Thứ Năm, 28/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 8/6/2010 21:21'(GMT+7)

Quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đại đa số nhân dân trong nước từ địa vị nô lệ đã trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ đất nước. Cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của một nhà nước Việt Nam độc lập đúng nghĩa và cũng là lần đầu tiên, người dân Việt Nam được thể hiện quyền dân chủ thực sự, bầu ra người đại diện của mình trong Quốc hội - cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

65 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù phải kinh qua muôn vàn khó khăn, gian khổ do chiến tranh, tuy không tránh khỏi vấp váp, sai lầm, nhân dân ta vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ thực sự, nơi mọi quyền lực tối cao đều thuộc về nhân dân. Đặc biệt từ khi công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, nền dân chủ ở Việt Nam đã được phát huy và tạo ra động lực to lớn cho xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề ra chủ trương đường lối; xây dựng cơ chế, chính sách và các chế tài cần thiết bảo đảm cho nhân dân được thực hiện quyền dân chủ thực sự. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, được Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (năm 1991) thông qua đã nêu đặc trưng đầu tiên về thể chế chính trị của Nhà nước Việt Nam; đó là "một xã hội do nhân dân lao động làm chủ", với "Nhà nước xã hội chủ nghĩa là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng”.

Hiến pháp - luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tại Điều 2 đã khẳng định : “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.” Điều 3 của Hiến pháp còn nhấn mạnh: “Nhà nước bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân; xây dựng đất nước giàu mạnh, thực hiện công bằng xã hội, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”.

Điều 97 trong Hiến pháp ghi rõ: “Ðại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Ðại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó”.

Thực tế trong mấy nhiệm kỳ qua, đại biểu Quốc hội có người là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, có người không phải là đảng viên, có người do các cơ quan giới thiệu, có người tự ứng cử nhưng các đại biểu Quốc hội Việt Nam đều thể hiện rõ vai trò là người đại diện cho nhân dân. Nhân dân thông qua các đại biểu mà mình bầu ra quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc thực sự dân chủ: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Mấy năm gần đây, sự đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội tại các kỳ họp đã phát huy được trí tuệ tập thể của đại biểu Quốc hội và nhân dân, tạo ra bầu không khí dân chủ xã hội rộng khắp. Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp kiến nghị của cử tri được bố trí trình bày ngay tại phiên khai mạc kỳ họp để gắn kết những thông tin liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu Quốc hội nắm được nguyện vọng của cử tri khi thảo luận về các vấn đề như kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Các vấn đề hệ trọng của đất nước đều được các đại biểu Quốc hội - người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cho ý kiến và quyết định.

Việc nước Việt Nam có một Đảng Cộng sản lãnh đạo là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với những quy luật khách quan và sự lựa chọn của lịch sử (sự thực là trong phong trào cách mạng ở Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XIX đến nay, không có một đảng chính trị nào ngoài Đảng Cộng sản có đủ khả năng lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm một cuộc cách mạng giành độc lập, tự do cho đất nước). Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại không có mục đích nào khác ngoài phục vụ nhân dân, phấn đấu cho lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân trong xã hội. Nhân dân và dân tộc tin tưởng giao cho Đảng trọng trách lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trên thế giới, có những nước có một đảng, có những nước có nhiều đảng, nhưng không thể nói ở những nước chỉ có một đảng là không có dân chủ. Trên thực tế, ở một số nước có nhiều đảng phái, sự dân chủ của nhân dân lại bị đe dọa từ những cuộc biểu tình đẫm máu, từ sự hỗn loạn xã hội, từ những cuộc công kích xuyên tạc, bôi xấu lẫn nhau và từ sự cạnh tranh quyền lợi giữa đảng này, đảng nọ. Có những nước đa đảng lại quy định người ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước phải có một lượng tài sản lớn làm vật bảo đảm, ngoài ra các ứng viên tranh cử còn phải có nhiều tiền để tiến hành một chiến dịch vận động tranh cử tốn kém. Do đó chỉ có những triệu phú, tỷ phú mới có đủ tiền và đủ cơ hội để tham gia bộ máy chính quyền, tức là "người làm chủ" ở đây là những nhà tư sản kếch xù, và cái dân chủ ấy là dân chủ cho những người giàu… Ở Việt Nam không có những hiện tượng này.

Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII đang diễn ra tại Hà Nội, bầu không khí thẳng thắn, dân chủ trong nghị trường đã được phát huy. Các vấn đề quan trọng của đất nước, được người dân quan tâm đều được các đại biểu cân nhắc, tỏ rõ chính kiến của mình trên cơ sở ý chí và nguyện vọng của cử tri cả nước. Cuối tuần qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã có chỉnh lý quan trọng dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam trình Quốc hội. Dự kiến vào cuối tuần này, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ. Ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đều được hình thành trên cơ sở ý kiến của đông đảo cử tri. Cử tri đã thông qua người đại diện mình, góp tiếng nói vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Chúng ta đang cố gắng để bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân./.

(Theo: Đỗ Phú Thọ/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất