Bến Tre là một trong 13 tỉnh thành của đồng bằng sông Cửu Long, được hợp thành bởi 3 cù lao lớn: An Hóa, Bảo và Minh do bốn nhánh sông Cửu Long (Mỹ Tho, Ba Lai, Hàm Luông và Cổ Chiên) bồi tụ qua nhiều thế kỷ. Lịch sử hình thành và phát triển của Bến Tre gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển khu vực Đồng Nai - Gia Định - Cửu Long. Những lưu dân người Việt đến vùng Bến Tre hầu hết là người từ các tỉnh miền Trung, trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ XVIII (đến nay trên dưới 300 năm). Trải qua nhiều sự biến đổi, sát nhập, Bến Tre chính thức hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quyế định của nhà cầm quyền Đông Dương ngày 20.12.1899 và có hiệu lực pháp lý bắt đầu từ ngày 1.1.1900. Hiện nay, Bến Tre có diện tích 2.315km2, dân số gần 1,3 triệu người; đơn vị hành chính gồm 8 huyện và 01 thành phố, có 164 xã, phường, thị trấn; trung tâm tỉnh lỵ là Thành phố Bến Tre. Về vị trí địa lý, phía bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, phía đông giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 65km; đường bộ nối liền Thành phố Bến Tre với Thành phố Hồ Chí Minh 86km, cách Thành phố Cần Thơ 120km.
Là một trong những vùng đất giàu truyền thống yêu nước, bất khuất, được các thế hệ người dân Bến Tre bền bỉ nối tiếp nhau kế thừa một cách xuất sắc, từ buổi đầu chống quân xâm lược, qua thời thời kỳ thành lập Đảng, rồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đất cù lao chính là nơi sinh ra và hội tụ của những danh nhân như: Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Sương Nguyệt Anh.v.v. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, nổi bật là trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bến Tre đã lập nhiều thành tích vang dội như: Phong trào Đồng khởi diễn ra ngày 17.1.1960 ở xã Định Thủy, Mỏ Cày (nay là Mỏ Cày Nam) rồi nhanh chóng lan rộng toàn miền Nam, với sự ra đời của “Đội quân tóc dài” và “Ba mũi giáp công” (đã được ghi vào Từ điển lịch sử quân sự Việt Nam) và tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, Bến Tre được tuyên dương danh hiệu “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”… Đồng thời, do vị thế đắc địa hiểm trở của mình, trong chiến tranh, Bến Tre còn là căn cứ địa cách mạng vững chắc, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về hoạt động như: Đồng chí Lê Duẩn đã bám trụ và chỉ đạo cách mạng miền Nam giai đoạn 1955-1956; Đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định về hoạt động tại xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc) giai đoạn 1969-1970; Bến Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) được chọn làm đầu cầu tiếp nhận và là nơi trung chuyển vũ khí của những “Đoàn tàu không số”.v.v.
Qua hai cuộc kháng chiến và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bến Tre có trên 35 ngàn liệt sỹ, gần 20 ngàn thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; có trên 2.100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bến Tre còn là quê hương của 23 vị tướng lĩnh; 76 cá nhân và hơn 100 đơn vị, địa phương được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, 4 Anh hùng Lao động. Có thể kể một số người con tiêu biểu của quê hương như: Ca Văn Thỉnh, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Huỳnh Tấn Phát, Lê Anh Xuân, Tạ Thị Kiều.v.v.
Sau ngày thống nhất đất nước, hậu quả chiến tranh để lại cho Bến Tre hết sức nặng nề, xuất phát điểm rất thấp, từ cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, cho đến con người. Ba bảy năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực, phấn đấu của người dân đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, tiến mạnh cuộc “Đồng khởi mới”, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các mặt kinh tế, đời sống, văn hóa, xã hội. Một số lĩnh vực nổi bật là:
Về kinh tế, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, với 2 mũi nhọn chính là kinh tế vườn và kinh tế biển trong những năm qua tiếp tục được đầu tư phát triển. Đối với kinh tế vườn, với một số sản phẩm đặc trưng của Bến Tre như: Cây dừa, tổng diện tích toàn tỉnh là 52,5 ngàn ha, sản lượng hàng năm ước 420 triệu trái (diện tích và sản lượng dừa Bến Tre lớn nhất nước, vừa qua, tỉnh tổ chức thành công Festival Dừa lần thứ III-2012); Cây ăn trái, diện tích toàn tỉnh ước gần 32 ngàn héc-ta, sản lượng ước 320 ngàn tấn, với nhiều loại đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh; Cây ca cao, tuy mới phát triển trong những năm gần đây, nhưng đạt kết quả tốt, mang lại hiệu quả cao, diện tích trên 8,5 ngàn héc-ta và ước sản lượng đạt 42,5 tấn quả tươi… Kinh tế biển, tổng diện tích nuôi thủy sản ước gần 43 ngàn ha, sản lượng gần 190.000 tấn; tổng số tàu thuyền đăng ký hoạt động khai thác thủy sản hiện có 4.330 tàu (khai thác xa bờ là 1.730 tàu), sản lượng khai khác các loại ước đạt 122.000 tấn; có 03 cảng cá là Bình Thắng, An Thủy và An Nhơn; có 01 cảng sông Giao Long.
Về đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng, đây có thể là một thành tựu rất đáng tự hào của Bến Tre trong nhiệm kỳ qua. Là tỉnh có địa bàn sông rạch chia cắt chằng chịt, việc đi lại gặp rất nhiều trở ngại, vì vậy, Bến Tre tập trung dồn sức đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông. Trong 5 năm, 2006-2010, đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, đến nay, 100% các xã đều có đường ô tô đến trung tâm (kể cả hai xã cù lao là Tam Hiệp, Bình Đại và Hưng Phong, Giồng Trôm); hệ thống giao thông nông thôn cơ bản hoàn thành (bê tông hoặc thảm nhựa) và đang được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng như: cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông; các cầu trên tuyến Quốc lộ 57 đoạn Chợ Lách; đã khởi công cầu Cổ Chiên nối liền Bến Tre và Trà Vinh.v.v.
Bến Tre trên đường đổi mới. Ảnh TV
|
Ngoài ra, các lĩnh vực vực khác đều đạt những thành tựu phấn khởi, góp phần thay đổi bộ mặt từ thành thị đến nông thôn; đời sống người dân không ngừng được nâng lên; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thể hiện qua một số kết quả đạt được trong năm 2011 là: tốc độ tăng trưởng kinh tế 8,74%; tổng kim ngạch xuất khẩu 363,931 triệu USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9.930 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn 1.120 tỷ đồng (năm đầu tiên vượt 1.000 tỷ đồng); tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 44%, tạo việc làm cho 26.218 lao động; tỷ lệ hệ nghèo còn 13%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 75%.v.v.
Là vùng đất cù lao, trước khi có cầu Rạch Miễu, Bến Tre tách biệt hẳn với các tỉnh thành trong khu vực. Tuy vậy, không có nghĩa là nằm lẻ loi, heo hút nơi góc biển chân trời xa xôi nào đó. Với trị ví án ngữ giữa các con sông lớn, giao thông đường thủy chiến lược với các miền thuận lợi, có 65km bờ biển với những của sông lớn đảm bảo cho tàu bè có trọng tải lớn ngược dòng, người Bến Tre đã sớm mở rộng sự giao lưu với bên ngoài. Con người có điều kiện đi đây, đi đó, tiếp xúc, học hỏi, buôn bán, trao đổi kinh tế và văn hóa với các vùng từ miền Tây lên Gia Định, đến miền Trung để làm giàu thêm kho tàng kiến thức và kinh nghiệm của mình, văn minh miệt vườn không ngừng bồi đắp. Đó chính là cơ sở tạo nên sự phong phú, đa dạng về kiến thức, nghề nghiệp, kinh nghiệm trong sản xuất, tổ chức xã hội và đời sống văn hóa của người dân xứ cù lao; trở thành một bộ phận khăng khít không thể tách rời vùng đất Tây Nam bộ.
Nhận thức rõ quan điểm “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”, những năm qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh nhà luôn quan tâm chăm lo đến sự nghiệp văn hóa, trong đó có việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa; xem đó là động lực, là hành trang để Đảng bộ và nhân dân Bến Tre bước vào giai đoạn cách mạng mới, góp phần đưa Bến Tre phát triển nhanh và bền vững.
Do lịch sử hình thành vùng đất và quá trình khai hoang, lập ấp cũng như trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm trên vùng đất cù lao đã hình thành và hiện lưu giữ nhiều di sản, di tích lịch sử văn hoá. Hiện tỉnh có 14 di tích cấp quốc gia, 8 di tích cấp tỉnh và 2 khu lưu niệm, với các công trình tiêu biểu như: Lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu ở xã An Đức (Ba Tri), Di tích lịch sử Đồng khởi ở xã Định Thủy (Mỏ Cày Nam), Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam ở xã Thạnh Phong (Thạnh Phú), Căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ở xã Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc)... Công tác giữ gìn các giá trị văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng dân gian đã được ngành chức năng đẩy mạnh, với nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm về những phong tục tập quán truyền thống, đời sống tâm linh của cư dân vùng sông nước; tập hợp và đã xuất bản nhiều ấn phẩm có giá trị. Đặc biệt là Bến Tre trở thành một trong những địa chỉ được giới khảo cổ học quan tâm, thông qua việc phát hiện và khai quật khảo cổ Giồng Nổi - Bình Phú (Thành phố Bến Tre). Đây là một bất ngờ lớn và rất quan trọng đối với lịch sử vùng đất Bến Tre, con người Bến Tre; đã thu nhận được những bằng chứng thực sự khoa học về thiên nhiên và con người ở vùng đất này trong vòng 2.500 năm trước…
Khu tưởng niệm bà Nguyễn Thị Định ở Bến Tre. Ảnh TV |
Bên cạnh đó, các lễ hội, hoạt động truyền thống trong cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao chất lượng và nội dung, thu hút sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, vừa đáp ứng phần nào nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vừa góp phần lưu giữ cá giá trị truyền thống quí báu tồn tại bao đời trong dân gian. Ngoài các lễ hội chung như: Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Nghinh Ông, Bến Tre còn có các lễ hội riêng của tỉnh, được tổ chức hàng năm, nhận được sự ủng hộ và đồng tình cao của nhân dân như: Ngày truyền thống văn hóa tỉnh (ngày 1/7) gắn với kỷ niệm Ngày sinh Cụ Nguyễn Đình Chiểu; Ngày truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh (17/1); Ngày giỗ của cụ Tán kế Lê Quang Quan ở Mỹ Thạnh (Ba Tri).v.v. đã trở thành nơi gặp gỡ, vui chơi mang đậm nét đặc sắc của các cư dân trong vùng. Bến Tre cũng là địa phương mà các xã, phường, thị trấn đều xây dựng Đền thờ Liệt sỹ.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tỉnh luôn dành một khoảng kinh phí hàng năm cho việc xây mới, tu bổ, sửa chữa; tiếp tục sưu tầm tư liệu, hiện vật lịch sử cho việc trưng bày, giới thiệu; thực hiện tốt công tác quản lý, giữ gìn, chăm sóc các khu di tích, đảm bảo sạch sẽ, khang trang, thật sự trở thành những điểm đến quen thuộc của nhân dân trong tỉnh và bạn bè khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử của một vùng đất cù lao anh dũng. Đồng thời, đội ngũ những cán bộ chuyên trách không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề. Phương tiện và các trang thiết bị phục vụ cho yêu cầu chuyên môn cơ bản được đáp ứng. Qua đó, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả các hoạt động trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa tỉnh nhà.
Bến Tre vui mừng và vinh dự khi được Ban Tuyên giáo Trung ương chọn làm nơi tổ chức hội nghị giao ban văn hóa - văn nghệ 6 tháng đầu năm 2012 khu vực Tây Nam Bộ theo chuyên đề “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Tây Nam bộ trong cơ chế thị trường và hội nhập”. Đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau tìm hiểu thêm về truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của quê hương Đồng khởi anh hùng. Đồng thời, tạo cơ hội để những người hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ tỉnh nhà có điều kiện giao lưu, tìm hiểu về các tỉnh bạn; trao đổi, học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Khu di tích và Nhà Thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre. Ảnh TV |
Trong thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập, dưới tác động mạnh mẽ của các phương tiện thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng giữa các vùng miền, trong nước và quốc tế… đã trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu sinh hoạt, đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, thì việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa chắc chắn đặt ra những vấn đề không chỉ cấp bách, mà còn yêu cầu đòi hỏi rất cao trong quá trình tiếp thu các văn hóa tiến bộ; đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc. Hy vọng rằng, qua hội nghị lần này sẽ cung cấp cho chúng ta những đánh giá khái quát về thực trạng tình hình, những dự báo và đề xuất các biện pháp có tính khả thi cao trong công tác giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa của Tây Nam bộ đạt hiệu quả.
|