Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 13/6/2010 11:50'(GMT+7)

Học phí 27 tỷ đồng

Nút ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành thông thoáng hơn sau khi dỡ bỏ hàng rào inox ngăn ngã tư.

Nút ngã tư Giảng Võ - Đê La Thành thông thoáng hơn sau khi dỡ bỏ hàng rào inox ngăn ngã tư.

Hàng nghìn người tham gia giao thông, vào một buổi sáng đầu tiên của tháng 6 bỗng ngỡ ngàng khi hàng rào chắn bằng inox bịt ngã tư đường Giảng Võ và Đê La Thành - một trong những nút giao thông cực nóng của Hà Nội được dỡ bỏ. Hệ thống đèn tín hiệu cả trăm triệu đồng lâu nay nằm đắp chiếu bỗng được lắp đặt, kích hoạt trở lại, nhấp nháy xanh đỏ.

Điều gì đã xảy ra? Không ai không tự hỏi, khi một năm trước ngã tư nơi đây và rất nhiều ngã tư, ngã ba các trục đường chính bỗng bị bịt lại với tuyên bố ồn ào là sáng kiến có giá trị giải bài toán ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Nhưng không lâu sau, sáng kiến trên đã trở thành tối kiến, khi tại các ngã rẽ vừa mới được mở ra cách nút giao cắt cũ bị bịt lại chừng 100 - 200m lại tắc nghẽn dòng xe cộ quay đầu khiến giao thông càng thêm hỗn loạn. Dân tình bức xúc. Các chuyên gia giao thông, các nhà khoa học lên tiếng phê phán. Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội trong phiên họp kỳ ấy nóng bỏng chất vấn gay gắt là cả thế giới không thấy đâu kỳ cục như Hà Nội đi bịt ngã tư, ngã ba đường như vậy. Người đi bộ sẽ qua đường bằng cách nào? Không có đèn tín hiệu, xe cộ loạn xà ngầu như vậy, cái gì đảm bảo tính mạng cho người dân khi buộc phải băng đường?

“Nói phải củ cải cũng nghe”.  Nhưng phải một năm sau, những lời nói phải ấy mới được các quan chức giao thông - vận tải Hà Nội nghe cho, khi ông Chánh thanh tra Sở GT-VT Hà Nội thừa nhận với báo chí là việc bịt ngã ba, ngã tư làm “Tăng nguy cơ tai nạn, ùn tắc và khiến người tham gia giao thông vi phạm luật…”.

Phải mất một năm để có được lời thừa nhận ấy. Phải mất 27 tỷ đồng ngân sách bỏ ra thực hiện “sáng kiến” bịt ngã ba, ngã tư nay đã phá sản để có được lời thừa nhận ấy. Học phí quá đắt. Đó là cái giá thấy ngay được do ngân sách chi ra. Thế còn cái giá của những nguy cơ tai nạn, ùn tắc do “sáng kiến” nay đã rõ là tối kiến này gây ra thì tính toán làm sao?

Bịt ngã tư, ngã ba được xem là sáng kiến. Nay dỡ bỏ, không bịt nữa cũng lại được xem là sáng kiến.

Vậy nên, cũng dễ hiểu, trong các câu chất vấn của đại biểu Quốc Hội gửi tới Bộ trưởng GT-VT trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, có  nội dung truy trách nhiệm của Bộ GT-VT trong việc để UBND TP. Hà Nội chi đến 27 tỷ đồng bịt ngã ba, ngã tư làm vô hiệu hàng trăm đèn tín hiệu giao thông…

Ngẫm việc hết bịt lại mở ngã ba, ngã tư và việc giãi bày với dân của các quan chức giao thông vận tải Hà Nội, ngỡ ngàng thì ít mà lo âu thì nhiều./.

(Theo: Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất