Với dân số gần 86,2 triệu người, Việt Nam đang là nước đông dân thứ 12 trên thế giới, và điều đáng nói là sự gia tăng dân số ấy lại đi kèm với tình trạng mất cân bằng giới tính, bài toán cần giải của xã hội Việt Nam.
Từ năm 2000, tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ mới sinh là 106 bé trai/100 bé gái, càng ngày tình trạng này càng gia tăng. Theo kết quả thống kê, năm 2008, tỷ lệ bé trai/bé gái là 112,1/100. Và dự đoán, nếu không có giải pháp hiệu quả, đến năm 2035 ở nước ta sẽ có khoảng 10% nam giới dư thừa so với phụ nữ cùng lứa tuổi.
Tình trạng mất cân bằng giới tính hiện đang diễn ra với tốc độ khá nhanh, được cho là có sự hỗ trợ tích cực của sự tiếp cận công nghệ xác định giới tính và lựa chọn giới tính.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2006/NÐ-CP quy định chi tiết việc nghiêm cấm các cơ sở y tế thông báo giới tính thai nhi khi tiến hành siêu âm. Tuy nhiên, khi các bậc cha mẹ vẫn còn mang nặng tâm lý thích con trai và bằng mọi cách để có con trai thì các biện pháp hành chính chưa thể làm thay đổi được tình thế. Ðể giải quyết bài toán nan giải này cần có sự vào cuộc của toàn xã hội trong đó giải pháp quan trọng là nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ.
Sau 20 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, đời sống của nhân dân đã được nâng lên, phụ nữ đã được tạo thêm nhiều điều kiện để tham gia công tác xã hội. Tuy nhiên nhìn nhận một cách thẳng thắn, có thể thấy rõ tâm lý "trọng nam" vẫn còn tồn tại; sự phân biệt giữa lao động nam với lao động nữ vẫn còn thịnh hành ở một số doanh nghiệp; rồi tình trạng bạo hành, lạm dụng phụ nữ vẫn diễn ra cả trong gia đình và ngoài xã hội. Dù thực tế cho thấy, trong nhiều gia đình ở Việt Nam, phụ nữ đang là người đảm nhận nhiều công việc, kể cả lo toan về kinh tế. Hơn nữa, do ảnh hưởng của tâm lý "trọng nam, khinh nữ" mà ngay chính trong gia đình, tự thân một số phụ nữ cũng mang tâm lý ấy. Họ chưa tự tin để khẳng định vị trí của mình, ít tham gia các hoạt động xã hội, không mạnh dạn tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của gia đình, đôi khi là cam chịu một cuộc sống phụ thuộc. Có lẽ vì thế, đôi khi chính phụ nữ lại là những người khao khát có con trai, và họ tự nguyện tham gia vào việc lựa chọn giới tính cho con mình.
Thay đổi một thói quen đã khó, thay đổi một tâm lý vốn đã ăn sâu trong quan niệm của nhiều thế hệ trong một cộng đồng còn khó hơn rất nhiều. Quan niệm và ứng xử có văn hóa trong bình đẳng giới nghiêm túc từ hôm nay chính là để ngăn chặn nguy cơ gây dẫn đến mất cân bằng giới, không trút gánh nặng cho tương lai. Vì thế không thể thờ ơ và biện pháp hiệu quả là cần thay đổi cách nghĩ, cách ứng xử của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tập thể, về vị trí, vai trò của phụ nữ. Cần xúc tiến việc xây dựng và coi quan niệm đúng đắn về bình đẳng giới là một tiêu chí văn hóa; từ đó tạo điều kiện để phụ nữ có vị thế, có tiếng nói trong gia đình, trong xã hội. Cùng với các biện pháp kiên quyết ngăn chặn hành động xâm hại quyền bình đẳng của phụ nữ, cùng với các biện pháp tuyên truyền giáo dục về bình đẳng giới, nam giới cần có sự thay đổi về nhận thức và hành vi về bình đẳng giới. Việc làm này cần được coi trọng, được ghi nhận là một trong những tiêu chí đánh giá phẩm chất văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội./.
(Theo: NDĐT)