Nửa cuối buổi sáng và đầu giờ chiều 2/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu thảo luận về việc bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể; Các khu vực bảo vệ di tích, bảo vệ các di tích chưa được xếp hạng, về bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích…
Bất khả xâm phạm
Theo dự thảo, khu vực bảo vệ 1 không được xây dựng mà phải giữ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Nhưng trong trường hợp đặc biệt thì vẫn có thể xây dựng nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đại biểu Phan Trọng Khánh (đoàn Hải Phòng) cho rằng, khu vực bảo vệ 1 không được phép xây dựng bất cứ loại công trình gì. Không thể có ngoại lệ trong điều này, vì khu vực 1 là khu vực có di tích chính, gọi là vùng lõi của quần thể di sản văn hóa, sau đó là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích nên khu vực 1 là vùng gồm di tích và các yếu tố gốc cấu thành di tích. Do đó khu vực bảo vệ 1 phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
“Chúng tôi đề nghị không nên tạo khe hở cho người ta dễ lách. Chỉ cho phép xây dựng ở khu vực bảo vệ 2, nhưng phải có quy hoạch, thiết kế phù hợp với di tích và các yếu tố gốc cấu thành di tích, được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cần có quy định khoảng cách xây dựng tối thiểu với khu vực bảo vệ 1 vì ranh giới giữa khu vực II và vùng tiếp giáp với khu vực I chỉ là tương đối, nếu không quy định sẽ dẫn đến tình trạng cố lạm dụng trong quá trình xây dựng”- đại biểu Phan Trọng Khánh nói.
Rất nhiều ý kiến thảo luận tại Hội trường đồng ý cho rằng, không nên có bất cứ ngoại lệ nào tại vùng bảo vệ 1 của di tích.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) đưa ra thực tế bảo vệ di tích ở Hà Nội: Với bề dày lịch sử 1000 năm, Hà Nội có gần 2000 di tích và sau khi mở rộng có trên 3000 di tích. Hà Nội trở thành thành phố có số di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nhiều nhất cả nước.
Chỉ tính từ năm 2001 đến nay Thành phố Hà Nội đã làm thủ tục đề nghị xếp hạng được 26 di tích cấp quốc gia và xếp hạng được 159 di tích cấp thành phố, các di tích ở khu vực nội thành của Hà Nội được xếp hạng chỉ có khu vực bảo vệ 1.
“Việc quy định có hai khu vực bảo vệ di tích đối với di tích xác định được khu vực 2 và quy định một khu vực bảo vệ di tích đối với di tích không xác định được khu vực 2 là phù hợp với tình hình thực tế ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị khác” – đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà nói.
|
Ô Quan Chưởng (Hà Nội) |
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xác nhận trong hồ sơ di tích và tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa. Bởi chỉ có các mốc giới rõ ràng cho di tích thì mới hạn chế được những hành vi lấn chiếm di tích đang diễn ra phổ biến ở những đô thị như Hà Nội hiện nay.
Theo ý kiến nhiều đại biểu, đối với các di tích không xác định được khu vực bảo vệ 2, việc xây dựng các công trình xung quanh di tích không được làm phá vỡ cảnh quan không gian của di tích. Giấy phép xây dựng phải có sự thỏa thuận của cơ quan quản lý di tích. Việc xây dựng xung quanh di tích hiện nay chưa bị khống chế về chiều cao, kiểu dáng kiến trúc nên ảnh hưởng rất nhiều đến giá trị của di tích.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đưa ra dẫn chứng: Cố đô Huế có gần 15.000 dân sống xung quanh. Chúng ta không thể di dời toàn bộ số dân này và nếu di dời thì di tích cũng không còn hơi thở cuộc sống nữa. “Vấn đề là Ban quản lý di tích phải phê duyệt cẩn thận các dự án xây dựng xung quanh khu vực này” - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nói.
Còn đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) thì khẳng định: “Giữa bảo tồn và phát triển luôn có sự mâu thuẫn. Hiện nay, chúng ta chưa giải quyết mối quan hệ này. Thực tế, nhiều công trình đã bị dừng thi công vì phát hiện dưới lòng đất có di tích”.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc qui hoạch khảo cổ học, minh bạch các dự án bảo tồn di tích. Bên cạnh đó, cần bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, Uỷ ban Nhân dân các cấp trong công tác chỉ đạo và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể nhân dân để tuyên truyền giáo dục về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bảo tàng… bán tạp hoá
Theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa trình Quốc hội, sẽ bổ sung vào khoản 7 (Điều 48) nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của bảo tàng là: “Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà cho rằng: “Các hoạt động dịch vụ phục vụ khách thăm quan của bảo tàng là rất cần thiết. Các bảo tàng ở nhiều quốc gia trên thế giới đều tổ chức hoạt động này phong phú, hợp lý. Còn ở ta thì cần thận trọng và cần quy định cụ thể loại dịch vụ phù hợp với tính chất của bảo tàng, tránh tình trạng cho thuê địa điểm, tổ chức dịch vụ ăn uống bia hơi, đặc sản xô bồ, ồn ã như ở một số bảo tàng hiện nay”.
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc) cho rằng, dịch vụ trong bảo tàng cần mang tính chuyên nghiệp cao, với những bản sắc của bảo tàng chứ không phải để cho thuê ô tô cả ngày cả đêm, để bán đồ uống cho Tây, dịch vụ cưới, còn ngay cạnh bảo tàng để dành mặt tiền cho thuê cửa hàng bán bia, bán tạp hóa. Những dịch vụ này sẽ làm mất thương hiệu của bảo tàng.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Vân (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, trong dự thảo Luật sửa đổi chỉ mới nói đến đối tượng là di sản văn hóa vật thể còn di sản văn hóa phi vật thể hoàn toàn chưa được đề cập đến. Trong khi đó, ngày nay bảo tàng không chỉ là trưng bày, giới thiệu một loại hình di sản văn hóa phi vật thể mà tại bảo tàng đã hình thành không gian diễn xướng, nơi có các hoạt động để thực hành sáng tạo nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể như làm đồ thủ công mỹ nghệ, thi vẽ tranh, nhuộm vải hay biểu diễn các loại hình âm nhạc dân gian truyền thống. Vì thế, dự thảo Luật cần bổ sung thêm chức năng của bảo tàng là một không gian sáng tạo và thực hành di sản văn hóa phi vật thể.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắc Lắc) cho rằng, Điều 48 của dự án Luật sửa đổi quy định các nhiệm vụ của bảo tàng còn thiếu quá nhiều nhiệm vụ, không đề cập đến hoạt động trình diễn và biểu diễn ở bảo tàng, những công việc đang được coi là hấp dẫn gây sức thu hút lớn với công chúng và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Ngày mai, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 và dự án Luật Cơ yếu./.
(Theo VOVnews)