Thứ Năm, 26/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 13/6/2010 19:58'(GMT+7)

Bệnh xa thực tế

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ biết đến chuyện ở Kon Tum, người dân đu dây cáp vượt sông Pô Kô qua báo chí. Ảnh: VnExpress.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ biết đến chuyện ở Kon Tum, người dân đu dây cáp vượt sông Pô Kô qua báo chí. Ảnh: VnExpress.

Đông đảo cử tri hài lòng với những câu trả lời của các thành viên Chính phủ, đặc biệt sự giải đáp thấu đáo và cầu thị của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.

Tuy nhiên, cử tri vẫn băn khoăn về một số câu trả lời "không biết" những vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước, đời sống của người dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không biết chuyện cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng, chỉ đến khi có ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng và báo chí lên tiếng mới “giật mình”. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ biết đến chuyện ở Kon Tum, người dân đu dây cáp vượt sông Pô Kô qua báo chí. Bộ trưởng hỏi lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Kon Tum thì “cũng chưa biết được chuyện này”.

Còn nhiều chuyện "không biết" khác liên quan đến cán bộ các cấp. Chẳng hạn, vụ một cháu bé bị hành hạ dã man ở Đầm Dơi (Cà Mau), sự việc kéo dài nhiều năm mà lãnh đạo ấp, xã, huyện không biết. Chỉ khi báo chí phát hiện mới “giật mình”...

Bệnh xa thực tế, xa dân của một số cán bộ đã là nguyên nhân chính dẫn đến những thông tin từ cơ sở chưa được các cơ quan có trách nhiệm biết đến.

Nhờ công nghệ phát triển, hầu hết cán bộ đều được trang bị phương tiện thông tin liên lạc hiện đại. Mạng thông tin di động đã phủ sóng hầu như khắp mọi miền của Tổ quốc. Gần như xã nào cũng có Internet, thôn, xóm nào cũng có vài chục chiếc điện thoại, vậy mà những thông tin trung thực từ cơ sở ở một số nơi vẫn chậm đến được các cơ quan chức năng. Phải chăng do trước đây cán bộ ra đồng tát nước, gặt lúa cùng dân, nay thì “cán bộ cấp xã cũng mặc com-lê, đi giày da, không thể lội ruộng được”. Chính vì xa thực tế, xa dân mà một bộ phận cán bộ đã không nắm bắt được tư tưởng, tình cảm, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, không nắm bắt được những gì đang diễn ra ở cơ sở. Đặc biệt nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, cán bộ cơ sở và địa phương không nắm được thông tin, không tham mưu đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời. Việc người dân qua sông Pô Kô bằng đu dây là do thiếu thông tin hay do sự vô cảm thờ ơ của cán bộ? Có lẽ cả hai. Không sát dân thì không biết dân cần gì và thờ ơ trước nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bệnh xa dân, xa rời thực tế của một số cán bộ cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra từ lâu. Người gọi bệnh đó là bệnh quan liêu và mức độ nguy hiểm của nó như bệnh tham nhũng. Người cũng đã chỉ ra nhiều phương pháp điều trị, trong đó quan trọng nhất là phải gần gũi với nhân dân, không được ngồi một nơi chỉ tay năm ngón. Cán bộ nhất thiết phải đi địa phương, đi cơ sở để kiểm tra công tác, để vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo.

Chúng ta đang tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nên chăng, trong cuộc vận động này, các cán bộ, đảng viên hãy gắng sức học tác phong gần gũi, sâu sát của Bác. Hãy tự soi vào mình xem có bị mắc "bệnh" xa thực tế, xa dân hay không để có biện pháp "điều trị".

Thời phong kiến, để hiểu đời sống của dân, nhà vua và một số quan lại đã “vi hành”. Việc “vi hành” ngày nay cũng cần. Nhưng chỉ có “vi hành” không chưa đủ, mà thông qua đi thực tế ở cơ sở, cán bộ phải tổ chức để tiếp nhận các thông tin nhiều chiều phản ảnh nguyện vọng, yêu cầu, thắc mắc của dân, thẩm định thông tin và ra quyết định kịp thời.

Cử tri cả nước chắc chắn còn nhớ lời nhắn nhủ của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải: “Sắp tới cần phải đi xuống cơ sở để xem xét, xử lý, giải quyết”.

(Theo: Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất