Thứ Sáu, 27/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 8/7/2009 21:1'(GMT+7)

Bồi dưỡng cán bộ cơ sở ở Hà Giang

Thu hoạch lúa ở xã Lũng Cú, Đồng Văn.

Thu hoạch lúa ở xã Lũng Cú, Đồng Văn.


Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, với 11 huyện, thị xã; 195 xã, phường, thị trấn, 2.047 thôn, bản, tổ dân phố. Hết năm 2008, toàn tỉnh có 840 tổ chức cơ sở đảng gồm 284 đảng bộ, 556 chi bộ cơ sở và 3.096 chi bộ dưới cơ sở. Những năm trước, để nâng cao chất lượng tổ chức đảng ở cơ sở, Tỉnh ủy Hà Giang đã tiến hành luân chuyển cán bộ huyện, thậm chí cả cán bộ lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh về xã. Tuy nhiên, một thực tế là khi cán bộ tăng cường rút đi thì cơ sở yếu lại hoàn yếu. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Nguyễn Trung Tài cho biết, nguyên nhân chính là do số cán bộ cơ sở chưa đáp ứng về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị chiếm tỷ lệ còn cao; lề lối, tác phong làm việc chậm đổi mới. Một số cán bộ năng lực yếu, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao; phương pháp công tác còn hành chính quan liêu, thiếu sâu sát. Do vậy, họ không triển khai kịp thời và hiệu quả các nghị quyết của Ðảng; năng lực lãnh đạo điều hành của cán bộ và sức chiến đấu của đảng viên và cơ sở đảng yếu. Sau khi rà soát, nắm chắc thực trạng cơ sở, Tỉnh ủy Hà Giang đã tiến hành đồng thời việc luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt từ huyện xuống xã, hoặc giữa các xã nhằm tạo ra sự đồng bộ trong cơ cấu bộ máy lãnh đạo chủ chốt của cơ sở; chọn cử cán bộ đi đào tạo lý luận chính trị, chuyên môn, nâng cao trình độ; đồng thời đưa những cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (gồm: Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND, HÐND, Trưởng công an, quân sự) thiếu kinh nghiệm công tác, quản lý, điều hành lên công tác tại các cơ quan theo ngành dọc ở huyện từ sáu tháng đến một năm để bổ túc chuyên môn, nghiệp vụ. Trong thời gian này huyện cử cán bộ về đảm nhiệm những chức danh đó để duy trì hoạt động của cơ sở.   

Xã Sủng Là, huyện Ðồng Văn là đơn vị được chọn thực hiện đầu tiên việc đưa cán bộ chủ chốt cấp xã lên huyện học tập (đến thời điểm này Hà Giang đã thực hiện ở tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh). Sủng Là có mười thôn thì bốn thôn có đường biên giới. Ðảng bộ xã nhiều năm xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế (thời điểm 2005, phần lớn mới chỉ có trình độ văn hóa phổ thông); cán bộ lãnh đạo có biểu hiện mất dân chủ, nội bộ mất đoàn kết. Cuộc sống của nhân dân rất khó khăn. Hai cán bộ chủ chốt của xã được cử lên huyện học tập đợt đầu là đồng chí Mua Mí Lử, Chủ tịch HÐND xã và Vừ Mí Dình, Trưởng Công an xã. Cả hai đồng chí đều sinh năm 1980. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, vừa tham gia công tác ở thôn, xã, vừa theo học bổ túc văn hóa đến năm 2004 thì đồng chí Mua Mí Lử có trình độ văn hóa lớp 12. Sau đó đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Ðoàn xã, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch HÐND xã. Ðồng chí Mua Mí Lử tâm sự: Làm Chủ tịch HÐND mà chủ trì cuộc họp tôi rất lúng túng, không xây dựng được nghị quyết... Trình độ hạn chế, kinh nghiệm chưa có, cho nên khi triển khai nghị quyết còn gặp nhiều khó khăn. Giờ đây, tôi được hướng dẫn cụ thể từng việc: Tham gia chuẩn bị các văn bản phục vụ kỳ họp HÐND huyện, tham gia xây dựng nghị quyết,... nên nay đã biết làm rồi. Thời gian ở huyện, tôi còn tranh thủ học sử dụng máy vi tính, nay đã biết soạn thảo văn bản thành thạo. Ðối với đồng chí Vừ Mí Dình, Trưởng Công an xã cũng vậy. Khi được cử lên công an huyện học tập, anh được tham gia vào các quy trình điều tra vụ án từ việc bảo vệ hiện trường, thu thập chứng cứ, lấy lời khai các đối tượng liên quan và lập biên bản theo trình tự tố tụng. Ðồng thời, được tiếp cận các văn bản pháp luật một cách hệ thống đã giúp anh Dình có thêm kiến thức để  tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện luật pháp và xử lý sự vụ việc ở địa bàn. Không chỉ được học tập về chuyên môn, cán bộ xã lên huyện học tập còn được tiếp cận các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. Các cơ quan chuyên môn như ngân hàng, tài chính, lao động - thương binh và xã hội, nội vụ, nông nghiệp đã cử chọn cán bộ hướng dẫn cho họ phương pháp xây dựng dự án phát triển kinh tế, dự án vay vốn và kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất. Vì vậy, những cán bộ này khi trở về  địa phương đã truyền đạt kiến thức với tập thể lãnh đạo xã; đồng thời là nhân tố tích cực trong hoạt động công tác và tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế.

Phó Bí thư Huyện ủy Ðồng Văn, Lưu Sần Vạn cho biết: Huyện có 21 xã, thị trấn, sau hơn một năm triển khai (từ cuối năm 2007) toàn huyện đã có 30 cán bộ chủ chốt ở 15 xã được đưa lên huyện học tập. Trong thời gian học, huyện đã phân công cán bộ huyện giúp đỡ cụ thể từng người. Cán bộ học việc được giao thực hiện nhiệm vụ cụ thể với quy định rõ ràng về thời gian hoàn thành; cán bộ giúp đỡ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra kết quả thực hiện. Kết thúc từng phần việc, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi có cán bộ học việc trực tiếp kiểm tra đánh giá, nhận xét bằng văn bản. Chính vì vậy, đã tạo sự chuyển biến nhanh cho cán bộ cơ sở lên huyện học, góp phần đáng kể nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh ở địa phương của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.

Sự chuyển biến này chúng tôi đã được chứng kiến khi đến các xã Tả Phìn, Hố Quáng Phìn, Phố Bảng,... nơi có nhiều cán bộ chủ chốt được đưa lên huyện học tập. Rõ nét nhất là ở Sủng Là, đơn vị thực hiện đầu tiên của huyện mà chúng tôi đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu. Sự chuyển biến ở Sủng Là có thể nói là ở tất cả các lĩnh vực. Trước hết là sự chuyển biến trong lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên chủ chốt ở xã. Ngay tại trụ sở xã, bảng phân công trực cơ quan và đi cơ sở của các chức danh được niêm yết công khai và được thực hiện nghiêm túc. Hôm chúng tôi tới xã cũng đúng ngày đồng chí Bí thư Ðảng ủy Giàng Chá Cáy thực hiện lịch xuống họp ở thôn, dù biết hôm nay có đồng chí Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy về xã. Sau khi uống vội chén nước cùng khách, anh đã xin phép đi ngay, giao cho đồng chí Phó Bí thư Ðảng ủy xã tiếp. Vì theo anh không thể để dân phải chờ. Ðó là nếp nghĩ mới ở Sủng Là. Từ chuyển biến nhận thức, đội ngũ cán bộ xã Sủng Là đã tập trung thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao và vận động nhân dân tích cực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong năm 2008 và sáu tháng đầu năm 2009, Ðảng bộ xã đã kết nạp được 13 đảng viên. Có 8/10 chi bộ thôn và đảng bộ xã được công nhận trong sạch, vững mạnh. Không riêng Sủng Là mà ở các xã khác trong tỉnh, đội ngũ cán bộ chủ chốt các xã sau khi được học tập tại huyện trở về đều phát huy được vai trò cùng tập thể lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Sau gần hai năm Hà Giang triển khai đưa cán bộ từ cơ sở lên huyện học tập, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, từng bước được nâng lên, dần đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ ở cơ sở. Ðiều này khẳng định đây là một biện pháp hiệu quả cần sớm được tổng kết, để nhân rộng. Biện pháp này cần tiến hành đồng thời với việc  làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở xã, phường, thị trấn một cách bài bản theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX)./.

(Theo: Nhân dân) 


 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất