Thứ Sáu, 27/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 2/6/2010 8:59'(GMT+7)

Bạo lực học đường - nhìn từ góc độ văn hoá và giáo dục

1. Bạo lực học đường và hậu quả của nó

Bạo lực học đường là hệ thống xâu chuỗi lời nói, hành vi mang tính miệt thị, đe doạ, khủng bố người khác (thường xảy ra giữa trò với trò, giữa thầy với trò hoặc ngược lại), để lại thương tích trên cơ thể, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt là gây tổn thương đến tư tưởng, tình cảm, tạo cú sốc về tâm sinh lý cho những đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình giáo dục trong nhà trường, cũng như đối với những ai quan tâm tới sự nghiệp giáo dục.

Xét từ góc độ văn hoá thì bạo lực học đường là một hiện tượng phản văn hoá, thể hiện lối ứng xử theo kiểu luật rừng, coi thường luật pháp, bỏ qua nội quy trường học, đi ngược lại và làm hoen ố những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp trong xã hội, trong nhà trường.

Xét từ góc độ giáo dục thì bạo lực học đường là sự phản ánh kết quả giáo dục không được như mong muốn, là thước đo gián tiếp cho thấy hiệu quả và chất lượng ngược chiều với mục tiêu giáo dục toàn diện, nhất là giáo dục đạo đức, lối sống theo chuẩn mực văn hoá.

Nhiều sự việc mang tính chất bạo lực học đường đã được phản ánh qua các kênh thông tin đại chúng trong thời gian gần đây cho thấy, tuy không phải là dòng chảy chủ đạo của văn hoá học đường, song dẫu sao cũng gây nhiều lo ngại cho xã hội. Bởi vì bạo lực học đường đã vượt ra ngoài khuôn khổ của cái gọi là “thứ ba học trò” (không còn là trò chơi nghịch ngợm, ngộ nghĩnh; không chỉ diễn ra với “nam thanh” mà còn lan mạnh trong “nữ tú”). Thực trạng bạo lực học đường đã khiến cho bức tranh giáo dục không còn được tinh khiết như bản chất của nền giáo dục định hướng xã hội chủ nghĩa. So với thời kì kháng chiến và trước đổi mới, thì giáo dục nước ta hiện nay đúng là đang thiên về “dạy chữ” một cách thái quá, còn phần “dạy người” chưa đúng với mục tiêu đề ra. Nếu không kịp thời khắc phục vấn nạn bạo lực học đường thì chắc chắn hậu quả của nó không thể lường trước được.

2. Nguyên nhân của bạo lực học đường

Với giới hạn phạm vi đã xác định của bài viết, ở đây tôi xin tập trung làm rõ nguyên nhân từ 2 góc độ: văn hoá và giáo dục.

- Nguyên nhân từ góc độ văn hoá:

Quá trình mở cửa, hội nhập đã đẩy mạnh sự giao thoa, tiếp biến văn hoá nhân loại vào văn hoá Việt, quá trình này không tránh khỏi những luồng gió độc hại (kể cả những “rác rưởi văn hoá”) du nhập một cách ngẫu nhiên hoặc có chủ định (với âm mưu “diễn biến hoà bình”), làm tổn hại đến những giá trị văn hoá truyền thống trong xã hội ta nói chung, trong nhà trường nói riêng. Những cảnh bạo lực trong phim ảnh nước ngoài, nhất là trong những trò chơi bạo lực, kích dục trên mạng đã vô hình chung chuyển tải đến học trò và kích thích thần kinh những người trẻ tuổi theo khuynh hướng hành động phi văn hoá, trái với giáo dục. Khi học sinh xem những phim, sách báo, mạng có nội dung “bạo lực” chính là họ đang chịu ảnh hưởng sự truyền bá về những giá trị văn hoá ứng xử thiếu tính nhân văn, nhân bản. Những trò chơi chém giết, bắn phá trên mạng, những bài hát được minh hoạ bằng cảnh bạo lực (do ghen tuông) đã gián tiếp cổ vũ cho phong cách ứng xử giữa con người với con người theo kiểu “lấy oán báo thù”, lấy gươm súng đáp trả lại gươm súng, đem võ nghệ đấu lại võ nghệ, lấy mắng nhiếc, sỉ nhục cho hả lòng hả dạ. Những hành vi như vậy chính là sự pha tạp văn hoá hành xử kiểu côn đồ băng đảng vốn đang ngày càng gia tăng, bất chấp luật pháp.

Hàng ngày, trong hành trình từ nhà đến trường hoặc dã ngoại, học sinh đã chứng kiến không ít cảnh tượng phi văn hoá diễn ra ngay trước mắt; chẳng hạn như: cảnh va quệt khi tham gia giao thông dẫn đến chửi rủa, hành hung; cảnh “không thuận mua vừa bán” dẫn đến xung đột náo loạn; cảnh người lương thiện vì phát giác kẻ trộm cắp mà bị chúng ra tay “báo oán” gây thương tích. Có khi xem trên mạng, hoặc nghe cha mẹ, anh chị kể lại không ít thông tin về cảnh tượng côn đồ đây đó; chẳng hạn: nhà nọ cháu giết bà lấy tiền chơi game, hoặc con đánh mẹ đến mức gây thương tích; nơi kia vợ chém chồng, làng ấy anh giết em, địa phương kia hai nhà hàng xóm gài bẫy nhau, sân vận động kia cầu thủ vào hùa cùng cổ động viên hành hung trọng tài, thậm chí trường nọ phụ huynh xông vào tận lớp học xỉ vả, hành hung giáo viên... Những cảnh tượng như vậy đã tự nhiên đi vào tâm trí học sinh, nhen nhóm trong lòng những trẻ em (vẻ mặt còn ngây thơ, hồn nhiên, mặc trên mình bộ đồng phục rất đẹp, xếp loại đạo đức vào loại khá, tốt) một khuynh hướng bạo lực. Trong thế giới nội tâm của họ dường như không còn chỗ cho những lời răn dạy sâu sắc mà cha ông gửi vào trong nhiều câu ca dao cổ (“công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”, “thương người như thể thương thân”; “người trong một nước phải thương nhau cùng”). Như vậy, trong cuộc sống đương đại, cho dù đã và đang có nhiều làng xã, khu phố được công nhận danh hiệu “văn hoá”, nhưng có một thực tế đau xót trong ứng xử người với người lại hết sức phi văn hoá, trái với cương thường đạo lý, vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật - đó chính là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ lấy bạo lực làm thượng tôn trong xử lý các mối quan hệ xã hội.

- Nguyên nhân từ góc độ giáo dục:

Giáo dục dù rằng không phải là duy nhất phải chịu trách nhiệm trước nạn bạo lực học đường ngày càng gia tăng tới mức báo động, nhưng dù sao thì giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm chính trong tình trạng học trò “áo trắng” mà có “hành vi đen”. Mục tiêu giáo dục được xác định rất rõ tính giáo dục toàn diện, trong đó có giáo dục đạo đức, giáo dục kĩ năng sống. Chương trình giáo dục cũng khá phong phú, đa dạng với những môn học có tính chuyên sâu về đạo đức, lối sống (ở tiểu học có môn Đạo đức, môn Tìm hiểu Tự nhiên và Xã hội, sau tiểu học có môn Giáo dục công dân). Hầu như trường học nào cũng khắc ghi “Tiên học lễ, hậu học văn”; lớp học nào cũng ghi nội quy nhà trường với những điều qui định rất khắt khe, đặc biệt không thể thiếu “5 điều Bác Hồ dạy”; đầu tuần và cuối tuần bao giờ cũng có tiết sinh hoạt để nhắc nhở học sinh giữ vững nền nếp. Tất cả những điều nêu trên đều mang tính định hướng, răn dạy học sinh rèn luyện nếp sống văn minh, hình thành lối sống văn hoá trong và ngoài nhà trường. Thế nhưng, tại sao vẫn còn nhiều vấn nạn đáng lo ngại, báo động sự xuống cấp đạo đức học đường? Để lý giải điều này, có thể xem xét một số khía cạnh sau:

Sự quá tải kiến thức dẫn đến quá tải thời gian học tập, khiến cho giáo viên và học sinh phải dành quá nhiều công sức vào “chạy tải” một dung lượng kiến thức (với nhiều môn, nhiều chuyên đề) vừa rộng, vừa sâu, vừa hàn lâm mà thiếu tính thiết thực. Mức độ quá tải vốn đã được chất chứa nhiều trong sách giáo khoa, lại được giáo viên, cán bộ quản lý nâng cao hơn một bước để “rèn trí thông minh” cho học sinh, nhất là hướng tới mục tiêu “giật giải” trong các kì thi học sinh giỏi từ cấp trường trở lên. Hiện tượng “chạy” trước chương trình (chẳng hạn trong hè đã học trước một số môn “chính”) lại càng làm cho sự quá tải tăng lên vì phải dạy dồn, dạy ép. Thực tế đó khiến học sinh không còn đủ thời gian để học những môn khác, nên một số môn, một số hoạt động ngoại khoá có nội dung giáo dục đạo đức, lối sống chỉ còn mang tính chiếu lệ (một vài môn sẽ chỉ học khi có thể sắp xếp được thời gian, tuy rằng trong sổ đầu bài vẫn đầy đủ số tiết, số bài theo thời khoá biểu).

Phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống đã bộc lộ nhiều bất cập, lạc hậu, nên hiệu quả, chất lượng giáo dục theo mục tiêu hình thành nếp sống văn minh, lối sống ứng xử có văn hoá cho học sinh không được như mong muốn, nếu không muốn nói là chúng ta đang phải nhận những trái đắng. Thực tế khi dạy học một số môn (ngoài văn, toán, ngoại ngữ) thì vẫn còn tình trạng giáo viên chép tên bài học, học sinh đọc thầm, hoặc đọc trích một đoạn nào đó mà giáo viên cho là trọng tâm; sau đó giáo viên nêu một vài câu hỏi, học sinh nhìn sách trả lời; rất ít khi giáo viên đưa ra những tình huống thực tế để cùng thảo luận. Một số môn học có ưu thế hoặc có nội dung gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục các giá trị văn hoá truyền thống chưa được giáo viên quan tâm đúng mức, chưa đầu tư công sức vào bài giảng nên càng làm cho bài giảng nhàm chán, nặng thuyết lý, giáo huấn khiên cưỡng. Âm nhạc, hội hoạ, thi ca, phim ảnh rất có ưu thế trong việc kết hợp giáo dục tính thẩm mĩ, làm mềm hoá thần kinh và làm phong phú tâm hồn trẻ thơ, song rất đáng tiếc học sinh lại chưa được tiếp cận một cách có ý tưởng sư phạm.

Công tác quản lý trong các nhà trường vẫn còn thiên về hành chính và nặng thành tích, chưa đảm bảo giáo dục toàn diện. Mấy năm gần đây, công tác thanh tra, kiểm tra chuyên môn từ các trường, các phòng, các sở giáo dục đã được tăng cường, phần nào đã giám sát chặt chẽ việc thực hiện đúng qui chế chuyên môn; song hoạt động này chưa thoát khỏi tình trạng chủ yếu vẫn tập trung vào một số môn học mà theo quan niệm cũ là “môn chính”. Những hoạt động giáo dục ngoại khoá chưa được quan tâm đúng mức, chưa đầu tư thoả đáng những điều kiện cần thiết về thiết bị, kinh phí, chuyên môn. Phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tuy đã có tác động làm tốt dần môi trường giáo dục nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu. Tính dân chủ trong ứng xử giữa giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh có được cải thiện, tuy vậy dường như còn không ít giáo viên, phụ huynh, học sinh đã thái quá trong hành vi ứng xử, làm cho tính dân chủ vượt ra ngoài khuôn khổ cương thường đạo lý.

