Chủ Nhật, 29/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 26/5/2009 16:47'(GMT+7)

Bảo tồn Chèo Chải hê -Chặng đường dài chưa tới đích

Biểu diễn Chèo Chải hê tại đình Lũng Giang.

Biểu diễn Chèo Chải hê tại đình Lũng Giang.

Cách đây mấy năm, việc bảo tồn Chèo Chải hê có được nhắc đến ít nhiều với sự tập luyện, phục dựng một trích đoạn, hay như việc ghi âm ghi hình làm băng tư liệu nhằm gìn giữ cho các thế hệ sau song đến nay nó lại đang có nguy cơ mai một...


Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Năng Địch - người dân duy nhất ở Lũng Giang hiện còn lưu giữ được chút vốn liếng về Chèo Chải hê. Vốn là một liền anh Quan họ song với ông Địch, Chèo Chải hê mới thực là “kho báu vô giá”. Năm nay 61 tuổi, ông Nguyễn Năng Địch vẫn nhớ khá rõ những nét cơ bản của loại hình diễn xướng dân gian này. Ông Địch kể “Hồi tôi khoảng mười bảy, được các cụ sai đi mời người, đun nước phục vụ những buổi sinh hoạt. Nghe và xem nhiều nên thấy mê và nhập tâm mà nhớ chứ không được học qua trường lớp nào hết. Vì là hình thức dạy truyền miệng nên đến thế hệ tôi ít người theo học được”. Vừa diễn giải về kết cấu, hình thức trình trò vừa hát minh hoạt cho chúng tôi nghe một vài đoạn của Chèo Chải hê, ông Địch không ít lần bày tỏ sự tiếc nuối và xót xa khi thấy nghệ thuật Chèo Chải hê đang dần mất đi. Theo lời ông Địch, trong thôn Lũng Giang ngoài cụ Nguyễn Sách Lầu từng hát Chèo Chải hê năm nay đã 89 tuổi, không thể hát hay nhớ được gì về Chèo Chải hê nữa, những người cùng thời với ông Địch khi nghe hát thì nhớ ra và khẳng định đã từng rất thịnh hành loại hình diễn xướng này chứ cũng không thể hát hay thẩm định đúng sai thế nào bởi các “trò” tương đối dài, mỗi trò là một câu chuyện về lòng hiếu thảo của người con với cha mẹ. Năm 2006, ông Nguyễn Năng Địch đã hướng dẫn tập luyện và truyền dạy cho một số học sinh trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tỉnh để tham dự Liên hoan Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật toàn quốc, sau đó tổ chức ghi âm ghi hình làm tư liệu tại Đình Lim. Đó từng là một tín hiệu vui báo hiệu sự trở lại một cách bài bản của loại hình diễn xướng này song cũng từ đó đến nay, vấn đề bảo tồn Chèo Chải hê dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Chèo Chải hê là hình thức sinh hoạt bắt nguồn từ tục kết chạ của 2 làng Quan họ Lũng Giang - Tam Sơn và duy nhất có ở 2 làng này mà thôi. Chèo Chải hê còn có những tên gọi khác như: hát phường bội, Quan họ hiếu, thường được hát ở sân đình, cửa chùa và trong các gia đình vào dịp giỗ chạp, đám tang, những dịp đốt vàng mã và ngày Rằm tháng Bảy - “xá tội vong nhân” theo tục lệ cổ truyền. Nhạc cụ của Chèo Chải hê rất đơn giản song bao giờ cũng phải có trống cơm và mõ. Đạo cụ gồm 6 chiếc roi to bằng ngón tay cái, dài khoảng 1m, được sử dụng như mái chèo trong lúc múa. Trong Chèo Chải hê, người nam vừa hát vừa thể hiện vũ đạo còn người nữ chỉ đứng múa quạt phụ hoạ. Chèo Chải hê có lối hát xướng xô bằng nhiều hình thức khác nhau trong quá trình biểu diễn nên rất gần gũi với cư dân vùng đồng bằng.


Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tĩnh, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, một người tâm huyết với loại hình diễn xướng này cho rằng việc phục dựng lại một số trích đoạn Chèo Chải hê mang tham dự Liên hoan Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh sinh viên các trường văn hoá nghệ thuật toàn quốc năm 2006 mới chỉ “đánh thức” Chèo Chải hê mà thôi, và đương nhiên, muốn bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình văn nghệ dân gian này cần phải có cả một quá trình, cần sự nhiệt tình truyền dạy của nghệ nhân, tâm huyết, ý thức học hỏi, giữ gìn của thế hệ trẻ và trên hết là vai trò hướng dẫn, tập hợp của ngành Văn hoá. Tại sao lại mới chỉ là “đánh thức”? Bởi ngay cả người dân của 2 làng Lũng Giang – Tam Sơn cũng rất nhiều người chưa từng nghe và biết đến Chèo Chải hê. Thế hệ những người từng hát Chèo Chải hê trước đây hầu như không còn ai cả, ông Nguyễn Năng Địch là người duy nhất còn nhớ được song “vốn liếng” cũng chưa thật đầy đủ.

Mặc dù trong lần “mang chuông đi đánh xứ người” đó, tiết mục của Trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật Bắc Ninh được đánh giá cao và bước đầu giới thiệu đến với công chúng song từ đó đến nay, việc phục dựng và bảo tồn nghệ thuật Chèo Chải hê vẫn không tiến thêm được bước nào. Hai mươi mốt học sinh trường Văn hoá - Nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh trình diễn trích đoạn hiện đã ra trường, muốn tập hợp và trình diễn lại rất khó. Hơn thế, việc tập luyện và phục dựng lại hầu như chỉ phục vụ mục đích biểu diễn, băng hình ghi lại chưa phản ánh đầy đủ và nguyên gốc hình thức diễn xướng này. Bởi vậy, việc sưu tầm và phục dựng chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Năng Địch cho biết, dịp trước Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Đài PT-TH Bắc Ninh có đề nghị ông dàn dựng lại để ghi hình, phát sóng song “đơn thương độc mã”, một mình ông không thể trình diễn lại được nên kế hoạch đành dừng lại. Theo ông, muốn phát huy giá trị của Chèo Chải hê trước hết phải tính đến chuyện bảo tồn. Đương nhiên muốn bảo tồn thì bắt buộc phải phục dựng một cách nguyên gốc. Sẵn lòng mang hết “vốn liếng”, hiểu biết về Chèo Chải hê truyền dạy cho thế hệ sau, ông Địch vẫn trăn trở bởi người thực tâm muốn học thì không có mà vai trò của ngành Văn hoá vẫn chưa thật rõ nét. Còn nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tĩnh thì cho rằng cần thiết và sẽ từng bước đưa Chèo Chải hê vào chương trình giảng dạy đối với các lớp năng khiếu nghệ thuật Âm nhạc tại trường Trung cấp Văn hoá - Nghệ thuật Bắc Ninh; đây cũng sẽ là lực lượng nòng cốt để gìn giữ và thể hiện các trò diễn của Chèo Chải hê; Mời nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ tại 2 làng Lũng Giang và Tam Sơn để Chèo Chải hê sống lại ở ngay chính cái nôi đã sinh ra nó./.

(Theo: Thuỳ Vy/Báo Bắc Ninh)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất