Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 5/9/2008 8:34'(GMT+7)

Nhân một năm ngày mất của nhà thơ Trịnh Thanh Sơn: Bạn giờ ở phương nao?

Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo Trịnh Thanh Sơn

Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo Trịnh Thanh Sơn

Một năm vắng bóng Sơn trong đời sống văn học Hà Thành. Một năm làng thơ thiếu một nhà thơ lúc nào cũng sống với thơ dù thơ chỉ mang lại cho anh phiền toái là nhiều. Một năm các nhà thơ và nhiều cây bút trẻ thiếu đi một người bạn sẵn sàng đón nhận những tập thơ, dù là đầu tay, dù gửi tặng hay không gửi tặng, để mà thích thú thưởng thức, bình phẩm, phát hiện và giới thiệu với tất cả sự vô tư, liên tài, điều khá hiếm vào thời buổi này.

Nhấn vào đây để xem các tác phẩm tiêu biểu, nổi tiếng của Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn:

  • Cọng rơm vàng (Thơ 1993)
  • Giậu cúc tần (Thơ 1996)
  • Đoá tầm xuân (Thơ 2000)
  • Giàn thiên lý (Thơ 2004)
  • Vàng gieo đáy nước (Thơ 2007)
  • Gã nhà quê
  • Tuyển tập truyện ngắn 1
  • Tuyển tập truyện ngắn 2
  • Đi dọc cánh đồng thơ (Tập 1, Tập 2, Tập 3)...



Một năm. Báo chí rộ lên một hồi rồi lặng dần để chuyển sang chuyện khác. Những chồng sách chất ngất được xếp gọn lại. Chai bé chai lớn bơ vơ, trở thành một lũ vô chủ. Cuộc sống, dù sao vẫn phải tiếp nhịp bình thường của nó. Quên, tiếc thay lại là điều không thể khác, lại là chất nhân văn của đời. Nếu không quên được nỗi đau thì làm sao có thể vui, mà con người vốn cần hi vọng, cần niềm vui để sống. Nhưng nếu quên là một vũ khí tự vệ để tồn tại thì nhớ cũng là một vũ khí để tồn tại. Người ta có quyền quên nhưng cũng có quyền được nhớ và đôi khi, phải biết quên để mà nhớ nhiều hơn…

Với những ý nghĩ vẩn vơ như thế, tôi ngồi chậm rãi đọc lại từng trang tập tuyển thơ của Trịnh Thanh Sơn có tựa đề là “ Vàng gieo đáy nước”, tập tuyển do chính Sơn chọn từ 4 tập thơ đã in và nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, người bạn thơ thân thiết của Sơn phải cố gắng lắm mới in kịp để Sơn được nhìn thấy nó trước khi nhắm mắt. Những bài thơ, bài nào cũng đã đọc ít ra một lần nhưng khi người viết không còn nữa, đọc lại thấy rất khác. Đọc thơ mà nhớ đến người…

Tôi nhớ khoảng đâu đầu những năm 80

Sơn về ở với tôi từ lúc nào, cả hai đều không thật nhớ rành mạch. Thời bao cấp lại là thời điểm tới đáy của khủng hoảng kinh tế, mọi thứ đều phải dùng tem phiếu, đều phải bình xét, kể từ cái kim cuộn chỉ, đôi lốp xe đạp tới mét xô màn của chị em trở đi. Ở, hai người dồn vào một ô 8 mét vuông ngăn bốn bề bằng cót ép đã mọt tơi tả ở một nhà tập thể của TTXVN gần cuối phố Hàng Chuối. Khu tập thể này vốn là một biệt thự cũ, mưa là nước tràn vào nhà lênh láng và chỉ cần một người mạnh chân là cả ba tầng rung chuyển. Ăn, chúng tôi ăn mọi thứ hai người tha về được bằng tiền lương của tôi, bằng tiền nhuận bút 30 đồng một kịch bản câu chuyện truyền thanh, bằng việc bán đi những thứ như đôi săm xe đạp, đôi pin đèn hay miếng vải áo sơ mi xí nghiệp nào đó thương tình”tặng” các nhà báo. Một buổi chiều, tôi vét túi đưa Sơn những đồng tiền cuối cùng rồi nằm đọc, chờ anh ra chợ. Chờ mãi, đến gần 8 giờ tối, Sơn mới trở về. Khác với mọi lần, tối ấy anh về tay không, vẻ mặt tiu nghỉu. Không đợi tôi hỏi, Sơn buông xõng : “ Tôi cho hết tiền rồi. Anh kiếm gì ăn tạm. Tôi thì nhịn cũng không sao”. Thì ra, đến chợ cóc Trần Xuân Soạn, đang loay hoay mặc cả, Sơn gặp một người không quen biết, xưng là biên tập viên nhà xuất bản Thanh Niên. Chỉ vài ba câu trao đổi, hai người kéo nhau vào quán nước và…đọc thơ. Sơn có biệt tài thuộc thơ, cả của mình và của người khác. Cuộc trình diễn thơ ca kéo dài gần ba giờ liền và kết quả là đêm ấy, tôi và Sơn không ngủ được vì đói. Không biết người đàn ông xưng là biên tập viên văn học ấy giờ còn không. Nếu còn sống, anh có nhớ đến cái anh chàng vét hết số tiền quí giá đang có trong túi để cho anh chỉ vì anh yêu thơ và anh cũng đang đói như anh ta không ? Anh chàng ấy là Trịnh Thanh Sơn, là thi sĩ Trịnh Thanh Sơn ngay từ khi chưa viết câu thơ nào.

Tôi nhớ vẫn những năm 80

Vào thời gian ấy, ngày nào cũng vậy, tôi đi làm thì Sơn cũng dắt xe đạp đi. Đi đâu ? Chẳng có nơi nào chờ đón anh cả, nhưng thà đi để còn có cảm giác là mình đang bận một việc gì đó, hơn là ngồi ở nhà. Hàng ngày, ta chán ngấy đến tận cổ sự bận rộn, nhưng bỗng một lúc nào đó, ta không còn việc gì để bận nữa thì thật khủng khiếp. Lang thang khắp chốn, nơi anh thường đến cuối ngày là nhà ăn tập thể của trường Sân khấu - Điện ảnh, không phải để ăn mà để gặp thủ kho, hi vọng có thể mang về cho tôi một lời hứa mơ hồ nào đó của người này, chẳng hạn như : “ Ngày mai (hoặc tuần này, hoặc đầu tháng ) đến lấy gạo nhé!”. Bởi vì tuy bị “ bật xới” ( nói theo từ của Sơn ), anh vẫn còn tiêu chuẩn gạo sinh viên 17 kg trong sổ gạo tập thể của trường. Xin nhắc lại rằng, vào thời đó, không có cách gì kiếm được chút chất bột vào bụng nếu không có tem gạo hoặc sổ gạo, đến mua một cái bánh mì ỉu, một bát mì sợi không thịt cũng cần 0,225 kg tem gạo. Còn tiêu chuẩn gạo là còn bám trụ được ở Hà Nội, là còn hi vọng được làm nghệ thuật. Ấy thế mà một buổi chiều, Sơn ngậm ngùi bảo : “ Người ta cắt nốt tiêu chuẩn gạo của tôi rồi anh ạ ! Từ tháng sau, tôi không còn liên quan đến trường nữa, người ta bảo thế”. Tôi lặng người. Sơn cũng lặng người. Nhưng anh không khóc. Suốt ba mươi năm chơi với Sơn, tôi chưa một lần thấy anh khóc. Nhưng dù có khóc hay không thì tình cảnh lúc ấy cũng thật bi đát: chúng tôi hết đường sống. Sau hàng năm đeo đuổi, tưởng đến một lúc nào đó, người ta sẽ thương tình , nhất ra là cho Sơn cái bằng tốt nghiệp hoặc chí ít, cho anh vào làm nhân viên phục vụ trong trường rồi tính sau. Nhưng với quyết định cắt gạo này, thế là hết hi vọng. Sự bền chí trong tôi tan rã. Tôi tin rằng khả năng bám trụ Hà Nội của Sơn không còn nữa. Hay là trở lại Khu gang thép Thái Nguyên ? Trở lại đấy để làm cán bộ đài truyền thanh hay phòng thông tin- văn hoá, Sơn sẽ được nhận ngay, rồi lại từ đó tìm đường về. Hay là về quê Thanh Hoá ? Gia đình Sơn vốn rất có uy tín ở địa phương, công ăn việc làm cho Sơn không phải là chuyện quá khó. Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi đành hé với Sơn những khả năng này. Sơn đón nhận gợi ý của tôi với sự điềm tĩnh không ngờ như anh đã nghĩ đến điều này từ lâu, đã day dứt lựa chọn không chỉ một lần. “ Anh ạ ! tôi thà quét đường quét chợ chứ nhất định không về những nơi ấy. Quét đường quét chợ để còn được sống với thơ, với điện ảnh. Về quê tôi có thể có chức, có tiền. Có chức, có tiền rồi thì vui thú giàu sang sẽ giết chết con người nghệ sĩ”. Và Sơn bặm môi ở lại thật Mấy năm trời vất vưởng, sống bám vào các toà soạn, viết bài nào ăn bài ấy, biết thế nào là bữa đói bữa no. Mấy năm trời không hộ khẩu, không biên chế, không nhà cửa ( những tuỳ thân tối cần thiết cho một người ở Hà Nội vào thời ấy, nếu không sẽ trở thành một kẻ dị dạng, một khả nghi, một gã thừa ra ). Trong cùng quẫn kiếm sống, Sơn đã viết kịch bản, viết phê bình, làm thơ và vô số những bài báo lăng nhăng lít nhít khác. Sức làm việc của Sơn thật kinh khủng. Ba lần anh lấy máy đánh chữ của tôi mang về và lần lượt cả ba chiếc máy ấy đều bị anh hùng hục dùng đến các con chữ cùn mòn như lợi bà lão còn thân máy thì rệu rã, đồng nát cũng không buồn ngó ngàng. Để kiếm sống, dĩ nhiên, nhưng với văn chương, những gì Sơn viết ra đều là nặn hết máu huyết vào đó, đều nghiêm túc và sang trọng. Tôi chưa thấy Sơn tắc trách với những trang văn của mình bao giờ. Cũng chưa bao giờ anh chiều nịnh ai dù một lời khen chê. Sơn không đến với văn chương như một kẻ rong chơi dông dài, hay đâu chầu đấy. Anh cặm cụi, lam lũ, trả giá cả đời mình cho văn và đấy là điều khiến bạn đọc yêu anh, nhớ anh, kẻ đến muộn mà đi sớm.

Tôi nhớ giữa những năm 90, dưới tán cây long não.

Dưới tán cây long não

Chả biết đâu là giả là thật

Cà vạt ba hoa mặc sức

Mũ len sùm sụp một góc

Nhạc, hoạ, thi, ca, đậu phụ, mắm tôm

Góc chợ đời cũng bán, mua, lật đổ

Dưới tán cây long não

Kẻ buồn trắng tay, người vui trúng quả

Kẻ lạnh lùng quay lưng, người tri âm tri kỷ

( Dưới tán cây long não, 9-2004 )

Dưới tán cây long não ấy ( Những cây long não đã có từ hồi Bảo Đại còn nhảy đầm ở đây. Bao năm rồi chúng vẫn lặng lẽ nhìn chúng ta ) tôi đã lâm nạn. Vào những ngày ấy, Sơn vẫn đến tạp chí Điện ảnh ngày nay với chiếc túi bạt cũ và chiếc xe đạp cà tàng của mình. Anh tránh mặt tôi vì mặc cảm chẳng giúp gì cho bạn được, nhưng buồn, tôi biết. Một trưa, đang ra cổng, tôi nghe tiếng gọi ời ời chỗ quán bia cóc gần phía Nhà xuất bản Văn học. Ngối trước những cốc bia Vạn Lực hăng hắc mùi bồ kết là mấy nhà văn, nhà báo và hoạ sĩ mặt đỏ phừng, giọng đã líu. Sơn đứng lên, quát về phía mâm bia :

- Này, các ông có im đi không! Để tôi nói với ông đây một câu thôi.

Chờ đám bạn lặng hẳn, Sơn mới chậm rãi nói tiếp câu đang dở :

- …Là thế này : Tôi biết ông đang gian nan. Nhưng đừng sụp đổ. Đừng tuyệt vọng. Ông mà sụp đổ, tôi buồn lắm …

Không bao giờ tuyệt vọng, càng không bao giờ suy sụp, phải không Sơn. Nhưng giờ này bạn đang ở đâu trong cuộc hành trình vô tận về phía vĩnh hằng ?

Bạn giờ ở phương nao ? Câu thơ trong bài Nhớ bạn của Trịnh Thanh Sơn

2-9 ( 3 tháng Tám, Âm) 2008
Vũ Duy Thông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất