Bàng hoàng quá khi nhận được tin “chú Đức” từ trần. Vẫn biết quy luật sinh tử khó đổi thay nhưng sự ra đi của chú đã để lại khoảng trống đến vô cùng trong lòng mỗi người yêu sân khấu, trong sự nghiệp sân khấu hiện đại nước nhà.
Với lớp trẻ chúng tôi, NSND Dương Ngọc Đức dù là Tổng thư ký Hội NSSK Việt Nam 3 nhiệm kỳ, Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII... nhưng ông vẫn là một con người bình dị như người cha, chú trong nhà, sẵn sàng chia sẻ những buồn vui nghề nghiệp và sống cùng những đam mê của đồng nghiệp, của cả những kẻ mới tập tọng vào nghề để chắp cánh cho những ước mơ.
Sân khấu Việt Nam hiện đại bắt đầu bằng những tên tuổi Thế Lữ, Trần Hoạt, Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi, Dương Ngọc Đức, Trần Bảng, Ngọc Phương, Ngô Y Linh... và đặc biệt, thời hoàng kim nhất của sân khấu những năm 60- 70 của thế kỷ trước xuất hiện cụm từ “ Đức-Nghi- Quang” (Dương Ngọc Đức, Nguyễn Đình Nghi, Đình Quang) như ba cây đại thụ của sân khấu nước nhà. Cây đại thụ Nguyễn Đình Nghi ra đi đã là mất mát lớn của sân khấu, hai cây đại thụ còn lại là hy vọng của người yêu sân khấu, nào ngờ 21h15' ngày 3.6.2010 cây đại thụ Dương Ngọc Đức lại từ giã cõi trần. Quy luật sinh tử là tất nhiên nhưng sự ra đi ấy vẫn như là vô lý, vô lý đến tột cùng.
Trong năm kỷ niệm ngàn năm Thăng Long này sao số phận nỡ “gọi” một người Hà Nội chân chính của mình ra đi. “Người Hà Nội” ấy sinh ra và lớn lên ở phố Mã Mây, là nghệ sĩ từ năm 16 tuổi khi là thành viên đội kịch khu Hoàn Kiếm sau Cách mạng Tháng Tám. Trái tim người Hà Nội ấy đập cùng nhịp đập của dân tộc để thành anh lính Cụ Hồ với vị trí sĩ quan Sư đoàn 316 trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Và người Hà Nội ấy theo thời gian đã thành một trong những dấu ấn của sân khấu hiện đại nước nhà với di sản để lại khó quên qua những tác phẩm xuất sắc: Bộ ba kịch về Lênin của Pôgôdin (Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Chuông đồng hồ điện Kremlanh), rồi Tiền tuyến gọi, Masa, Đôi mắt, Tấm vóc Đại Hồng, Người công dân số Một, Đảo thần Vệ Nữ , Nghêu Sò Ốc Hến ...
Sân khấu chống Mỹ cứu nước là một binh chủng mạnh trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Những vở diễn do NSND Dương Ngọc Đức dàn dựng như Tiền tuyến gọi, Đôi mắt đã thực sự như hồi kèn xung trận thúc giục trai tráng tiến ra phía trước đánh giặc và cũng tạo ra lớp trụ cột tiếp theo cho sân khấu sau này như Doãn Hoàng Giang, Trọng Khôi, Đoàn Dũng...
Cây đại thụ của sân khấu Việt Nam đã ra đi nhưng bóng mát của ông vẫn mãi còn ở lại bằng sự nhân hậu, bằng trái tim đau đáu nghề nghiệp sống trong lòng mỗi người yêu sân khấu. Sừng sững cây đại thụ nghệ thuật ấy, sừng sững vị quan sân khấu ấy nhưng ông không biến mình thành ngôi đền. Ông lớn lao trong lòng mọi người, trong sự nghiệp bởi ông luôn muốn thế hệ sau lớn lên. Tôi chưa có hạnh phúc được NSND Dương Ngọc Đức dựng kịch của mình nhưng ông là một trong những bậc thầy tiếp lửa cho tôi. Những kịch bản chục năm gần đây của tôi ông đều đọc hoặc do tác giả đem đến “khoe” hoặc do vị trí chấm thi giải thưởng kịch bản. Có thể tin được không khi cây đại thụ tự gọi điện đến cây cỏ không tên tuổi góp ý như chính ông là đồng tác giả. Có thể tin được không khi cây đại thụ hẹn cây cỏ không tên tuổi đến nhà, ông ngồi chờ sẵn với 4 lon bia, hai chiếc cốc như chờ đợi vị khách ngang hàng.Và ông say sưa nói phải thế này, phải thế kia như chính ông sẽ dàn dựng. Tôi mừng nghĩ ông sẽ ra khỏi “lều tranh” và đề đạt mong được ở bên ông trong vở diễn. Mắt ông thoáng buồn khi nhận ra tuổi tác, sức khỏe trong cái lực bất tòng tâm khi mà từng mạch trong ông vẫn ứ tràn niềm yêu nghề, yêu sân khấu, yêu lớp trẻ...
Chú Đức ơi... Đấy là bóng mát để lại cho thế hệ chúng cháu...
Cây đại thụ đã ra đi rồi nhưng bóng mát vẫn còn ở lại, mãi còn ở lại...
NSND - Đạo diễn Dương Ngọc Đức sinh ngày 17.8.1930 tại Hà Nội, là Tổng thư ký Hội NSSK Việt Nam 3 nhiệm kỳ, Đại biểu Quốc hội khóa VII, VIII... Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. NSND - Đạo diễn Dương Ngọc Đức từ trần ngày 3.6.2010 tại Hà Nội. Tang lễ NSND Dương Ngọc Đức được cử hành hồi 9h30' thứ ba, ngày 8.6, tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |
Lê Quí Hiền-Vanhoa0