Theo lộ trình để có được 50% phim Việt phát sóng, việc làm phim nhiều tập là giải pháp tốt nhất và hiệu quả. Đến nay, cơ bản các "giờ vàng" đã được phim truyền hình VN nhiều tập chiếm lĩnh. Nhưng chính sự xơ cứng về tư duy làm phim đã gây mất hứng thú với công chúng yêu phim Việt trên truyền hình.
Kể từ đầu năm tới nay, khi những bộ phim nhiều tập do các hãng phim truyền hình trong nước sản xuất được trình chiếu liên tục trên các kênh VTV của Đài THVN và nhiều đài TH địa phương trong "giờ vàng" thì làn sóng phim ngoại dường như đã phải lùi vào hàng "thứ". Số khán giả xem phim Việt trên THVN cũng tăng cao, nhiều phim nhận được sự quan tâm của khán giả và các phương tiện truyền thông.
Nhận xét một cách khách quan thì ở một phương diện nào đó, phim THVN đã có sự khởi sắc, tiến bộ, đáp ứng phần nào mong muốn thưởng thức văn hoá nghệ thuật của công chúng. Nhiều phim có đề tài gần gũi với những vấn đề "nóng" trong hiện thực, phản ánh chân thực những chi tiết dung dị của cuộc sống. Một số phim sau khi phát sóng được xem như những thông điệp chuyển tải ý nghĩa hướng thiện trong cuộc sống đến người xem.
Tuy nhiên, theo lộ trình, phim Việt phải đạt được tỉ lệ 50% lượng phim phát sóng THVN thì việc sản xuất phim nhiều tập là một trong những giải pháp thuận lợi nhất để bảo đảm số tập phim đủ để lên sóng. Riêng Hãng phim VFC của Đài THVN phải đảm đương 300-350 tập phim/năm, Hãng TFS của Đài TH TP.HCM cũng tương tự, ngoài ra khoảng hơn 30 hãng phim tư nhân khác cùng hợp tác sản xuất phim. Với số lượng tập phim như thế, trong thực tế sản xuất phim VN hiện nay thì không thể đảm bảo là có phim chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật.
Chỉ tính riêng Hãng phim VFC, trung bình hơn 1 ngày/1 tập phim được "xuất xưởng", đạo diễn, biên kịch, diễn viên, quay phim gần như làm ca kíp và cùng một lúc đảm nhận nhiều phim, kịch bản, nhân vật trong cùng thời gian. Có những phim mà đạo diễn đang ở ngoài trường quay tập tiếp theo, thì trợ lý đạo diễn ngồi dựng tập trước, diễn viên vừa đóng ở phim này, vài phút sau sang đóng ở phim khác khi chưa thuộc vai, nhà biên kịch ra trường quay vẫn phải sửa kịch bản theo ý nhà sản xuất hay đạo diễn, hoặc cho vừa vai với diễn viên...
Nhiều phim THVN, khán giả không đủ kiên trì để xem hết tập phim, chưa nói đến những phản ứng khá gay gắt với những phim được cho là không thích hợp với thuần phong mỹ tục VN hay không đạt những giá trị thẩm mỹ nhất định về nội dung, nghệ thuật.
Không phải các nhà làm phim THVN không thấy tồn tại đó, mà do chính tư duy làm phim không đổi mới. Đầu tiên là tư duy "ăn sẵn" - dùng kịch bản của nước ngoài về Việt hoá, vừa nhanh, vừa dễ... thế là phim Việt mà như chuyện ở tận đâu, không có gì gọi là tính cách, văn hoá VN. Hoặc cho ra những kịch bản hời hợt, không tiếp cận chính xác thực tế cuộc sống.
Tiếp đến là diễn viên, có những người chuyên đóng một loại vai, cho dù là phim về nông thôn, thành thị, thời cách đây 10-15 năm đến thời hiện tại, phim nào cũng một gương mặt, một kiểu nói cười đi đứng, thậm chí trang phục cũng không có gì thay đổi, như một khuôn đúc, gây nhàm chán. Một số nhà làm phim còn quan niệm, phim TH là phim giải trí, chiếu một lần rồi thôi, không cần phải đầu tư nhiều, nên không cần trau chuốt, nên đã tạo ra một kiểu làm phim cẩu thả, còn khá nhiều "sạn" và những tình tiết bất hợp lý....
Xã hội ngày càng văn minh, nhu cầu thưởng thức văn hoá càng cao, việc phát triển những phương tiện nghe nhìn đặc biệt là các kênh TH cũng ngày càng nhiều. Việc đổi mới tư duy, xây dựng thành một ngành công nghệ làm phim THVN hiện đại, chuyên nghiệp, chất lượng nội dung, nghệ thuật cao là điều nên làm ngay từ bây giờ./.
(Theo Báo Lao động)