóa nghe - nhìn; nhu cầu thông tin giải trí thay thế nhu cầu tiếp nhận thưởng thức truyền thống. Mạng Internet đang tạo ra một sản phẩm văn học mới, một loại hình phê bình mới thu hút người đọc nhiều hơn. Sự tác động của báo chí và các phương tiện truyền thông đã làm cho tập quán thưởng thức, tiếp nhận của công chúng thay đổi. Thị hiếu nghệ thuật ngày càng đa dạng và phân hóa sâu sắc. Phê bình văn học đang đứng trước các sự lựa chọn nghiệt ngã này. Trong tình hình đó, một vấn đề cơ bản đặt ra với hoạt động phê bình là, làm sao thực hiện được vai trò hướng dẫn thị hiếu?

Thứ ba là phê bình văn học những năm qua hoạt động trong tình trạng thiếu một hệ thống lý luận văn học chuẩn mực; thiếu một hệ giá trị tin cậy, một hệ thống tiêu chí làm thước đo thẩm định văn chương. Tình trạng “khủng hoảng" về lý luận văn học đang là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến không chỉ là sự rối loạn trong phê bình, mà còn dẫn đến tình trạng mất phương hướng trong sáng tác. Chừng nào hệ thống lý luận văn học chưa được bổ sung, phát triển và hoàn thiện phù hợp thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới, thì chừng đó mọi hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, đánh giá và chỉ đạo thực tiễn còn lúng túng, va vấp.

Thứ tư là phê bình văn học tuy đứng trước một đối tượng đang vận động, đa dạng, nhiều vẻ, nhưng ít sức sống lâu bền và kém sức hấp dẫn. Nhìn vào số lượng tác phẩm văn học được xuất bản vô cùng nhiều, nhưng tác phẩm, tác giả thực sự để lại ấn tượng, có khả năng kích thích, mời gọi phê bình không nhiều. Ngay cả các giải thưởng văn học cũng chưa tạo ra được chất men kích thích thúc đẩy phê bình.

Nguyên nhân cuối cùng cũng đã từng được nhắc đến nhiều khiến cho không ít người e ngại, lảng tránh phê bình, là văn hóa phê bình, văn hóa tranh luận chưa được coi trọng. Trên thực tế, có không ít trường hợp phê bình bị biến tướng thành cái cớ để đả kích, bôi nhọ, giải quyết ân oán cá nhân. Thậm chí trên các báo, đài và mạng Internet còn có hiện tượng “đánh hôi”, “đánh hội đồng”. Đó là những hành vi phản văn hóa, phi văn chương cần được chấn chỉnh để trả lại sự trong sáng, lành mạnh cho hoạt động phê bình.

5 - Về giải pháp. Hướng vào mục tiêu của Hội thảo là Nâng cao chất lượng, hiệu quả của phê bình văn học nên hầu như ở tất cả các tham luận đều ít nhiều, tuỳ theo từng vấn đề thực trạng cụ thể để kiến nghị giải pháp. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ thực trạng làm xoay chuyển tình hình thì số đông đều nhấn mạnh sự cần thiết có những giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa đào tạo và xây dựng đội ngũ với nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng cơ chế đánh giá, khuyến khích và tạo các điều kiện, khả năng để kích thích phê bình phát triển.

Trong những ý kiến đã được nêu ra, xin nhấn mạnh đến một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Trước hết, cần đề cao nhận thức trách nhiệm định hướng của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; đề cao vai trò tư vấn, tham mưu của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành các cấp.

Hai là, xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ phê bình có năng lực và phẩm chất nghề nghiệp; có trình độ chuyên môn sâu, am tường đặc thù văn chương và quy luật sáng tạo nghệ thuật; nắm vững lý thuyết cơ bản; có bản lĩnh, lương tâm nghề nghiệp trong sáng. Nói cách khác, cần có đội ngũ phê bình tâm huyết, có trách nhiệm, có tài năng với ý thức dấn thân vì sự chấn hưng của nền phê bình văn học nước nhà. Thiết nghĩ, cần nhắc lại lời tâm huyết của Mác khi đề cập trách nhiệm của người cầm bút: “Nhà văn hoàn toàn không coi tác phẩm của mình là một phương tiện. Tác phẩm là mục đích tự thân; tác phẩm không phải là phương tiện đối với nhà văn cũng như đối với những người khác, cho nên nhà văn, khi cần có thể hy sinh sự tồn tại cá nhân của mình cho sự tồn tại của tác phẩm”.

Ba là, phát huy trí tuệ tập thể và ý thức trách nhiệm cá nhân, từng bước thực hiện chương trình Xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam làm cơ sở cho hoạt động sáng tạo, tiếp nhận, đánh giá và quản lý văn học, nghệ thuật. Đồng thời, xây dựng hệ thống chuẩn mực giá trị văn chương, hệ thống tiêu chí đánh giá tác phẩm. Khi đề cập đến vấn đề này, đã từng có ý kiến cho rằng: "Trong phê bình văn học không có hệ thống chuẩn mực khách quan chung, mà chỉ có chuẩn mực của mỗi cá nhân, chỉ có hệ thống do mỗi cá nhân tạo ra". Đó là một ý kiến cực đoan, phiến diện. Đúng là hoạt động sáng tạo văn chương cũng như hoạt động phê bình chủ yếu là hoạt động cá nhân và sản phẩm cũng chủ yếu mang dấu ấn cá nhân. Tính hệ thống trong kiến thức và phương pháp của mỗi cá nhân là vô cùng quan trọng. Đối với người làm phê bình, năng khiếu cảm thụ và tư chất cá nhân lại càng quan trọng hơn. Nhưng như thế không có nghĩa là phê bình văn học không cần đến một hệ thống giá trị chuẩn mực và một hệ tiêu chí đánh giá khách quan. Trên cơ sở của hệ thống lý luận văn nghệ được xây dựng, chúng ta sẽ từng bước xây dựng hệ giá trị văn chương và hệ tiêu chí đánh giá văn học chuẩn mực, khách quan, khoa học. Ngày nay, Giá trị học đang trở thành một bộ môn khoa học thu hút được sự quan tâm từ nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành tựu của nó sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn quy luật hình thành các giá trị chung, phổ biến và giá trị riêng gắn với từng lĩnh vực. Theo chúng tôi, hệ giá trị văn học chuẩn mực mà chúng ta hướng tới sẽ không nằm ngoài bảng giá trị tinh thần chung của dân tộc, trong đó giá trị nhân văn, giá trị yêu nước, bản sắc văn hóa dân tộc… vốn là các giá trị tinh thần truyền thống cơ bản của đất nước ta đã được đúc kết, chắc chắn sẽ phải là những giá trị cốt yếu. Mặt khác, vì văn học nói chung, phê bình văn học nói riêng là những bộ môn nghệ thuật nên không thể thiếu vắng các giá trị Chân - Thiện - Mỹ vốn được xem là các giá trị bản chất của văn học.

Bốn là, nâng cao chất lượng sáng tác văn học, chất lượng các giải thưởng văn học, tạo ra sức hấp dẫn và các yếu tố kích thích, mời gọi phê bình. Thời nào cũng vậy, những tài năng lớn, những tác phẩm lớn, những hiện tượng độc đáo, mới lạ luôn luôn thu hút phê bình. Đó là điểm gặp gỡ để phê bình đồng hành với sáng tác.

Năm là, cần có thái độ rõ ràng đối với những biểu hiện vụ lợi, phi văn chương, thói háo danh và tệ a dua trong hoạt động phê bình. Sớm phát hiện và ngăn chặn các tác động tiêu cực của cơ chế thị trường vào phê bình. Giảm thiểu và đi tới loại trừ động cơ cá nhân, thiếu tính xây dựng trong đời sống phê bình văn học hiện nay. Đề cao đạo lý phê bình, văn hóa tranh luận và ý thức trách nhiệm của người làm phê bình trước công chúng và trước lịch sử văn học. Không khí tranh luận cần được khơi lại theo hướng phát huy và tôn trọng dân chủ trong tranh luận để tất cả đều được bình đẳng, đề cao ý thức cầu thị trước chân lý văn chương.

Sáu là, cần sự quan tâm đầy đủ hơn đến phương tiện vật chất trong phạm vi có thể để những người gắn bó với phê bình, yên tâm làm việc, cống hiến cho sự nghiệp văn học. Cần có chế độ khuyến khích bằng nhuận bút để lao động phê bình được đánh giá đúng. Đó là một trong những giải pháp thiết thực, kích thích phê bình hiện nay phát triển.

Bảy là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước với các Hội chuyên ngành các cấp; sự liên kết mật thiết giữa cơ quan chủ quản văn học, nghệ thuật với các cơ quan thông tin, truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp thông tin, thẩm định tác giả, tác phẩm với mong muốn các cơ quan thông tin, truyền thông, nhất là các cơ quan báo, đài chủ lực phát huy tốt hơn nữa vai trò tuyên truyền, quảng bá, định hướng dư luận xã hội đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu đạt tốt. Đồng thời tham gia tích cực việc uốn nắn những lệch lạc, phê phán những biểu hiện sai trái trong văn học, nghệ thuật; những bài viết về lý luận, phê bình có biểu hiện cực đoan, mang động cơ cá nhân, thiếu tinh thần xây dựng./.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất