Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 2/6/2009 10:58'(GMT+7)

Tôn vinh các giá trị "một điểm đến, hai di sản thế giới"

Lễ hội năm nay là một trong số các hoạt động kỷ niệm 10 năm UNESCO công nhận Hội An và Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới. Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch Quảng Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên TCTG về những nét đặc sắc của lễ hội năm nay:

Thưa ông, sự hấp dẫn và mới lạ của lễ hội được thể hiện ở những hoạt động nào?

Trong khuôn khổ lễ hội, có nhiều hoạt động như: Liên hoan mỹ thuật “Họa sĩ và phố cổ Hội An”; Triển lãm tác phẩm ảnh nghệ thuật về Hội An đã đoạt giải thưởng; Trưng bày gốm Chu Đậu; Giao lưu “Dân ca, dân vũ Bắc - Trung - Nam”.

Cũng trong dịp này Hội An tổ chức Đêm phố cổ Hội An; Biểu diễn nghệ thuật dân gian Hàn Quốc; Tổ chức ngày hội làng chài; Trình diễn “Xe cổ và hành trình di sản Quảng Nam”.

Đặc biệt, chương trình bế mạc Lễ hội tổ chức ở quảng trường Sông Hoài (Hội An) với gần 1 ngàn diễn viên tham gia, thể hiện đậm đà bản sắc văn hoá của vùng đất ven sông Thu Bồn.

Lễ hội sẽ góp phần quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Nam "Một điểm đến, hai di sản văn hoá thế giới" như thế nào, thưa ông?

"Trong thời gian lễ hội, du khách sẽ được miễn phí thăm quan hai di sản thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, miễn phí các chương trình nghệ thuật văn hoá dân gian tại địa phương. Với các du khách ở khách sạn thì Ban tổ chức sẽ phối hợp với các khách sạn để miễn phí vé đưa đón từ Hội An đến Mỹ Sơn và ngược lại, đồng thời cũng có chương trình giảm giá khách sạn ở các điểm du lịch Mỹ Sơn và Hội An".

Các hoạt động của lễ hội lần này nhằm mục tiêu tôn vinh các giá trị của hai di sản văn hoá thế giới, thông qua đó tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật và thể thao cũng như các hoạt động du lịch. Chúng tôi sẽ mời các đoàn du lịch famtrip trong và ngoài nước vào thăm quan và khảo sát các điểm đến của du lịch Quảng Nam, để có thể lựa chọn, xây dựng chương trình du lịch có hiệu quả thiết thực. Thời điểm tổ chức lễ hội cũng là dịp chúng tôi thu hút khách du lịch nội địa đến Quảng Nam, chương trình đã được công bố ngay từ đầu năm.

Cù Lao Chàm là một trong hai Khu dự trữ sinh quyển thế giới vừa được UNESCO công nhận. Lễ hội năm nay, Quảng Nam có quảng bá, giới thiệu về khu sinh quyền này không?

Tất nhiên là có. Trong chương trình của Lễ hội, chúng tôi có gắn với Cù Lao Chàm - khu dự trữ sinh quyển thế giới đã được UNESCO công nhận. Ngoài việc giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chúng tôi có tổ chức các đoàn famtrip cho du khách đến Cù Lao Chàm trong thời điểm này.

Chúng tôi nhận thức rằng: cùng với những di sản văn hoá, cộng thêm di sản thiên nhiên như Cù Lao Chàm hứa hẹn cho du lịch Quảng Nam bước phát triển mới. Đồng thời nó cũng đặt ra cho chúng tôi một vấn đề rất lớn là: làm thế nào để phát huy tốt nhất giá trị của di sản, cũng như bảo tồn các giá trị tự nhiên của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, góp phần vào sự phát triển kinh tế của Quảng Nam.

Năm nay vừa tròn 10 năm hai di sản Mỹ Sơn và Hội An được công nhận là di sản văn hoá thế giới. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm phát huy vai trò của người dân trong việc bảo tồn di sản của Quảng Nam.

Trong quá trình bảo vệ, gìn giữ các giá trị di sản của Hội An và Mỹ Sơn, chúng tôi luôn luôn vận động sự tham gia của người dân. Người dân tham gia vào tìm hiểu nhận thức về di sản, đóng góp vào việc giới thiệu, bảo tồn, trùng tu di sản, đặc biệt là việc phát huy giá trị của di sản có sự chia sẻ lợi ích của cộng đồng và người dân ở trong các di sản có lợi ích kinh tế của họ. Đó cũng là động lực đảm bảo cho việc người dân tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản hết sức tích cực.

10 năm qua, người dân Hội An tham gia vào quá trình gìn giữ và phát huy di tích. Trên thực tế, người dân Hội An giàu lên nhiều cũng nhờ vào di sản văn hoá thế giới Hội An. Họ đã tham gia, làm chủ, xem di sản Hội An là của chính họ, gắn bó với đời sống của chính họ. Chính quyền Hội An đã làm cho nhân dân hiểu về di sản, phát huy giá trị di sản trong khả năng của mình. Chẳng hạn như hoạt động "Đêm phố cổ Hội An" được du khách đánh giá cao, thu hút 500 nghìn lượt khách trong 10 năm qua. Tuy nhiên, cũng bắt đầu xuất hiện những cái khó, những biểu hiện của thương mại hoá. Một bộ phận có hoạt động thương mại trên mức cần thiết. Điều này chúng tôi đã nhận thấy và cũng đang có sự khắc phục.

Lung linh Đêm hội phố cổ


Vấn đề bảo vệ môi trường của các di sản được Quảng Nam quan tâm như thế nào, thưa ông?

Vấn đề môi trường luôn luôn gắn với các giá trị của di sản. Chúng tôi cũng nhận thức được điều đó, nên luôn có sự khuyến cáo và có chương trình hành động để người dân tham gia bảo vệ môi trường. Ví dụ như vấn đề người dân ở Cù Lao Chàm đối với rác thải; Người dân ở đô thị cổ Hội An với việc làm sạch dòng sông Hoài, cũng như tránh tác động mặt trái của du lịch. Đối với Mỹ Sơn thì chú ý vấn đề bảo vệ môi trường xanh của khu vực này. Cụ thể là gần đây, chính quyền Hội An tổ chức các chương trình "Một giờ làm sạch môi trường", hoặc việc vận động không sử dụng túi nilông trên đảo Cù Lao Chàm, hoặc cuộc vận động không chặt phá cây xanh trong khu di tích Mỹ Sơn.

Chúng tôi thực hiện điều này thông qua hoạt động của các đoàn thể và mặt trận của địa phương, lồng ghép vào trong các qui ước văn hoá của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư". Chúng tôi biên soạn các tài liệu dành cho học sinh để đưa vào nhà trường. Chúng tôi cũng định kỳ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về di sản và sự làm chủ của người dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Quảng Nam đã đặt ra những chương trình cụ thể, để khuyến khích người dân tham gia giữ gìn bảo vệ di sản và môi trường xung quanh di sản.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Hạ thực hiện

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất