“Nóng” ở đây được hiểu là vấn đề giới tính, tình dục hoặc có tính “thời sự” vào buổi sáng và bị lãng quên ngay vào buổi chiều. Còn “láo” là tên bộ sách mới ra mắt của một NXB. Những cuốn sách như vậy đang được xuất bản mỗi ngày với những cái tên mới nghe đã thấy… tò mò.
Một dòng rao, sách bán vạn quyển
Tập truyện Hồi xuân (NXB Văn nghệ) mới đây của nhà văn Lý Lan cũng được “chế tác” theo công thức làm sao ở bìa 1 và bìa 4 phải gây được “tò mò” cho người lần đầu nhìn thấy. Hồi xuân được lấy ra từ một truyện ngắn cùng tên trong số 22 truyện có những cái tên cũng “văn chương” không kém. Nhưng vì sao lại là Hồi xuân?
Vì Hồi xuân mới “ăn nhập” với dòng rao ở bìa 4: “Mỗi truyện là một lát cắt từ bản thân tác giả”. Những fan hâm mộ Harry Potter do Lý Lan chuyển ngữ hay những tác phẩm khác của nữ nhà văn này, hẳn biết tác giả cũng đang ở tuổi “hồi xuân”. Ở tuổi này, tất nhiên có những biến đổi về tâm sinh lý phức tạp. Như vậy dòng rao “Mỗi truyện là một lát cắt từ bản thân tác giả” gợi ý người đọc nên mua cuốn sách để biết những trang viết như là “tự truyện” của một tác giả đang “hồi xuân” vậy.
Trong lần trò chuyện cùng chúng tôi, nhà văn Lý Lan cho hay: “Cái dòng rao đó là do NXB đưa ra. Lúc đầu họ còn đưa lên bìa 1, nhưng mình thấy dị quá nên họ mới chuyển sang bìa 4. Nhưng thôi, miễn sao sách bán được là tốt rồi”. Hy vọng, Hồi xuân cũng sẽ phát hành tốt để không bỏ công NXB “chăm sóc” hai cái bìa.
Cũng ở NXB Văn nghệ, cuốn sách Dị bản được lấy từ những bài viết trên blog của cô gái 8X Thùy Linh, tức Keng, từ năm ngoái đến nay đã in gần 10.000 bản. Số bản in này luôn là ước mơ của nhiều cây bút, nhà làm sách ở ta hiện nay. Vì sao Dị bản được in nhiều như thế? Câu hỏi này được trả lời ngay ở bìa 1 cuốn sách với dòng khuyến cáo: “Chỉ đọc khi tuổi đã 18”. Những dòng rao như thế, chỉ thấy ở những bộ phim “cấp 3” hay bao lực, kinh dị nặng... “cấm trẻ em”, thì cũng có thể đoán được người đọc hiền lành ở ta sẽ tò mò đến mức nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các cuốn sách có tựa như thế, ví dụ: Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Chuyện tình một đêm, Yêu trong 48 giờ, Hễ sướng thì hét lên, Lạc giới (còn gọi là Điếm trai), Giường... đang bán như “tôm tươi” ngoài chợ xổm. Ngoài những đầu sách dịch không phải bàn nhiều, những cuốn được các tác giả trong nước viết, nhất là tác giả trẻ, dẫu có được gán mác “văn học”, nhưng kỳ thực chẳng có tí “văn” nào, vì ở đó bạn đọc dễ tính nhất cũng không hề thấy cái gọi là “tư tưởng nghệ thuật”.
Đến công thức làm sách “hot”
NXB Thanh niên và Công ty Đức Việt vừa xuất bản bộ sách có cái tên mới nghe cũng kỳ dị: Tủ sách láo - Con gái láo. Bộ sách Con gái láo nằm trong dự án Tủ sách láo của Công ty Đức Việt (mới tham gia vào làng xuất bản) hiện đã in được 4 cuốn, với những cái tên nghe rất “xì-tin”: Tán tỉnh sân trường và giấc mơ sàn diễn; Lệnh cấm hôn và kẻ trộm tim; Ẩn ức tình yêu và nụ hôn sao nhạc Pop; Cánh con trai và những thảm họa khác.
Chưa hết, bìa 4 bộ sách này còn khuyến cáo: “Sách cấm con trai đọc”. Trong khi đó, khi làm sự kiện để ra mắt bộ sách này trong những buổi casting diễn viên cho phim Thiên thần áo trắng đang được Lê Hoàng đạo diễn, Công ty Đức Việt “khuyến cáo” rõ ràng hơn: “Sách con trai được quyền mua tặng - mà không có quyền đọc, vì đọc sẽ... chết liền”.
Vậy bộ sách Con gái láo có gì mà con trai đọc sẽ... chết liền? Xin thưa, đây là bộ sách hư cấu nhưng dựa trên nền tảng khoa học và y học về lứa tuổi “con gái dậy thì” được chủ biên bởi một tiến sĩ kiêm nhà sư phạm người Đức. Như vậy, nội dung của bộ sách không có gì “láo” và phải “cấm con trai đọc” hết. Cách đặt tên “sách láo” và “cấm con trai đọc” ngoài mục đích nào khác là thu hút sự tò mò để độc giả “móc hầu bao” khi đứng trong nhà sách trước “thiên kinh vạn quyển”?! “láo”!
Trở lại với những Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Dị bản (Chỉ đọc Từ sách “nóng” đến sách khi tuổi đã 18), Lạc giới (Điếm trai)... sẽ thấy rõ điều này. Xin lỗi, em chỉ là con đĩ do nhà văn Trang Hạ - một cây bút có tiếng tăm trong số các tác giả đang “chuẩn bị” hết “trẻ” - dịch. Tên gốc của cuốn sách này nhẹ nhàng hơn nhiều, nhưng Trang Hạ đã lấy một câu nói của nhân vật trong sách lúc đang “bốc đồng” để làm tựa, còn nội dung không “sốc” như vậy.
Cuốn Dị bản của cô gái 8X Keng cũng không có gì phải “chỉ đọc khi đủ 18 tuổi”. Vì cuốn này, trước khi in sách đã đăng trên blog của Keng (giờ Keng đã lên đời blog thành web), mà trên blog Keng thì đâu thấy dòng khuyến cáo người đọc hãy “đủ 18 tuổi”. Cuốn Lạc giới của một cô gái có bút danh “nửa Tây, nửa ta” Thủy Anna cũng thế. Dù Lạc giới có ghi ở bìa 4 là Điếm trai đi chăng nữa, thì nội dung của nó cũng không hơn (nếu chưa nói là kém) so với một phóng sự xã hội và nghệ thuật diễn đạt thì cũ mèm.
Có thể nói, cách đặt tên sách rất “kêu”, đầy “giới tính”, “chăn gối”, “phòng the”... gần đây đã trở thành một công thức để làm ra những cuốn sách “nóng”. Công thức này đã mau chóng lấn lướt công thức cũ: Một bìa sách phải “gồng” quá nhiều dòng trích dẫn, nào là “best seller thế giới”, “số 1 của Tây, Tàu, Mỹ”, “tạp chí A, thời báo B ở Paris, New York, London... bình chọn”. Có lẽ đã đến lúc phải “để mắt” đến những cách làm câu khách nói trên.
Thị trường phân chia độc giả
Một số người quan tâm đến văn hóa đọc lo lắng, kiểu làm sách như thế này sẽ làm văn hóa đọc bị lệch lạc. Nhưng nỗi lo ấy chắc chắn không kéo dài, giống như tuổi thọ của những cuốn sách “thùng rỗng kêu to” mà thôi. Thời gian đã chứng minh, nhiều đầu sách một thời khi mới in, con số lên đến hàng trăm ngàn quyển cùng với nhiều cuộc hội thảo xung quanh nó. Thế rồi theo thời gian, nó như một ánh hào quang của tia chớp lóe sáng, đì đùng rồi... mất hút.
Đó là nói về những cuốn sách ít nhất cũng có tác động xã hội vào một thời điểm nhất định. Còn đa số, các cuốn sách vừa nêu chỉ nói chuyện “nhăng nhít” thì đời sống của nó sẽ tới đâu?!
Một nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, giá trị bề nổi bao giờ cũng ồn ào, thu hút được đám đông tham dự nhưng cũng mau chóng tan biến. Từ đó suy ra, những đầu sách “nóng” hiện nay, dù thu hút một số đông người đọc nhưng sẽ không bao trở thành một giá trị lâu bền, dẫu loại sách này đang được một vài nhà phê bình “xu thời” tung hô.
Để nhìn rõ hơn điều này, chúng ta có thể nhìn vào hiện tượng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh dù viết cho thiếu nhi hay người lớn, không hề có đĩ, điếm, lạc giới, cấm con trai đọc... nhưng sách của ông lúc nào cũng in nhiều kỷ lục. Mà sách in nhiều kỷ lục của Nguyễn Nhật Ánh đâu chỉ có một hay hai cuốn, gần như đầu sách nào của Nguyễn Nhật Ánh cũng thuộc hàng “best seller” của sách Việt.
Như vậy, thị trường sách hiện nay đã phân chia độc giả theo nhu cầu, gu thẩm mỹ và trình độ văn hóa. Điều này vừa đáng lo nhưng cũng thật đáng mừng, lo thì đã rõ, còn mừng vì độc giả đã có nhiều “mặt hàng” để lựa chọn theo ý thích của mình./.
(Theo: TT&VH)