Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/6/2009 20:11'(GMT+7)

Ca trù cần một cú "Hích"

Đào nương Ngọc Hân, Kép đàn Văn Tú, Trống chầu Văn Tuyến thể hiện những tiết mục ca trù trong chương trình của Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long tổ chức

Đào nương Ngọc Hân, Kép đàn Văn Tú, Trống chầu Văn Tuyến thể hiện những tiết mục ca trù trong chương trình của Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long tổ chức

"Tre già măng mọc", những nghệ nhân tuổi cao đang ra sức dạy dỗ con cháu lớp sau để ca trù, nét độc đáo của văn hóa Thăng Long nói riêng và của kho tàng nghệ thuật dân tộc nói chung vẫn còn lưu giữ và phát huy. Tuy nhiên, để những sân khấu biểu diễn ca trù "sống" được rất cần những "cú hích" của các cơ quan hữu quan đặc biêt là hai ngành văn hóa và du lịch.

Sân khấu nào cho ca trù? 

Buổi tối thứ 7, tôi gọi điện cho đào nương Bạch Vân, khẩn khoản: "Em có mấy đối tác từ TP.HCM bay ra Hà Nội, rất mong muốn được nghe chị hát ca trù". Bạch Vân nhận lời ngay dù chị mới tất tưởi từ Nam Định trở về Hà Nội. Đạo quán Bích Câu, chốn đi về của những người yêu ca trù đêm ấy đã trở thành một không gian huyền hoặc trước lối hát nhả thanh phá cách thần tình của chị. "Lá đào/ rơi rắc/ lối thiên thai... Suối tiễn/ oanh đưa/ uống ngậm ngùi... Nửa năm/ tiên cảnh/ một bước/ trần ai... Ước cũ/duyên thừa/có thế thôi... Đá mòn/ rêu lợt nước chảy/ huê trôi...(Tống biệt Tản Đà).

Tiếng hát của Bạch Vân cùng tiếng đàn đáy, với xênh, phách đã khiến cho người nghe lạc vào chốn thiên tiên, khiến tất cả phải im lặng để nghĩ suy về nhân tình thế thái, về những buồn vui oan nghiệt của cuộc đời mỗi con người. Và nét đẹp của văn chương trong ca trù cũng như lối hát bằng linh cảm, hồn phách khiến người ta đạt tới sự nhẹ nhõm, thanh khiết khi ra về. Dẫu vậy nhưng có một điều gì đó rất buồn len nhẹ trong tim tôi, và anh bạn từ trong Nam ra đã nói đúng :"Giá như có một sân khấu trang trọng hơn nữa thì hay biết mấy nhỉ?"

Điều anh nói đến đã đụng chạm tới một nỗi buồn giấu kín trong tâm hồn những ai yêu những khúc hát liêu trai đó. Đành rằng những nghệ nhân một đời thắm thiết với ca trù như Bạch Vân, chẳng mảy may toan tính thiệt hơn và nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ ca trù. Ngược lại, Bạch Vân còn liên tục bỏ tiền túi ra để theo đuổi học hành và dạy dỗ lại ca trù cho lớp kế tục. Và đành rằng, biểu diễn ca trù là từ trái tim, chỉ cần có người yêu thương, chia sẻ là quá đủ, chỉ chẳng màng gì tới nhung lụa. Nhưng dẫu sao, bộ môn nghệ thuật truyền thống quý báu này cũng cần được đặt ở một sân khấu trang trọng và đẹp đẽ, ấm cúng và lộng lẫy.

Ảnh minh họa

Đào nương Bạch Vân


Thật tiếc ở Hà Nội, tìm một sân khấu ca trù chuyên nghiệp mới khó khăn làm sao. Trừ đạo quán Bích Câu với cơ sở vật chất có thể nói là con số không thì khán giả có thể tìm đến đình Cống Vị (ngõ 518 phố Đội Cấn) của câu lạc bộ ca trù Thăng Long do đào nương Phạm Thị Huệ cùng những người thầy của mình lập nên. Cả hai địa chỉ này đều hoạt động rất phập phù và thu hút rất ít khán giả. Hàng tháng, câu lạc bộ chỉ biểu diễn bài ba buổi chủ yếu là tối thứ 7 đầu tháng hoặc giữa tháng. Chính vì hoạt động không thường niên nên khán giả cũng nản, ít dần đi. Tất cả nguyên nhân trên cũng đều do các việc tổ chức biểu diễn tự phát, vì các nghệ nhân yêu nghề nên tụ tập tới hát. Còn đầu tư chuyên nghiệp ư? Câu hỏi đầu tiên là "Tiền đâu"?

“Cú hích” cho ca trù?