3. Một số giải pháp khắc phục tình trạng bạo lực học đường

Những giải pháp từ góc độ văn hoá

- Giáo dục, hình thành nếp sống văn hoá cho học sinh là một quá trình hướng tới mục tiêu xây dựng nếp sống văn minh trong xã hội hiện đại, đòi hỏi phải có sự đồng thuận xã hội và nâng cao trách nhiệm công dân của các đối tượng tham gia vào giáo dục thế hệ trẻ. Bạo lực học đường là hệ quả của sự ô nhiễm môi trường giáo dục rộng lớn, không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà trong đời sống xã hội. Vì thế muốn đẩy lùi bạo lực học đường, trước hết phải làm cho môi trường giáo dục trong và ngoài nhà trường ngày càng đảm bảo tính thuần khiết. Công việc này đòi hỏi phải vừa xây dựng nếp sống văn hoá vừa chống lại những hành vi phản văn hoá. Căn cứ vào thiết chế văn hoá được qui định trong những văn bản nhà nước, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cần chỉ đạo sát sao trong hoạt động giáo dục nhà trường. Cần kiên quyết xử lý những hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh, gài bẫy học sinh sa ngã vào con đường đánh bạc, hút chích, trộm cắp, gây bè phái “sát phạt” lẫn nhau. Bên cạnh đó cũng phải ngăn chặn kịp thời, nghiêm trị theo pháp luật đối với những đối tượng là học sinh mà có những hành vi mang tính bạo lực, gây bất an cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội.

- Xây dựng nếp sống văn hoá nói chung, trong đó có văn hoá học đường sẽ góp phần làm thuần khiết môi trường xã hội, làm hạn chế nạn bạo lực học đường. Tuy nhiên, đây là sự nghiệp có tính cách mạng và lâu dài, đòi hỏi phải có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng góp sức của các tổ chức, đoàn thể. Do vậy, Ban Tuyên giáo các cấp cần phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội, nhất là các trường phổ thông (gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”), làm cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh nhận thức được trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng văn hoá học đường. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần chỉ đạo sâu sát cơ sở đoàn - đội trong các trường học ở địa phương, tổ chức những hoạt động chuyên đề có nội dung văn hoá học đường; yêu cầu các cơ sở đoàn trong nhà trường đưa nội dung phòng chống bạo lực học đường vào sinh hoạt thường xuyên, làm cho mỗi đoàn viên thanh niên là học sinh chuyển biến nhận thức, tự điều chỉnh hành vi, coi việc đẩy lùi nạn bạo lực học đường là một nhiệm vụ cấp thiết của người đoàn viên, thanh niên, thiếu niên.

Những giải pháp từ góc độ giáo dục

- Giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh các trường phổ thông là một quá trình diễn ra các hoạt động sư phạm có mục đích, có nội dung và phương pháp không giống như dạy kiến thức văn hoá qua các môn học. Chẳng hạn, học sinh có thể học thuộc lòng những định nghĩa, khái niệm, công thức ở sách giáo khoa Toán, Lý, Hoá, Sinh... rồi vận dụng vào giải các dạng bài tập qua nhiều lần, với nhiều dạng khác nhau, dần dần học sinh có thể thành thạo, có kĩ năng, kĩ xảo để trở thành một học sinh giỏi những môn học đó. Nhưng với giáo dục đạo đức, lối sống thì hoàn toàn ngược lại, học sinh phải biết lắng nghe lời giảng giải của giáo viên, vận dụng những triết lý, những bài học kinh nghiệm từ sách giáo khoa, từ cuộc sống để thực hành trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn, khi học về “Tình bạn” thì học sinh không thể chỉ đọc thao thao về cách ứng xử tốt đẹp giữa những người bạn với nhau, không thể chỉ đọc câu chuyện cảm động của những người bạn hoặc những nhân vật được nhân cách hoá trong những câu chuyện cổ tích, mà điều quan trọng là phải thể hiện sự quí mến, giúp đỡ bạn học cùng lớp, cùng trường thông qua việc làm cụ thể, quan sát được, thẩm bình được, có thể nêu gương được cho những bạn cùng trang lứa.

- Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc học thuộc, học quá sâu về những kiến thức môn học là không cần thiết; trong khi đó xã hội hiện đại đang cần phải tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ một vốn kiến thức, kĩ năng có tính phổ quát, làm nền tảng để mỗi người có thể sống hoà nhập với xã hội. Tại Thông báo số 242-TB/TW, Bộ Chính trị (khoá X) đã chỉ rõ: “Cần coi trọng cả ba mặt giáo dục: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề; đặc biệt chú ý giáo dục lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử, truyền thống văn hoá dân tộc, giáo dục về Đảng”. Đây là quan điểm chỉ đạo mà các cấp quản lý ngành giáo dục, nhất là các nhà trường phổ thông cần phải quán triệt sâu sắc để thực sự đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, nhất là trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Thực tế cho thấy, trong một thời gian dài, ngành giáo dục đã lệch lạc trong tư duy chỉ đạo giáo dục, làm cho những người trực tiếp tham gia hoạt động giáo dục trong các nhà trường sa vào nhồi nhét kiến thức, coi nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống theo chuẩn mực văn hoá; thiên về giảng giải lý thuyết kinh viện, ít tổ chức các hoạt động hữu ích, ít gắn với thực tế đời sống xã hội, đặc biệt là ít coi trọng phương pháp giáo dục “ tự nêu gương sáng để học sinh noi theo”. Do vậy, trong quá trình rà soát chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện tại (cũng như thiết kế chương trình và sách giáo khoa tương lai), cần quan tâm đúng mức tới những môn thuộc khoa học xã hội và nhân văn, những chuyên đề có thể lồng ghép giáo dục đạo đức học sinh. Dành thời lượng thoả đáng để tổ chức cho học sinh được thụ hưởng các tác phẩm nghệ thuật, thi ca, điện ảnh giàu tính tư tưởng, đậm tính nhân văn, hướng thế hệ trẻ vào những giá trị căn bản để làm người và sống ở đời cho có nghĩa có tình, có lý..

- Kinh nghiệm từ những nước có nền giáo dục tiên tiến đã cho thấy họ rất coi trọng giáo dục cho trẻ từ mầm non tới học sinh phổ thông những hiểu biết sơ giản làm nền cho đạo đức công dân. Tuy không “đao to búa lớn”, nhưng họ dành khá nhiều thời lượng đối với việc giáo dục kĩ năng sống, giáo dục cách ứng xử thân thiện với bạn, với môi trường xung quanh. Trong nhà trường của họ, các bài học giáo dục đạo đức, lối sống được biểu đạt bởi những ngôn từ khá mềm dẻo, không khô cứng và nặng tính giáo lý đơn thuần; họ thường thiên về tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động giáo dục ngoài giờ, tìm tòi và đưa ra phương án xử lý những vấn đề hiện đang xảy ra trong cuộc sống, do vậy học sinh được đưa vào môi trường tự giáo dục, tự rèn luyện. Chẳng hạn, ở nước Anh, người ta đưa ra cho học sinh phổ thông một tình huống đại ý là: Có một dự án giao thông mở đường đi qua một ngôi làng, bạn hãy cho biết ý kiến của mình để thực hiện dự án đó sao cho có lợi nhất. Ở nước Mỹ, học sinh phổ thông trung học có thể tự lựa chọn một vấn đề cụ thể trong cuộc sống để làm “luận văn” tốt nghiệp. Ở Nhật, ngay từ lứa tuổi mầm non, trẻ thơ đã được tổ chức các trò chơi mang tính hợp tác giữa các trẻ với nhau, họ cho trẻ được “nghịch” trong một thế giới thực với cát, với nước, với các đồ vật, họ còn bỏ nhiều công sức để xây dựng phim ảnh có tính giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông (trong phim này có tình tiết: một đứa trẻ tiểu học, đi bộ dưới đường, gặp trời mưa, nó đi bên này đường, còn phía bên kia đường là lối rẽ về nhà, nếu nó chui qua hàng rào phân cách giữa 2 làn đường thì có thể về nhà nhanh hơn, song nó đã nhẫn nại đi dưới mưa với một đoạn đường xa hơn để đến đúng chỗ qui định dành cho người đi bộ sang đường... và nó bị ướt người). Ở ta cũng đã bắt đầu có những học hỏi, thể nghiệm cách làm như vậy, song rất đáng tiếc học sinh lại phải chúi đầu vào giải Toán, làm Văn, học Tiếng Anh nên không mấy khi được tiếp cận những ý tưởng giáo dục hay như vậy./.

TS. Trần Viết Lưu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất