Những yếu kém này rõ ràng không tương xứng với nhận thức mới của Đảng và của xã hội coi văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực, mục tiêu của sự phát triển kinh tế xã hội.
Vậy nguyên nhân từ đâu? Tôi e rằng ở đây có vấn đề nhận thức, và phía sau của nhận thức là vấn đề tư tưởng. Nhận thức là khởi đầu của hành động. Nhận thức các vấn đề xã hội thường diễn ra một cách phức tạp vì nó gắn bó với những trải nghiệm của bản thân, với những lợi ích cá nhân cụ thể. Vì vậy trong lãnh vực xã hội, việc tiếp nhận các vấn đề lý luận mới cũng là quá trình mỗi người phải tự vươn lên, tự hoàn thiện bản thân. Những hiểu biết giản đơn về cuộc sống, sự trói buộc bởi những lợi ích thiển cận, thường là những nguyên nhân dẫn tới những lệch chuẩn trong nhận thức và trong hoạt động thực tiễn.
Một sự thực hiển nhiên mà ai cũng biết là đầu tư nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thì có thể sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm vật chất, nhưng đầu tư cho các hoạt động sản xuất tinh thần, thì trước mắt, rất khó làm ra nhiều của cải vật chất.
Nhưng vì sao trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, vẫn xuất hiện những người dám vượt ra khỏi quỹ đạo của lối tính toán thông thường đó, và đưa ra những quyết sách táo bạo và có hiệu quả cao.
Hãy nhớ lại nước Nga năm 1920. Trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, và nghèo đói diễn ra khắp nơi, Lênin đã phát biểu trong một diễn văn trước Hội đồng dân ủy (Chính phủ) rằng: hiện nay đất nước đang gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn, tất cả các ngành, các địa phương đều phải cắt giảm kinh phí của mình, duy ngành giáo dục thì không phải cắt giảm. Không những không phải cắt giảm, mà ngành giáo dục còn được hỗ trợ thêm từ kinh phí cắt giảm ở các ngành và các địa phương.
Ở Việt Nam ta, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một lúc đề ra 3 thứ giặc cần phải tiêu diệt: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Theo Bác, cả 3 thứ giặc đó đều nguy hiểm như nhau, và tiêu diệt được 3 thứ giặc đó đều vinh quang như nhau.
Năm 1960 khi cả miền Bắc bước vào khí thế công nghiệp hóa đất nước, nhiều nhà máy, khu công nghiệp được mở ra đòi hỏi một vốn ngân sách rất lớn. Trong hoàn cảnh đó, trong một bức thư gửi Bộ Chính trị, Bác nói rằng việc công nghiệp hóa đất nước, việc xây dựng nhiều nhà máy là rất cần thiết, nhưng cần hơn cả là cải thiện đời sống của nhân dân. Đừng để cho đời sống nhân dân quá khó khăn. Vì vậy, theo Bác, nếu cần thì hoãn xây một vài nhà máy để đời sống nhân dân được cải thiện, để nhân dân phấn khởi và hiểu rõ thế nào là chủ nghĩa xã hội.
Tư tưởng của Lênin và Hồ Chí Minh tuy ra đời cách nhau 4 thập kỷ, nhưng có một điểm chung: thực sự quan tâm đến con người, đến quảng đại quần chúng - những người từ rất lâu bị nhấn chìm trong sự ngu dốt và đầu óc nô lệ. Không quan tâm giải phóng con người khỏi những xiềng xích đó, thì đừng nói đến phẩm giá con người, đừng nói đến phát triển kinh tế xã hội. Đó là chủ nghĩa nhân đạo thực tiễn của chúng ta, chủ nghĩa nhân đạo Mác-Lênin. Khi chủ nghĩa nhân đạo đó được vận hành thông suốt trong cuộc sống thì mọi khó khăn, hiểm trở sẽ được vượt qua. Thắng lợi của cách mạng nước ta hơn nửa thế kỷ qua, đặc biệt trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã nói lên điều đó. Năm 1972, khi cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ diễn ra ác liệt trên cả hai miền Nam - Bắc nước ta, chị J.Phôn đa - ngôi sao màn bạc Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Sau chuyến thăm đó, lúc trở về Mỹ, trong một bức thư gửi “Báo ảnh Việt Nam” năm 1972, chị viết: “Chúng tôi tự hỏi tại sao và làm thế nào một nước nhỏ về địa lý như Việt Nam mà không sợ sức mạnh kỹ thuật của Mỹ, lại có thể ngăn chặn được sự tiến công hung bạo của đủ các loại vũ khí Mỹ, ấy là bởi vì các bạn biết tại sao các bạn chiến đấu, bởi vì các bạn đã đặt giá trị con người, chứ không phải lợi nhuận hay bạo lực ở trung tâm của mọi sự vật”.
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mãi mãi là bài học về sức mạnh vô tận của văn hóa. Bài học đó không chỉ có ý nghĩa trong chiến tranh, mà cả trong hòa bình xây dựng, trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Sẽ là sai lầm lớn nếu nghĩ rằng, nói phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm cũng có nghĩa là vật chất lên ngôi, và tự thân kinh tế sẽ đẻ ra văn hóa! Không, các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đều được nẩy sinh khi đời sống kinh tế của xã hội còn rất thấp. Không phải cứ kinh tế phát triển thì văn hóa tự khắc phát triển. Lúc còn sống, Mác đã nhiều lần châm biếm quan niệm ngây thơ đó. Những vết rạn trong đời sống tinh thần ở các quốc gia đã có sự phát triển cao về kinh tế và công nghệ đang chứng minh điều đó. Nghịch lý mà hầu hết các quốc gia đang chứng kiến: kinh tế thì tăng trưởng, mà đời sống tinh thần thì đang suy thoái, càng chứng minh điều đó. Vậy cắt nghĩa hiện tượng đó như thế nào? Cố nhiên, kinh tế và văn hóa không phải là hai hoạt động tương khắc. Cha ông ta thường nói: phú quý sinh lễ nghĩa. Câu đó là đúng khi hiểu kinh tế như cơ sở vật chất, như điều kiện để văn hóa hoạt động và phát triển. Nhưng câu đó sẽ mất hết ý nghĩa khi đồng nhất sự phát triển kinh tế với sự phát triển văn hóa, bởi vì trong thực tế có những cá nhân, cũng như quốc gia đã trở nên giàu có hơn bằng sự hy sinh các giá trị văn hóa: môi trường bị ô nhiễm, quan hệ xã hội trở nên xấu hơn, tệ nạn về tội phạm xã hội gia tăng,...
Nghịch lý giữa sự tăng trưởng kinh tế và suy thoái văn hóa xét đến cùng, là hậu quả của một tư duy phiến diện: chỉ nhìn thấy các nhu cầu vật chất mà bỏ quên hay coi nhẹ các nhu cầu tinh thần, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài. Quan niệm phiến diện đó đã tạo ra những kẽ hở để các hoạt động kinh tế xa dần các mục tiêu xã hội. Khi kinh tế tách rời các mục tiêu xã hội, thì sự tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến những mâu thuẫn xã hội, thậm chí xung đột xã hội. Hãy nhớ lại câu nói của nhà bác học thiên tài Móc-găng, được Ăngghen trịnh trọng nhắc lại khi viết tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, sở hữu tư nhân và nhà nước”. Móc-găng viết: “Từ khi thời đại văn minh ra đời, của cải tăng lên rất nhiều, hình thức của cải là muôn vẻ, việc sử dụng của cải thì rộng rãi và sự quản lý của cải vì lợi ích của những kẻ sở hữu thì rất khéo léo, đến mức là đối diện với nhân dân, của cải đó đã trở thành một lực lượng không sao khống chế nổi. Trí tuệ của loài người dừng lại, hoang mang và bỡ ngỡ trước vật sáng tạo của chính mình... Sự tan rã của xã hội đang đứng sừng sững trước mắt chúng ta một cách đe dọa như là sự kết thúc một quá trình phát triển mà của cải là mục đích cuối cùng và duy nhất, vì một quá trình phát triển như vậy đang chứa đựng những yếu tố làm cho chính nó bị tiêu diệt. Dân chủ trong quản lý, hữu ái trong xã hội, bình đẳng về quyền lợi, giáo dục phổ thông, tất cả những thứ đó sẽ báo hiệu giai đoạn cao sắp tới của xã hội mà kinh nghiệm, lý trí và khoa học đang không ngừng vươn tới”.
Đó là lời cảnh báo nghiêm khắc khi coi kinh tế là một quá trình phát triển mà của cải là mục đích cuối cùng và duy nhất. Lời cảnh báo nghiêm khắc đó hình như đang được nhiều thức giả, nhiều chính khách trên thế giới quan tâm. Từ năm đầu của thiên niên kỷ mới, tổ chức UNESCO cũng đã đưa ra lời cảnh báo tương tự.
Bức tranh về đời sống kinh tế - xã hội nước ta tuy đã có những khởi sắc do quá trình đổi mới tư duy của Đảng, nhưng vẫn đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề bức xúc, gay gắt về xã hội. Từ khi bắt đầu Đổi mới, Đảng ta đã rất quan tâm đến vấn đề văn hóa, vấn đề xã hội và con người. Đảng cũng khẳng định vấn đề văn hóa và xã hội là những vấn đề gắn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Nhưng đáng tiếc, những quan điểm lớn đó chưa được vận hành một cách thông suốt đến với mọi người, đặc biệt những người trực tiếp tham gia hoạch định các chủ trương chính sách. Các chủ trương, chính sách và luật pháp theo đúng quan điểm của Đảng, đòi hỏi những cán bộ thật sự có năng lực, có phẩm chất trong sáng, có bản lĩnh chính trị tốt. Mặt khác, các chủ trương, chính sách và luật pháp khi đã hình thành và có hiệu lực thì buộc mọi người, mọi tổ chức xã hội phải tuân thủ. Những điều nhức nhối đang diễn ra trong lãnh vực văn hóa, giáo dục... phải chăng đang phản ánh tình hình bất cập nói trên. Làm sao có thể xây dựng và phát triển văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế xã hội, khi xu hướng thương mại hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục vẫn tồn tại đây đó, khi vì lợi ích kinh tế trước mắt người ta sẵn sàng làm nhiễm đất, không khí và nước, khi vì chạy theo tăng trưởng kinh tế mà quên mất những vấn đề nhức nhối về xã hội.
Hiện nay, trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, các nước đang bị đẩy vào cuộc chạy đua về tăng trưởng kinh tế, chiếm lĩnh thị trường. Nhưng ít ai nghĩ rằng, đằng sau cuộc chạy đua dồn dập đó, đang có một cuộc chạy đua lặng lẽ, âm thầm, nhằm đạt vị trí cao trong việc xây dựng một quốc gia, một thành phố có đời sống đẹp, quan hệ xã hội lành mạnh, môi trường trong sạch. Đã có một số tổ chức thế giới chuyên trách theo dõi vấn đề này. Và thực tế đã chứng minh rằng không phải quốc gia nào có đời sống kinh tế cao thì hiển nhiên có đời sống xã hội đẹp. Những tín hiệu đó là gì nếu không phải là những dự báo quan trọng về vai trò to lớn của văn hóa ở thời đại chúng ta. Không phải không có lý do khi có người gọi thế kỷ 21 là thế kỷ của văn hóa./.
GS.TS. Trần Văn Bính