Vừa qua, sự kiện một sân khấu chuyên nghiệp thật sự dành cho ca trù ra đời lại do một cô gái đứng ra lo liệu làm nhiều người ngạc nhiên và thán phục. Chủ nhân của Trung tâm biểu diễn nghệ thuật ca trù Thăng Long vừa mới khai trương tại khuôn viên Bảo tàng Cách mạng là Nguyễn Lan Hương, một người yêu ca trù và từng ấp ủ nhiều năm cho ra đời một sân khấu biểu diễn đàng hoàng. Dự án của Lan Hương đã có những lúc tưởng chừng như phải dừng lại bởi cô không thể tìm được địa điểm thích hợp hoặc có những nơi rất đẹp nhưng giá thuê mặt bằng lại quá sức chi trả. May mắn cho Lan Hương là ban lãnh đạo của bảo tàng Cách mạng đã sẵn sàng giúp đỡ. Một may mắn khác nữa là nghệ sỹ ca trù Bạch Vân cũng tâm đắc hợp tác.

Trung tâm Thăng Long ra đời với dự định một ngày ba ca biểu diễn cho du khách trong và ngoài nước cũng nhu những ai yêu thích hát ca trù. Tọa lạc trong khu nhà có kiến trúc Pháp cổ, sân khấu được bài trí trang trọng, có sức chứa tối đa 100 khán giả,  thiết kế ấm cúng và mang "hồn" Việt, thể hiện sự tôn vinh của người tổ chức đối với nghệ thuật truyền thống. Bên ngoài sân khấu là khu vực trưng bày kỷ vật, triển lãm tranh ảnh về lịch sử hình thành phát triển ca trù. Ngoài ra còn có tiền sảnh để du khách có thể thư giãn, chờ đợi trong khi chờ đến giờ xem biểu diễn.

Ảnh minh họa

Ca trù hấp dẫn không chỉ người già, mà còn là đam mê
của nhiều bạn trẻ


Gặp tôi, Lan Hương vừa tất bật với việc chỉ đạo dàn múa vừa phân trần:"Giai đoạn một đã hoàn thành chị ạ, nhưng để tồn tại được không phải là dễ dàng nên em phải trau chuốt từng công đoạn của biểu diễn". Quả vậy, số tiền đầu tư xây dựng sửa chữa để có được một sân khấu đầy đủ trang thiết bị, ánh sáng và các dịch vụ phụ trợ như ở đây không phải là nhỏ. Để đi vào hoạt động thường xuyên, trung tâm còn phải gánh thêm hàng tá các loại chi phí như tiền lương hàng tháng cho nghệ sỹ, diễn viên, nhân viên, điện nước, trang thiết bị..."Kể cả vắng khách cũng phải lo trả đủ lương thì nghệ sỹ mới gắn bó với trung tâm", Hương nói.

Với giá tiền 35 nghìn đồng/vé, đông khách còn đỡ chứ vắng khách thì lấy thu bù chi là cả một câu chuyện dài. Đấy là chưa kể trung tâm khai trương vào đúng lúc kinh tế giảm sút, khách du lịch sụt giảm đáng kể, các công ty du lịch cũng lâm vào tình trạng khó khăn. Cô đã phải chạy tới chạy lui hàng chục công ty du lịch để tìm nguồn khách. Tuy nhiên, cần phải có thời gian mới có thể  cạnh tranh được với những trung tâm khác ví dụ Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát múa rối Trung ương đã phục vụ du khách từ nhiều năm nay.

"Tại sao khó khăn vất vả như vậy mà cô gái Hà Nội này vẫn dám làm", tôi băn khoăn. Lan Hương bộc bạch :"So với những nghệ nhân, cả già lẫn trẻ từng hy sinh tuổi thanh xuân, cả cuộc đời cả tiền bạc để làm hồi sinh ca trù thì đóng góp của em đã thấm tháp gì. Em yêu ca trù và em mong muốn có một sân khấu đúng nghĩa để tôn vinh nó và em quyết tâm thực hiện mong ước của mình". Mong muốn của Lan Hương thật đáng trân trọng và ở một góc độ nào đó, cô thật dũng cảm khi đeo đuổi niềm đam mê của mình. Nhưng con đường của cô và các nghệ sỹ đang đi từ xưa đến nay vẫn quá đơn độc. Họ đang rất cần quan tâm, sẻ chia những khó khăn từ những cơ quan hữu quan đặc biệt là hai ngành văn hóa và du lịch.

Âm nhạc truyền thống là bản sắc văn hoá cần được giữ gìn, phát huy và phổ biến với đông đảo khán giả. Sự ra đời của một sân khấu ca trù chuyên nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá nghệ thuật dân tộc với bạn bề quốc tế, làm sống dậy bộ môn nghệ thuật quý giá này đồng thời làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của Hà Nội. Những nghệ sỹ và cả những người tổ chức sấn khấu ca trù này đang thực sự cần một "cú hích".

(Theo VnMedia)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất