Chúng tôi đã tìm gặp những người thân của cố kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh và được cung cấp bản viết tay kể về việc thiết kế, lắp đặt Lễ đài Độc lập ở Quảng trường Ba Đình do vị kiến trúc sư nổi tiếng này chắp bút. Đây là bài viết được ông Ngô Huy Quỳnh viết vào trưa ngày 28.8.1992 để trả lời các câu hỏi của một phóng viên Tạp chí Kiến trúc và đời sống. Được sự đồng ý của gia đình ông Ngô Huy Quỳnh, Thanh Niên xin giới thiệu nguyên văn bài viết của ông.
Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh (ảnh chụp lại) |
"Sáng ngày 1 tháng 9 năm 1945, ông Phạm Văn Khoa đến truyền đạt yêu cầu của Kỳ bộ Việt Minh qua ông Mười Hương là ngày 2 tháng 9, Bác Hồ sẽ đọc Tuyên ngôn độc lập và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Yêu cầu làm lễ đài giản dị nhưng phải trang nghiêm; trên lễ đài có thể đứng được ba chục người. Việc làm lễ đài và viết khẩu hiệu bằng ba thứ tiếng Việt, Nga, Anh được giao cho các ông Nguyễn Huy Tưởng và Phạm Văn Khoa hoạt động trong tổ chức Văn hóa Cứu quốc.
Thế là việc chọn và quyết định nơi đặt lễ đài, kiểu lễ đài vẽ xong để bắt đầu thi công vào 12 giờ trưa ngày 1 tháng 9 và 3 giờ sáng ngày 2 tháng 9 dựng xong lễ đài để còn thời giờ mắc loa và đặt mi-crô.
Nơi dựng lễ đài là bồn cỏ tròn ở giữa Quảng trường Ba Đình, trước các cổng cuốn và cuốn tròn tỳ trên hệ thống cột theo kiểu thức tô-scan Pháp. Công trình này màu vàng nhạt, vòng hai tay ôm lấy phía sau lễ đài màu đỏ cùng với khối cây cổ thụ màu xanh hầu như đóng vai trò "trẩm" theo cách nhìn phong thủy mà bà con không lạ lắm. Màu đỏ, vàng của lễ đài với hai bình hương hai bên, của cờ đỏ sao vàng trên cột cờ lễ đài và trước hàng ngũ đại biểu nhân dân nổi rực rỡ và sống động trước vòm cây nhiệt đới và màu lam vòm trời đất Thăng Long. Phải đứng từ không gian xa xa của các đoàn thể nhân dân mới thấy được bố cục toàn cảnh này. Tôi đã tranh thủ đo lại kích thước cổng cuốn và hàng cột kiểu thức tô-scan này để xác định khuôn khổ thích hợp của lễ đài trong không gian rộng lớn xung quanh. Trong khi đó, ông Khoa cũng để cả thời gian buổi sáng để đến bàn bạc với ông Quyến là thợ mộc ở phố Hàng Hành để chuẩn bị thi công theo các bản vẽ, đi mượn gỗ và mượn hai thứ vải màu vàng và đỏ. Đồng bào Hà Nội vui lòng cho mượn gỗ và vải; gỗ cần bao nhiêu cứ lấy, cần xẻ ra cứ làm, vải thì cố giữ cho đừng rách còn cần "pha" ra thì cũng tùy yêu cầu. Vật liệu có gỗ và đinh sắt được chở đến giữa bùng binh Ba Đình. Ông Quyến huy động 10 bạn thợ đến làm việc tấp nập, chỗ này cưa, chỗ kia rọc gỗ. Hội Truyền bá Quốc ngữ huy động bốn chục anh em ở Ban Cổ động, Ban Khánh tiết, Ban Giáo khoa đến giúp.
Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội do kiến trúc sư Ngô Huy
Quỳnh thiết kế năm 1945 (ảnh chụp lại)
Riêng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ thống chống đỡ bục lễ đài phải chịu nặng trên hai tấn. Cột cờ và các trụ lễ đài đều chôn chân xuống đất, không dùng mộc để tránh thiệt nhiều cho bà con có gỗ và để tranh thủ thời gian. Dùng vải bọc ngoài các khung gỗ và tạo khối kiến trúc, dễ trang trí, có màu sắc cần thiết, với thời gian ít nhất. Các việc không phải mộc, không phải nề này tôi cũng làm với anh em thanh niên. Công nhân nhà máy điện đảm bảo ánh sáng thật đầy đủ. Chúng tôi làm xong các việc trước rạng đông ngày 2 tháng 9 và không chú ý là cả một đêm trắng đã qua nhanh chóng!
Khi đứng trên lễ đài để xem xét lần cuối cùng, tôi thấy nao nức trước đông đảo đại biểu nhân dân hừng hực khí thế dưới cờ đỏ sao vàng tràn ngập Ba Đình. Các khẩu hiệu chữ trang kim trên nền vải đỏ tươi càng làm rực rỡ thêm buổi lễ lịch sử này. Khói trầm từ các lư hương lớn hai bên lễ đài bay lên cao, gợi những ý tưởng thiêng liêng và thong thả tỏa rộng quyến luyến các đoàn đại biểu.
Khi Bác Hồ và Chính phủ lâm thời bước lên bậc thang lễ đài, tôi và nhiều anh em nghiêm trang đứng chào, nắm tay phải đưa lên ngang vai. Nhiều đồng chí tự vệ và cả ông Phạm Văn Khoa cầm súng bảo vệ quanh lễ đài.
Riêng tôi tự ý một mình đứng bên dưới lễ đài, quan sát những điểm chịu lực của kết cấu khung gỗ, và một mình trong không gian màu đỏ dưới bục lễ đài, tự thấy mình lực lưỡng hơn về trí tuệ và tình cảm khi đứng dưới chân Bác và ghi trong lòng Tuyên ngôn độc lập Bác đọc. Và thật là xúc động khi nghe Bác hỏi: "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" và tiếng hô: "Rõ ạ. Rõ ạ..." của hàng chục vạn đồng bào vang vọng như những làn sóng biển Đông.
Nơi đồng bào dự lễ ngày 2.9.1945 chính là quảng trường trước Lăng Bác ngày nay và cả con đường Bắc Sơn, ở đây đã dựng tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh vì độc lập và tự do của Tổ quốc.
Một việc trong nghề và nghiệp kiến trúc cách đây gần nửa thế kỷ đã gieo vào tình cảm thanh niên 25 tuổi của tôi một sức mạnh thầm lặng mà bền bỉ, tin tưởng vào sức vươn lên của cuộc sống và nền văn hóa dân tộc, từ ngày công bố Tuyên ngôn độc lập, cũng như từ ngày thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, mặc dầu xuất hiện những khó khăn mới".
Theo Quang Duẩn (Báo Thanh niên)