Thứ Năm, 10/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 26/5/2021 10:45'(GMT+7)

Phê phán những nhận thức lệch lạc về tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Trước khi đi vào trình bày các biểu hiện cụ thể, xin nói tới những quan niệm, suy nghĩ tích cực mới nhất trên thế giới về Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như một thấu kính hội tụ khổng lồ, Chủ nghĩa Mác kết tinh những ánh sáng giá trị tư tưởng tinh hoa trước đó của thế giới, là kinh tế-chính trị cổ điển Anh, triết học cổ điển Đức, chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp; là những điểm tiến bộ trong học thuyết về giá trị lao động của Adam Smith, David Ricardo, phương pháp biện chứng của Hegel, chủ nghĩa duy vật nhân bản của L.Feuerbach, những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội không tưởng của Henri de Saint Simon, Robert Owen, Etienne Cabet, Charles Fourier... Để rồi Chủ nghĩa Mác trở thành mặt trời tư tưởng vĩ đại của nhân loại soi đường cho các dân tộc đi lên hạnh phúc. Hiện nay, nhiều tác phẩm kinh điển của Marx vẫn được giới nghiên cứu phương Tây quan tâm, có hàng triệu độc giả chào đón, nghiên cứu, tìm hiểu. Ở thời điểm nhân loại bước vào Cách mạng 4.0 hội nhập toàn cầu mạnh mẽ và sâu rộng, người ta càng thấy bộ "Tư bản" phát ra những ánh sáng khoa học mới mẻ đi trước thời đại, gợi dẫn những quy luật, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, xã hội... Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự sụp đổ của Nhà nước Liên Xô (trước đây) chính là sự xa rời Chủ nghĩa Mác!

Từ góc nhìn “liên văn hóa” hiện đại, thế giới hôm nay nhìn thấy ở Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là sự hội tụ tuyệt đẹp 3 luồng văn hóa: Văn hóa yêu nước Việt Nam; văn hóa hòa bình, bình đẳng, bác ái của nhân loại tiến bộ và văn hóa giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác. Cuộc Hội thảo khoa học quốc tế về Hồ Chí Minh gần đây nhất (5/10/2019) có tên Global Ho Chi Minh (Hồ Chí Minh toàn cầu) được tổ chức tại thành phố New York (Mỹ). Các chủ đề được chính những học giả Mỹ và Đại học Columbia đề xuất khi cùng đứng ra tổ chức hội thảo đều nhấn mạnh hình ảnh Hồ Chí Minh không chỉ là vị anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới và nhân cách của Người còn mang tầm ảnh hưởng toàn cầu. Điều này khẳng định sự tôn trọng của giới học giả thế giới đương đại với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tư tưởng và những giá trị văn hóa cao đẹp của Người đang được cả nhân loại đón nhận. Tác phẩm mới nhất của GS, TS Nguyễn Đài Trang (Việt kiều Canada) viết về Bác Hồ: "Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc" (tháng 2/2021) in bằng tiếng Anh và tiếng Việt được giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada đánh giá rất cao. Bà đã bỏ ra một phần tư thế kỷ sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu để viết tác phẩm này. Trước đó, bà là tác giả sách: "Hồ Chí Minh: Các tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới" (2018, phiên bản tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Việt); "Hồ Chí Minh: Nhân văn và phát triển" (2013); "Hồ Chí Minh: Tâm và tài của một người yêu nước" (2010)... Từ góc nhìn khoa học khách quan nhất, tác giả đã làm toát lên chủ đề với cái tài kiệt xuất và cái tâm yêu nước, yêu con người trong sáng nhất, Hồ Chí Minh không chỉ là vĩ nhân của Việt Nam mà còn là vĩ nhân của thế giới. Tầm vóc của Người mang tầm nhân loại, đồng hành với nhân loại...

Thế mà hiện nay, một số ít cán bộ, đảng viên ta lại có biểu hiện dao động, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào tư tưởng của Người. Có thể kể ra những biểu hiện ấy là:

1. Thiếu khát vọng về lý tưởng tốt đẹp. Bất cứ ai cũng đều có một lý tưởng cho riêng mình. Đó là mục tiêu, cũng là động cơ phấn đấu học tập, lao động để đạt mục đích đề ra. Với cán bộ, đảng viên thì lý tưởng riêng nằm trong lý tưởng chung của Đảng là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mong muốn tột bậc của Bác Hồ là “độc lập cho Tổ quốc”, “tự do cho đồng bào”, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đã thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. Lý tưởng biểu hiện ra hành động. Nhiều cán bộ, đảng viên vì thiếu lý tưởng mà làm việc cầm chừng theo kiểu “trung bình chủ nghĩa”, làm cho xong chuyện, “sáng vác ô đi, tối vác về”, không dám đổi mới, làm thì sợ sai, sợ mắc khuyết điểm. Trong cơ quan, họ như những cái bóng, nói như dân gian là nếu “bỏ thì thương, vương thì tội”!

2. Lười học lý luận, giáo điều, bảo thủ, xơ cứng. Lý luận là ánh sáng soi đường, không học hoặc học qua loa đại khái, học chống đối thì làm gì có ánh sáng để mà đi. Nghị quyết Đảng là chủ trương đường lối mà nhiều cán bộ, đảng viên không học nghị quyết, thậm chí không biết nội dung nghị quyết thì lãnh đạo được ai (?). Vì thiếu lý luận nên dẫn tới giáo điều, dựa nhiều kinh nghiệm nên bảo thủ. Trong khi đó, thực tiễn ở ngày hôm nay thay đổi đến chóng mặt, không có cái nhìn của lý luận không thể nắm bắt được bản chất và dự đoán được tình huống.

3. Tuyệt đối hóa lý luận, xem Chủ nghĩa Mác, tư tưởng Hồ Chí Minh là “kinh thánh”, cái gì, ở đâu cũng Mác nói thế này, Bác Hồ nói thế kia nhưng chẳng ăn nhập gì với thực tiễn, chẳng giúp ích cho thực tiễn. Trong khi đó, thước đo lý luận là ở thực tiễn. Triết học Hồ Chí Minh là triết học thực tiễn, triết học hành động. Vì không hiểu, không nắm bắt được thực tiễn nên cán bộ để phong trào đi xuống, dân tình kêu ca, thế thì cán bộ ấy hiểu gì về Chủ nghĩa Mác, về tư tưởng Bác Hồ?

Lại có khuynh hướng tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh mà bỏ qua Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng chỉ tư tưởng Bác Hồ mới phù hợp, thích hợp với cách mạng Việt Nam. Khuynh hướng này hoặc là lười học lý luận, kém hiểu biết, hoặc là a dua theo tư tưởng phản động đang muốn tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác. Trong khi đó, Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sáng tạo, phát triển một cách sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam để tạo ra tư tưởng Hồ Chí Minh, mà cho đến hôm nay thực tế đã chứng minh một cách sinh động nhất đó là sự đúng đắn của thời đại, của lịch sử. Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là ngọn cờ, là điểm tựa cho cách mạng Việt Nam tiếp tục vững bước đi lên gặt hái những thành tựu mới. Không chỉ tiếp thu, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin mà Bác Hồ còn tiếp thu những tinh hoa tư tưởng khác của dân tộc và nhân loại. Người từng nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giê-su có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giê-su, Mác, Tôn Dật Tiên đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội... Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(1). Thế nên tư tưởng Hồ Chí Minh đậm đà bản sắc riêng: Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển, làm phong phú thêm kho tàng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì những lẽ này, đối với cách mạng Việt Nam, Chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh là một khối thống nhất, hữu cơ, không thể tách rời.

4. Tư tưởng của Bác Hồ và chính Người là hiện thân của quan niệm “một tấm gương sống còn giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tâm lý học hiện đại khẳng định phương pháp giáo dục tốt nhất là giáo dục bằng chính nhân cách nhà giáo dục. Đảng ta cũng yêu cầu cán bộ, đảng viên lãnh đạo bằng cách nêu gương. Thế mà ở một số nơi có cán bộ lại theo đuôi quần chúng, không bằng quần chúng. Có cán bộ, khi mà cả nước căng mình chống dịch Covid-19 thì ngược lại, làm “tấm gương xấu” cho mọi người! Những người này thường là người ích kỷ, chăm chăm vun vén lợi ích cá nhân, cánh hẩu, vì lợi riêng quên lợi chung...

5. Bi quan về chủ nghĩa xã hội, dao động trong suy nghĩ, việc làm. Đến nay, ai cũng thấy sự đổ vỡ của Liên Xô (trước đây) là tất yếu vì những sai lầm quá lớn, nhưng có cán bộ, đảng viên ta chỉ nhìn thấy hiện tượng rồi nghe lời kích động của kẻ xấu mà có những phát ngôn không chỉ ngược với đường lối của Đảng mà còn ngược cả với đạo lý truyền thống. Cũng vì bi quan mà thu mình lại trong cái vỏ ốc cá nhân nên có cán bộ né tránh, ngại va chạm, không dám đấu tranh, không có chính kiến, cơ hội, đúng kiểu “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi” như Bác Hồ từng phê phán. 

6. Lại có cán bộ đạt được một ít thành tích thì lên mặt thỏa mãn, huênh hoang cho rằng cơ quan đi lên là nhờ “tài năng” mình lãnh đạo. Họ không biết rằng “nước lên thuyền lên”, cơ quan ấy nằm trong tổng thể công cuộc đổi mới chung của Đảng. Hơn nữa, dù người ấy có tài thật nhưng cũng còn nhờ sự ủng hộ của đồng chí, đồng nghiệp, quần chúng...

CẦN CÓ GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ KHẮC PHỤC?

Một là, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực chất hơn nữa. Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là đúng đắn, cần lan tỏa sâu rộng hơn nữa vào mọi tầng lớp, nhất là với cán bộ, đảng viên. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, hằng ngày. Đây là cách rất cơ bản để “nâng cao đạo đức cách mạng”, góp phần “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Hai là, cần có chế độ kiểm tra, giám sát việc học tập lý luận, nghị quyết Đảng một cách chặt chẽ, thưởng phạt công minh, đưa vào tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của cán bộ, đảng viên.

Ba là, đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu một cách thiết thực, hiệu quả Chủ nghĩa Mác-Lênin - một trí tuệ lớn lao, một tài sản văn hóa tinh thần vô giá của nhân loại. Cần chứng minh sự gặp gỡ với các chủ nghĩa, các trào lưu tư tưởng lớn khác trên thế giới xưa nay để thấy được giá trị, chiều sâu và ý nghĩa phổ quát của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Cần khắc phục thực tế ở một số trường đại học hiện nay, dạy và học Chủ nghĩa Mác-Lênin còn đại khái, hình thức.

Bốn là, hiện nay, bộ môn “liên văn hóa” (Intercultural) phát triển mạnh trên thế giới có nhiệm vụ nghiên cứu sự xuyên thấm, tương tác, đối thoại lẫn nhau giữa các nền văn hóa, chú ý tới hiệu quả giao tiếp thể hiện thành các giá trị văn hóa mới. Hồ Chí Minh là một hiện tượng “liên văn hóa” rất tiêu biểu. Các bộ môn nghiên cứu về Hồ Chí Minh ở nước ta đều có thể vận dụng hướng nghiên cứu này để làm sinh động hơn, phong phú thêm các ý nghĩa mới.

PGS. TS. Nguyễn Thanh Tú

________________

(1). Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, Nxb. Khoa học xã hội, H, 1996, tr.152.

(Nguồn: qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất