Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 5/9/2008 14:31'(GMT+7)

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và mang đậm bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, làm giàu và phát huy giá trị nền văn hóa dân tộc. Lễ hội phản ánh những sinh hoạt, những khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống, đồng thời thông qua lễ hội, trí tuệ, đạo lý, tình cảm, khuynh hướng thẩm mỹ của nhân dân được tỏa sáng.

Những năm qua khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ trong tiến trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế, quốc tế, đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng cao, do đó tham gia lễ hội đã trở thành một nhu cầu chính đáng, có ý nghĩa lớn. Nhu cầu tổ chức lễ hội đã lan tỏa ở hầu hết các địa phương trong cả nước, đặc biệt là loại hình lễ hội văn hóa du lịch. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực: vừa giữ gìn, phát triển những nét đẹp văn hóa truyền thống, vừa kết hợp nhuần nhuyễn những yếu tố hiện đại, phát huy được tác dụng tích cực của lễ hội, nêu cao ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Lễ hội đáp ứng một cách hiện thực, hiệu quả đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tổ chức các nghi lễ và hưởng thụ các hoạt động hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các vùng, miền, dân tộc, tri ân công đức các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, các bậc tiền bối đã có công dựng nước và giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc. Qua sinh hoạt lễ hội nhân dân được hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội còn có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu lớn bổ sung cho nguồn thu ngân sách quốc gia. Lễ hội cũng góp phần tích cực trong việc giao lưu với các nền văn hóa trong khu vực và thế giới.
(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, với nhiều loại hình và phương thức tổ chức đa dạng lễ hội đã và đang đặt ra không ít những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý. Nếu chỉ tính con số 50% số lễ hội được tổ chức, ước tính cứ mỗi ngày trên đất nước ta có 10 lễ hội diễn ra, đó là chưa kể đến số lượng loại hình lễ hội mới phát sinh - Vấn đề này chi phối không ít sức người, sức của, tiền bạc và thời gian của nhân dân, ảnh hưởng tới quá trình lao động sản xuất, học tập và công tác của các tầng lớp nhân dân.

Không ít những hiện tượng thiếu lành mạnh xuất hiện tại một số lễ hội đã làm phiền lòng du khách như dịch vụ khấn thuê, xóc thẻ, bán ấn, chèo kéo khách tham gia trò chơi cá cược, nâng giá dịch vụ tùy tiện... và điều đáng lo ngại nhất là sự phai mờ, xói mòn những giá trị, bản sắc của các lễ hội truyền thống. Ở đây thách thức cơ bản không chỉ là những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường mà còn ở sự chuyển đổi các giá trị. Trong khi trước đây các giá trị tinh thần và yêu cầu thực hiện nếp sống văn minh văn hóa trong lễ hội được coi trọng thì hiện nay đã xuất hiện tư tưởng trục lợi, thương mại hóa hoạt động dịch vụ phục vụ lễ hội, làm cho các giá trị vật chất lấn át giá trị văn hóa truyền thống và đạo đức.

Việc phát triển loại hình lễ hội du lịch là một xu thế tất yếu, nhưng do chúng ta chưa dự báo kịp thời, chưa có sự quan tâm đúng mức, đầu tư đồng bộ và thiếu tính toán khoa học dẫn đến phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và các giá trị vốn có của các di tích. Trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay, kế thừa truyền thống tinh hoa văn hóa dân tộc là yêu cầu tất yếu, song việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống phải có chọn lọc, có phê phán và có sự sáng tạo riêng.

Do đó, việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị của lễ hội là một vấn đề đặt ra mang tính cấp bách và có nhiều ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Ðể công tác tổ chức lễ hội ngày càng đạt được hiệu quả cao cần chú trọng công tác tuyên truyền các giá trị lịch sử văn hóa và tôn vinh công trạng của danh nhân được thờ để nhân dân hiểu rõ giá trị của di tích cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương. Trước khi mở hội, phải có sự tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, có kế hoạch chi tiết, cụ thể. Mỗi lễ hội mới cần xây dựng một kịch bản phù hợp gắn với chủ đề riêng của lễ hội.

Ðây là vấn đề cần được khảo cứu và nghiên cứu kỹ lưỡng và có các bước thể nghiệm để định hình được các nghi thức lễ và các hoạt động hội. Chính quyền địa phương các cấp cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch sắp xếp các hàng quán, dịch vụ vui chơi giải trí hợp lý, tạo điều kiện để nhân dân địa phương có thêm thu nhập nhưng vẫn bảo đảm tính văn hóa trong các hoạt động dịch vụ, không tạo kẽ hở nảy sinh các hiện tượng tiêu cực, làm mất đi bản sắc văn hóa và ý nghĩa, tốt đẹp của lễ hội.

Khai thác nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ hội; khuyến khích sự sáng tạo của nhân dân trong các hoạt động văn hóa lễ hội. Khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, nhất là kiều bào ta ở nước ngoài đầu tư tôn tạo các di tích và tham gia hoạt động tổ chức lễ hội để hướng đồng bào về với nguồn cội, tổ tiên. Sử dụng nguồn thu từ lễ hội đúng mục đích, phục vụ tốt công tác bảo tồn di tích và hoạt động lễ hội.

Cần chú ý bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp. Tiến hành rà soát phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức lễ hội, ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống, coi trọng tính đặc thù, độc đáo của mỗi loại hình lễ hội, tránh cào bằng đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán trong hoạt động và sinh hoạt lễ hội. Khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống của mỗi vùng, miền./.
 (Theo Báo Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất