Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 5/9/2008 16:46'(GMT+7)

Công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở Cà Mau

Mít tinh kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh www.camau.gov.vn

Mít tinh kỷ niệm 63 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ảnh www.camau.gov.vn

 Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" ở cà Mau đã góp phần tích cực trong phát huy truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, khẳng định lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, giải quyết nhiều bức xúc của cộng đồng, cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội. Đây là cơ sở vững chắc cho việc phấn đấu bình chọn ấp, khóm, xã, phường, thị trấn văn hoá.

Về cơ bản, từ khi phát động và triển khai, đến nay phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Cà Mau đã đi vào nề nếp, ngày càng được các tầng lớp nhân dân quan tâm và đồng tình hưởng ứng thực hiện. Theo số liệu của Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh Cà Mau, đến nay toàn tỉnh có gần 87% gia đình được công nhận là gia đình văn hoá. Trong đó, có 18,2% gia đình được công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu. Có 704/882 ấp, khóm được công nhận đạt chuẩn văn hoá đạt tỷ lệ 79,82%. Tuy nhiên chỉ có 37/97 xã, phường, thị trấn được công nhận là xã, phường, thị trấn văn hóa.

Phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo ở cơ sở phát triển khá tốt với nhiều hình thức như: Góp vốn xoay vòng, hỗ trợ kinh nghiệm làm ăn, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, vận động xây dựng quỹ vì người nghèo. Song song đó, phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội được các địa phương quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực. Nhiều khu dân cư vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới, việc tang và lễ hội. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được các địa phương chú ý quan tâm nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Ông Đỗ Thanh Trang, Phó Giám đốc Sở văn hóa-Thông tin tỉnh Cà Mau cho biết: Cuộc vận động xây dựng công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn từ lúc triển khai thực hiện đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang đã sử dụng vườn cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường văn hoá trong đơn vị. Điển hình là huyện Năm Căn 77/95 công sở được công nhận đạt chuẩn văn hoá chiếm tỷ lệ 81,05%, thành phố Cà Mau 92,64%.

Đầu tháng 8-2008, tỉnh Cà Mau đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở một số xã, phường, thị trấn. Qua kiểm tra cho thấy bên cạnh những mặt đạt và vượt tiêu chí quy định, các địa phương vẫn còn nhiều mặt hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn, thị trấn U Minh thực hiện rất tốt công tác xoá đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,1%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của cả huyện U Minh. Tuy nhiên, thị trấn U Minh vẫn còn một số mặt hạn chế như: còn 19.000m đường chưa được bê tông hoá, các thiết chế văn hoá xuống cấp và hư hỏng; cảnh quan và vệ sinh môi trường không được đảm bảo, vẫn còn cầu tiêu trên sông và một số cầu giao thông tạm bợ. Ở xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi thì các trụ sở sinh hoạt văn hoá của các ấp do nhân dân tự nguyện đóng góp và được xây dựng khá khang trang. Tuy nhiên, xã Tạ An Khương Nam còn một số tiêu chí cần phải quyết tâm phấn đấu mới đạt được như: tỷ lệ hộ nghèo còn 7,95%, chỉ có 75% tuyến đường được bê tông hoá, nhiều đoạn đường xuống cấp do sạt lở cần sửa chữa, còn một ấp vẫn chưa có trụ sở văn hoá và xã vẫn chưa có Trung tâm văn hoá thể thao. 

Bên cạnh đó, chất lượng của đời sống văn hoá chưa đều. Mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân còn chênh lệch khá lớn giữa thành thị và nông thôn. Các thiết chế văn hoá phục vụ cho hoạt động nghệ thuật ở cơ sở còn thiếu thốn hạn hẹp. 

Tình trạng mất vệ sinh môi trường vẫn diễn ra phổ biến ở cộng đồng dân cư làm mất vẽ mỹ quan, tạo điều kiện cho nhiều dịch bệnh phát triển. Nhiều tệ nạn xã hội không giảm mà còn gia tăng như tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc, ma tuý… gây mất ổn định ở địa bàn dân cư. Một số biểu hiện thiếu lành mạnh trong đời sống văn hoá như việc cưới, việc tang vẫn còn gây phiền hà, lãng phí…

Từ những tồn tại nêu trên, cần phải có những giải pháp khắc phục, tập trung xây dựng gia đình văn hoá, coi đây là yếu tố nền tảng; khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ truyền thống văn hoá của dân tộc; củng cố và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đời sống của nhân dân như: điện, đường, trường, trạm, nước sạch và khu vui chơi cho trẻ…

Qua quá trình kiểm tra một số xã, phường, thị trấn đã đạt chuẩn văn hoá, về cơ bản các đơn vị đã giữ vững danh hiệu của mình. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề trọng tâm mà các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa, như: công tác xoá đói giảm nghèo; cũng cố gia đình văn hoá; hoàn thiện về các thiết chế văn hoá; cũng cố cơ sở vật chất (điện, đường, trường, trạm và nước sạch); đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh… Có giải quyết tốt những vấn đề này thì chất lượng của cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá mới thực sự được nâng cao"./.

 CTV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất